Mất tình chị em vì… 15 mét vuông đất
Chỉ vì tranh chấp 15m2 diện tích trong căn nhà mà tình thâm máu mủ ruột rà bị cắt đứt đến cả ba thế hệ…
Mất tình chị em vì… 15 mét vuông đất
Chỉ vì tranh chấp 15m2 diện tích trong căn nhà mà tình thâm máu mủ ruột rà bị cắt đứt đến cả ba thế hệ…
Minh hoạ: DAD |
Phòng xử rộng thênh thang nhưng chỉ có bốn người. Dãy ghế bên trái gồm hai mẹ con, người mẹ 71 tuổi, người con gái độ 40 tuổi. Dãy ghế bên phải gồm hai cha con cũng trạc trên dưới ngần ấy tuổi. Tất cả đều ăn mặc sang trọng, đeo trang sức đắt tiền…
Hai người lớn tuổi tóc đã bạc. Họ rất giống nhau bởi là hai chị em ruột. Họ đến tòa với tư cách nguyên đơn và bị đơn. Hai chị em họ ngồi xoay lưng lại nhau. Còn hai người con nhìn nhau bằng những cái nhìn sắc lạnh…
Quyết không hòa giải
Phiên phúc thẩm về tranh chấp di sản thừa kế tại TAND TP Cần Thơ bắt đầu. Qua diễn tiến nội dung, vụ án dần hiện ra.
Vợ chồng cụ B. có ba người con. Rồi vợ chồng cụ lần lượt qua đời, có để lại di chúc giao nhà đất cho con thứ hai là bà N.T.L. và con thứ ba là bà N.T.T.. Con thứ hai được hưởng phía bên trái, người thứ ba phía bên phải. Ranh giới phân chia là bức tường dọc trong nhà.
Cả hai được cấp giấy chứng nhận quyền đồng sở hữu khối tài sản chung. Người thứ hai không lập gia đình và khi bà qua đời để lại di chúc chỉ định cho người em trai út là ông N. được hưởng phần tài sản của mình.
Ông N. đã nhiều lần yêu cầu chị Ba mình thực hiện theo di chúc nhưng người chị không đồng ý. Do đó, khi người chị tự ý đăng ký quyền sử dụng đất, ông đã khởi kiện.
Phiên sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của ông, tuyên ông được hưởng phần tài sản theo di chúc. Người chị kháng cáo với nội dung đồng ý giao cho ông một phần tài sản nhưng mỗi bên hưởng phân nửa diện tích chứ không lấy bức tường làm ranh giới như án sơ thẩm đã tuyên…
Tòa mời hai đương sự đứng trước bàn để trình bày. Em trai lên trước. Người chị lên sau. Cả hai đứng xích ra xa nhau ở một khoảng cách có thể và họ hơi xoay lưng về phía nhau.
Đứng gần nhau, nhìn hai người khá giống. Từ đôi mắt một mí xếch, đến sống mũi gãy và cả mái tóc dày đầy những sợi bạc.
Phiên toà bắt đầu. Toà chưa đi vào phần nội dung mà trước tiên toà khuyên hai bên nên ngồi lại hoà giải, thoả thuận với nhau lần nữa.
Chỉ vì mười mấy mét vuông đất mà sao lại nỡ dứt tình chị em ruột thịt, đó là chưa nói mối bất hoà, hiềm khích còn kéo dài đến đời con, đời cháu nữa, trong khi hai bên người nào đều cũng dư dả, giàu có.
Ngoài ngôi nhà này, ai nấy cũng có mấy căn nhà khác ở mặt phố để kinh doanh hoặc cho thuê. Hai bên vẫn không đồng ý.
Người chị nói sở dĩ cha mẹ cho bà và chị bà đồng sở hữu chung ngôi nhà bởi chị bà không có chồng nên cha mẹ muốn chị bà ở chung nhà với bà để bà và các con chăm sóc chị khi ốm đau bệnh hoạn.
Còn phần ông N. được cha mẹ cho riêng một căn nhà rồi. Vậy mà ông vẫn còn tham, cứ đến thuyết phục chị bà hoài.
Bà chị lúc đầu không đồng ý nhưng ông cứ đến nhỏ to để một phần căn nhà cho ông bởi ông là con trai độc nhất nên chuyện cúng quải, thờ phụng sẽ dễ hơn, vì vậy mới khiến chị bà đồng ý.
Giọng bà quyết liệt: “Giờ tôi chỉ muốn chia đôi căn nhà chứ không đồng ý lấy bức tường làm ranh giới phân chia”.
Thắng và thua
Chuông reo. Toà bắt đầu tuyên án. Toà nhận định di chúc của người chị thứ hai đã mất để lại đúng luật định.
Còn về việc bà T. cho rằng căn nhà phải chia đôi diện tích vì bà đã xuất tiền túi riêng sửa chữa nâng nền, lót gạch… điều đó không đúng bởi số tiền đó là tiền Nhà nước đã đền bù cho khối tài sản chung khi quy hoạch lộ giới mà bà đã đại diện đứng ra nhận nên không thể nói số tiền sửa chữa nhà là tiền riêng của bà được.
Vì các lẽ trên, toà tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo của người chị. Ông em được quyền sử dụng đất và tài sản gắn với đất diện tích 120m2 phía bên trái.
Người chị được quyền sở hữu đất và tài sản gắn với đất diện tích 90m2 phía bên phải. Ranh giới phân chia là bức tường dọc trong ngôi nhà.
Tòa tuyên xong, phía bên người em hớn hở ra mặt. Ngược lại, phía người chị đỏ lên màu bất mãn, tức tối. Rồi họ lục tục ra về. Hai cha con ông em đi trước. Hai mẹ con người chị đi phía sau. Vừa đi hai người con vừa điện thoại báo kết quả phiên xử cho những người thân khác biết.
Ở góc sân tòa, nơi hai chiếc xe hơi láng coóng sang trọng đậu cách nhau chỉ chừng vài mét. Chiếc xe đậu phía bên trái có một người đàn ông trung niên và một đứa bé trai mặc đồng phục học sinh, mang phù hiệu lớp 8.
Chiếc xe phía bên phải cũng có một người đàn ông trung niên và một bé gái mang phù hiệu lớp 9. Hai cha con ông N. đi về xe bên trái, khi gần tới nơi thì bé trai thò đầu ra cửa sổ xe nói như reo: “Mình thắng rồi hả ông?”.
Người ông chưa kịp trả lời thì người đàn ông trên xe nhanh nhảu: “Ừ, mình đúng thì phải thắng chứ con”.
Cùng lúc ấy, bên bà T. cũng vừa đến chỗ xe đậu, cô bé gái lớp 9 nhảy xuống xe, đến bên bà lớn tiếng: “Mình ra Hà Nội thưa tiếp, hé bà”. Những người lớn hai bên nghe vậy người thì gật đầu, người thì cười, người thì bĩu môi…
Cuộc đấu khẩu của hai đứa nhỏ có nguy cơ sắp bùng đến những người lớn thì cơn mưa bất ngờ ập xuống. Hai bên vội vã lên xe. Hai chiếc xe hơi chầm chậm ra khỏi cổng, trên mỗi xe đều chở đến ba thế hệ đang nặng nề chuyện thắng – thua…
Chủ tọa khuyên người em: “Thôi thì ông đồng ý chia đôi đi, để chị em, con cháu sống hòa thuận, chắc khi cha mẹ tạo lập cơ ngơi cũng muốn như vậy”. Ông khăng khăng rằng mình chỉ làm theo di chúc của chị Hai. Giọng ông cương quyết: “Phải chi lúc đầu chị Ba nghĩ đến tình nghĩa thì tôi còn suy nghĩ lại. Đằng này khi di chúc công bố rồi, chị đóng cửa không cho tôi vô. Rồi còn lén đi làm giấy sở hữu đứng tên chị ấy nữa. Không thể nhân danh quan hệ tình cảm mà ép buộc được. Huống hồ về lý và tình, tôi đều đúng. Về lý, tôi đúng theo luật. Về tình, tôi làm theo đúng di nguyện của người đã mất”. |