09/01/2025

Bức xúc với mức thu BHYT 15 tháng

Hầu hết phụ huynh đều phản ứng với mức thu bảo hiểm y tế theo quy định mới: đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước.

 

Bức xúc với mức thu BHYT 15 tháng

 

Hầu hết phụ huynh đều phản ứng với mức thu bảo hiểm y tế theo quy định mới: đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước.



 

Phụ huynh đối chiếu mức đóng bảo hiểm y tế do nhà trường thông báo với quy định đăng trên website của Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Phụ huynh đối chiếu mức đóng bảo hiểm y tế do nhà trường thông báo với quy định đăng trên website của Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Năm học mới, các trường tổ chức thu bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định mới: đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước và mức đóng cũng cao theo lương. Rất nhiều phụ huynh phản ứng, các trường thì than trời vì khó thu.

Những ngày gần đây, Tuổi Trẻ nhận được khá nhiều phản ảnh của độc giả xung quanh chuyện tiền đóng BHYT học sinh sinh viên (HS-SV) tăng cao do thu theo 15 tháng thay vì 12 tháng như trước.

Không những vậy, nhiều phụ huynh còn thắc mắc tại sao phải bắt buộc đóng; thu như vậy thì học sinh lớp 1, lớp 12 sẽ tính như thế nào…

Một số phụ huynh quay lưng với BHYT bắt buộc vì chất lượng khám chữa bệnh của loại hình này không như họ mong đợi.

Điều mâu thuẫn là nhà trường thu tiền BHYT rồi nộp lại cho BHXH nhưng ngành y tế lại là nơi khám bệnh nên họ không nhiệt tình. Các hiệu trưởng đã đúc kết là không gì oải bằng việc thu BHYT của học sinh.

Tất cả những bức xúc, những gian nan của phụ huynh khi cho con em đi khám BHYT họ đều “đổ” hết lên đầu hiệu trưởng vì nhà trường là nơi thu tiền của họ

Một cán bộ 
Sở Giáo dục – đào tạo 
TP.HCM

Phụ huynh ngán ngại

“Năm trước, mức thu BHYT 289.800 đồng nhưng năm nay tăng lên đến 543.375 đồng, thu nhập của chúng tôi có tăng đồng nào đâu mà tiền bảo hiểm tăng nhanh quá vậy? Đã vậy trường còn nói bắt buộc mới bực chứ” – ông M., phụ huynh một trường THCS ở quận 8, bức xúc.

Ông N.T., phụ huynh một học sinh tiểu học tại quận Tân Bình, cho biết: “Vợ chồng tôi tá hoả khi nhận giấy thông báo nộp tiền BHYT cho hai con năm nay. Cả hai đứa nộp hơn 1 triệu đồng. Rồi còn bao nhiêu khoản khác phải chi đầu năm học, chúng tôi đào đâu ra?

Mặc dù trường thông báo có thể nộp hai giai đoạn, nhưng tổng tiền vẫn tăng quá cao. Chúng tôi chạy gạo từng bữa, tại sao phải buộc chúng tôi đóng đến 15 tháng trong khi năm ngoái đóng 12 tháng chúng tôi đã chạy vạy vất vả rồi?”.

Bà M., phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, nói thêm: “Hai đứa con tôi đều đã mua BHYT của một công ty tư nhân. Thế nhưng, nhà trường vẫn bắt buộc học sinh phải mua BHYT ở trường với mức phí 543.375 đồng/năm/học sinh. Tại sao lại có chuyện kỳ cục như vậy?”.

Nhà trường mệt mỏi

Than thở với Tuổi Trẻ về BHYT của HS-SV không phải là phụ huynh mà lại là hiệu trưởng một trường phổ thông ở TP.HCM: “Đây là khoản tiền không nhỏ đối với những phụ huynh lao động chân tay, buôn gánh bán bưng.

Trong khi đó, đầu năm học các phụ huynh đã phải oằn mình đóng rất nhiều khoản phí khác cho con em mình rồi. Nói thật là tôi rất ngại khi phải thông báo thu BHYT, mà không thu thì không được. Luật BHYT đã quy định rồi”.

Ngay cả ở các trường phổ thông tư thục – vốn đa số phụ huynh thuộc diện khá giả – mà ban giám hiệu các trường vẫn băn khoăn:

“Từ giữa tháng 8 đến nay, gần như ngày nào tôi cũng tiếp điện thoại của phụ huynh thắc mắc về khoản thu BHYT. Đa số ý kiến đều cho rằng mức thu cao quá và họ xin không tham gia” – hiệu trưởng một trường tư thục ở TP.HCM cho biết.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, có nhiều hiệu trưởng gọi điện cho tôi than thở đủ điều là việc thu BHYT nhiêu khê quá, phụ huynh phản ứng rất dữ, có người sau khi nghe giải thích nhưng vẫn quyết định… không đóng.

Trong khi đó, ban giám hiệu các trường đang rất áp lực với chỉ tiêu 100% học sinh tham gia BHYT bắt buộc”.

Bản thông báo mức đóng bảo hiểm y tế do nhà trường gửi đến phụ huynh - Ảnh: Hữu Khoa
Bản thông báo mức đóng bảo hiểm y tế do nhà trường gửi đến phụ huynh – Ảnh: Hữu Khoa

Tại sao bắt buộc?

Chị Lê Khánh Trang, có con gái học lớp 4 tại một trường tiểu học công lập ở quận Bình Thạnh, trầm tĩnh nói: “Việc yêu cầu 100% HS-SV phải tham gia BHYT bắt buộc trong bối cảnh như hiện nay chỉ có lợi với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi bệnh viện tư hoặc trong những trường hợp bệnh nặng phải nằm viện điều trị.

Gia đình tôi có mua cho con gái BHYT tư nhân, khi cháu bị những bệnh thông thường thì đi bệnh viện tư hoặc bệnh viện công nổi tiếng để khám dịch vụ chất lượng cao, được yêu cầu bác sĩ mà mình tin tưởng.

Cháu không phải chờ đợi lâu mà lại được chăm sóc ân cần, chu đáo. Tiền khám, tiền mua thuốc bao nhiêu cứ lấy biên lai về là bên bảo hiểm họ thanh toán hết.

Nếu BHYT bắt buộc của ngành BHXH làm được điều này thì chúng tôi ủng hộ hết mình. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, người bệnh đi khám ở phòng khám của bác sĩ tư vẫn được BHYT thanh toán cơ mà”.

Thậm chí, ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, đầu năm học trước đã có phụ huynh thắc mắc về việc họ bắt buộc phải tham gia BHYT ở trường trong khi đã tham gia BHYT tư nhân.

Lúc ấy, trên báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Tốt, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, đã giải thích rất cặn kẽ: “Trường hợp phụ huynh mua BHYT ở nơi khác nhưng thẻ BHYT phải do ngành Bảo hiểm xã hội phát hành thì mới được xem là đã tham gia BHYT”.

Thế nhưng, đến năm nay, cũng lại là phụ huynh ở phường Trường Thọ đặt câu hỏi: “Tại sao có quy định bắt buộc? Tôi đã mua BHYT của một công ty nước ngoài với quyền lợi được đi khám bệnh ở các bệnh viện quốc tế, được chăm sóc sức khoẻ rất tốt. Bây giờ mua thêm BHYT của ngành BHXH nữa làm gì?”.

Mua BHYT nhưng… không dùng

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát bỏ túi với 20 phụ huynh học sinh lớp 4, lớp 5 của Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3), Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) và Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11).

100% phụ huynh đều cho biết những năm trước có tham gia BHYT nhưng không sử dụng đến thẻ này vì: thỉnh thoảng bé có bị cảm, sốt, sổ mũi, viêm họng, viêm amidan… nhưng phụ huynh đều cho bé đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tuy nhiên, các bệnh viện này lại không nằm trong danh mục được khám BHYT.

Với câu hỏi: Tại sao không cho con em đi khám ở bệnh viện đã đăng ký trong thẻ BHYT? Có 12 phụ huynh trả lời: không tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh ở những nơi này.

Ba phụ huynh nêu lý do: không thuận tiện nên không đi khám vì con em họ học bán trú suốt cả ngày tại trường.

Thời gian cho bé đi khám thường rơi vào thứ bảy, chủ nhật hoặc buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu, mà thời gian này các bệnh viện quận không giải quyết trường hợp BHYT.

Năm phụ huynh còn lại cho rằng thủ tục khám BHYT quá nhiêu khê, thời gian xếp hàng ngồi chờ cả tiếng rất mất thời gian, bệnh nhân bị coi thường khi dùng thẻ BHYT chứ không được bác sĩ ân cần, chăm sóc như khi đi khám dịch vụ hoặc khám theo yêu cầu.

H.HG.

Học sinh, sinh viên phải tham gia BHYT bắt buộc

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “Luật BHYT quy định “HS-SV đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đều là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc”.

Mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.150.000 đồng). Năm học này là năm chuyển tiếp từ BHYT theo năm học sang BHYT theo năm tài chính nên BHYT sẽ được tính thành 15 tháng (thay vì 12 tháng như năm trước).

Tức là: 4,5% x 1.150.000 x 15 tháng = 776.250, trong đó HS-SV đóng 70% = 543.375 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% = 232.875 đồng. Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày 1-10-2015 đến 31-12-2016.

Giải thích cặn kẽ như vậy để thấy rằng nhà trường chỉ đóng vai trò thu hộ ngành BHXH chứ không phải nhà trường ép phụ huynh phải mua BHYT”. 

HOÀNG HƯƠNG – HỒNG NHUNG – [email protected]