09/01/2025

Được xin lỗi oan sai nhưng không có tiền đóng án phí

Đó là câu than thở của ông Phạm Văn Thành – người “nổi tiếng” một thời ở ấp Ninh Hoà, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vì án oan giết con.

 

Được xin lỗi oan sai nhưng không có tiền đóng án phí

 

Đó là câu than thở của ông Phạm Văn Thành – người “nổi tiếng” một thời ở ấp Ninh Hoà, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vì án oan giết con.



Ông Phạm Văn Thành - Ảnh: Sơn Lâm
Ông Phạm Văn Thành – Ảnh: Sơn Lâm

Dù đã được Công an tỉnh Tiền Giang xin lỗi và bồi thường nhưng chỉ 84 triệu đồng bồi thường “thiệt hại về tinh thần” là quá ít cho một người nông dân giỏi nghề và ham làm vướng phải tai hoạ.

10 năm sau ngày được bồi thường, ông Thành vẫn không thể nộp án phí khởi kiện một vụ tịch thu tài sản “vô lý có một không hai” của UBND xã HoàTịnh.

Ông Thành kể: “Chiều 10-8-1989, sau một đám tiệc, một vài người tự dưng sấn vào nhà chỉ thẳng mặt tôi và bảo rằng tôi giết con trai. Tôi quá bất ngờ và bàng hoàng…

Trước đó, con trai tôi là Phạm Thanh Tuyền được tôi giao cho giữ một chuồng dê ở mảnh vườn cách nhà hai cây số. Thi thoảng hai cha con mới gặp mặt nhau. Tôi tức tốc đi tìm con.

Ngày 17-9-1989, loa phát thanh xã phát inh ỏi rằng tôi là thủ phạm giết con trai. Rồi công an đến đọc biên nhận tịch thu tài sản của tôi và bắt tôi giải lên huyện.

Đến nay, tờ biên nhận tịch thu tài sản của UBND xã Hoà Tịnh tôi vẫn còn giữ kỹ. Tờ biên nhận có nội dung “theo sự chỉ đạo của ông Lê Văn Trung, bí thư xã Hoà Tịnh, nay ra lệnh thu giữ toàn bộ số tài sản của ông Phạm Văn Thành”.

Lý do tịch thu tài sản “tình nghi đương sự giết con trai ông là Phạm Thanh Tuyền”, “quyết định xử lý bằng hình thức thu giữ tài sản” gồm “200 con dê nái mẹ giống dê sữa trị giá 5 chỉ vàng 24K mỗi con tại thời điểm năm 1989, 40 con dê cái con trị giá 1 chỉ vàng 24K mỗi con, một máy suốt lúa trị giá 1 lượng vàng 24K, một máy Kohler trị giá 5 chỉ vàng 24K, một bình xịt trị giá 1 chỉ vàng 24K”.

Tờ biên nhận còn nêu rõ “khi nào ông Phạm Văn Thành tìm được con trai ông về, chúng tôi sẽ hoàn trả toàn bộ số tài sản tạm thu giữ nêu trên”.

Sau 13 tháng bị bắt và giam tại nhà giam huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), tôi được một người thầy cũ bảo lãnh cho tại ngoại. Trong thời gian này con tôi trở về sau một thời gian “buồn buồn theo người ta lên Mộc Hoá, Long An chăn bò mướn”. Thế là tôi được rửa sạch nỗi oan giết con của mình.

Những tưởng từ đây tôi đã có thể bắt đầu làm lại cuộc đời, đòi lại được tài sản đã bị tịch thu nhưng chiều 18-4-1995, UBND xã gọi tôi lên rồi… đẩy thẳng vào xe bít bùng, đưa về trại giam Mỹ Phước (Tiền Giang).

Trong trại giam, tôi viết đơn kêu oan gửi lên các cấp trung ương. Năm tháng sau, tôi được gọi lên trao quyết định trả tự do. Đọc quyết định tôi mới biết mình bị bắt vì tội “vu khống”.

Tôi đi khiếu kiện đòi lại công bằng. Ngày 7-6-2004, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định kết luận vụ việc của tôi “là oan sai, do nóng vội, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật”.

Tại phiên toà phúc thẩm vụ nghi tôi giết con trai, TAND Tiền Giang tuyên Công an Tiền Giang bồi thường thiệt hại về tinh thần cho tôi tổng số tiền là 84.614.000 đồng dù trước đó trong đơn khởi kiện tôi đòi số tiền lên đến hơn 2 tỉ đồng, cho cả phần tài sản bị tịch thu.

Nhưng tòa án nói nếu muốn khởi kiện vụ tài sản bị tịch thu theo biên nhận của UBND xã thì phải kiện riêng một vụ án dân sự khác.

Số tài sản bị tịch thu hơn cả trăm cây vàng, đến thời điểm này nếu muốn khởi kiện thì phải đóng án phí hơn 40 triệu đồng.

Hơn mười năm qua, tôi lặn lội đi nuôi dê ở tỉnh xa nhưng vẫn không đủ tiền để nộp án phí cho vụ kiện. Tôi đã kiệt sức rồi. Tiền đâu mà đóng án phí, tiền đâu mà đi hầu toà nữa…”.

Thu giữ tài sản không đúng 
pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng vào thời điểm năm 1989 và hiện nay, vấn đề thu giữ tài sản của ông Thành là không đúng quy định của pháp luật.

Nếu xem đây là hành động kê biên tài sản thì việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc thân nhân của họ bảo quản. Ngoài ra, bí thư xã, chủ tịch UBND xã hay chính bản thân UBND cấp xã đều không có quyền thu giữ tài sản của ông Thành.

Có thể miễn 50% tiền án phí nộp trước

Ông Trần Văn Công, phó chánh án TAND huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, cho biết ông Thành hoàn toàn có thể khởi kiện đòi lại tài sản theo đúng luật định. Toà án huyện Chợ Gạo có thể xem xét thụ lý vụ án đúng theo luật định.

Tuy nhiên theo quy định, dù ông Thành là trường hợp khó khăn, có sự xác nhận của địa phương thì cũng chỉ miễn được tối đa 50% tiền án phí nộp trước.

SƠN LÂM