10/01/2025

Những giọt mật mùa Vu lan

Vu lan. Những yêu thương thường ngày vẫn cất kỹ trong lòng, những người con bỗng như có nhu cầu được bật ra thành lời với mẹ, với cha, với những bông hồng đỏ, hồng trắng, mâm cơm, chiếc bánh…

 

Những giọt mật mùa Vu lan

 

Vu lan. Những yêu thương thường ngày vẫn cất kỹ trong lòng, những người con bỗng như có nhu cầu được bật ra thành lời với mẹ, với cha, với những bông hồng đỏ, hồng trắng, mâm cơm, chiếc bánh…


 

 

Bé bán vé số ế bị mẹ tưới xăng lên người rồi châm lửa đốt đang được điều trị cách ly tại khoa Phỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Thùy Dương
Bé bán vé số ế bị mẹ tưới xăng lên người rồi châm lửa đốt đang được điều trị cách ly tại khoa Phỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Thuỳ Dương

Mỗi người mỗi câu chuyện về cha mẹ. Những câu chuyện quen thuộc, cũ kỹ nhưng lúc nào cũng cuốn hút, rung động về tình yêu vô điều kiện và không đong đếm của cha mẹ dành cho con.

Những câu chuyện như rót mật vào lòng người nghe, người đọc, khơi gợi họ nhớ về một góc thiêng liêng của riêng mình và thôi thúc họ trả cho đời những ngọt ngào.

Nhưng Vu lan năm nay lại có thêm một câu chuyện thách thức sức chịu đựng của tình cảm, sự nhận thức của lý trí người biết chuyện: một người mẹ đã tự tay tưới xăng lên người con gái mình rồi châm lửa đốt, chỉ vì cô bé 12 tuổi đã giữ lại 30 tờ vé số bán không hết trong ngày.

Sau kinh hoàng là đắng chát. Sau đắng chát là lo sợ. Người mẹ muốn trừng phạt hay muốn giết con là câu hỏi chưa được trả lời, nhưng cái ác đã giết tình mẹ lại là câu khẳng định.

Cái ác chứ không phải cái nghèo. Bởi trong vô số câu chuyện mật ngọt về tình mẹ mà mỗi người con cứ kể hoài không chán mỗi mùa Vu lan, đa số là chuyện về những bà mẹ nghèo.

Những bà mẹ không nao núng trước hoàn cảnh, sẵn lòng đổi bát mồ hôi của mình lấy chén cơm, manh áo cho con. Những bà mẹ chưa bao giờ coi những công việc, nhường nhịn vô tận mà mình dành cho con là hi sinh, thiệt thòi. Cái nghèo tô đậm thêm tình mẹ, để những đứa con, dù còn thơ bé cũng sẽ nhận ra, mang theo suốt cuộc đời.

Vẫn có những người mẹ vì nghèo mà ép con nghỉ học, mưu sinh, thậm chí lợi dụng, bán con… nhưng xảy đến sự việc như câu chuyện trên quả là vượt ngoài sự tưởng tượng.

Cái ác nào đã giết chết tình mẹ? Có phải người mẹ này đã phải chứng kiến cái ác mỗi ngày mỗi sinh sôi, bủa vây quanh cuộc sống của mình đến mức thành bình thường? Có phải những cái thiện, cái tốt, sự sẻ chia, bao dung xuất hiện quá hiếm hoi trong cuộc đời nhọc nhằn khiến ngay cả lòng mẹ cũng phải khô cằn tình yêu thương với con mình? Có phải cách nhìn và đánh giá xã hội xuyên qua đồng tiền đã khiến bà coi trọng tiền bạc hơn cả bản thân, con cái?…

Có thể là tất cả và như vậy, mỗi người trong xã hội đều sẽ có phần đóng góp của mình vào việc ngăn chặn cái ác, nhân mầm cái thiện, tưới tắm cho tình yêu thương.

Chuyện mẹ con bao giờ cũng làm người ta muốn khóc và bao giờ cũng tươm mật ngọt. Trong câu chuyện kinh hoàng, đắng chát mùa Vu lan năm nay, người ta vẫn thấy còn một may mắn sót lại: em bé bị biến thành ngọn đuốc đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ để kêu cứu.

Tình của con với mẹ vẫn sống khi thân xác bên bờ sinh tử. Tình mẹ đã bị cái ác giết chết liệu có hồi tỉnh lại trong khoảnh khắc bỏng rát ấy không? Nước mắt bị cái ác bắt đổi dòng chảy ngược hôm nay liệu đã trở lại chảy xuôi?…

Tôi đã từng được chứng kiến một câu chuyện như vậy. Người mẹ nhẫn tâm hại con mình nhưng những đứa trẻ vẫn chờ đợi đến ngày được gọi một tiếng “Mẹ” yêu thương. Quy luật tự nhiên của cuộc đời: con người có thể bị giết nhưng tình yêu thì có thể sống lại, có thể bất tử. Câu chuyện Vu lan vì thế vẫn ngọt ngào dù mỗi giọt mật có một hương vị khác nhau…

PHẠM VŨ