Đi lễ cho con
Người phụ nữ đeo tay nải năm nào cũng đi lễ sớm. Có lẽ bà là phật tử duy nhất ở chùa này đi lễ sớm như vậy.
Đi lễ cho con
Người phụ nữ đeo tay nải năm nào cũng đi lễ sớm. Có lẽ bà là phật tử duy nhất ở chùa này đi lễ sớm như vậy.
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần |
Vào tháng 7, sáng nào bà cũng đều đặn vào chùa lễ Phật rồi khẩn cầu cả giờ mới đeo tay nải đi bán vé số dạo. Người ta rỉ tai nhau: bà già đi lễ cho con.
Đi lễ cho con? Tôi đã có lần tò mò khi mua giúp bà mấy tờ vé số. Vu lan báo hiếu, sao bà lại đi lễ cho con? Người đàn bà khắc khổ cúi gằm mặt xuống, đưa tôi tiền thối rồi đi nhanh.
Có lẽ bà sợ tiếp xúc với người lạ, sợ người khác biết việc làm khác người của mình chăng? Tôi đem thắc mắc to đùng đó vào cả giấc ngủ.
Người ta kháo nhau xưa bà cũng có chồng, có con nhưng con bà chết hết lúc còn nhỏ, thậm chí khi còn bào thai, chỉ một đứa duy nhất sinh ra nguyên vẹn thì đổ đốn. Chồng bà suy sụp rồi lâm bệnh mà chết. Một mình lay lắt giữa cuộc đời, bà bỏ xứ đến cư ngụ tại khu chợ gần chùa rồi làm nghề bán vé số dạo cả chục năm nay.
Chẳng ai biết bà gốc gác ở đâu. Mỗi tối vào chùa nghe đọc kinh, bà bắt đầu chiêm nghiệm lại cuộc đời. Có lẽ bà đã không có duyên, bà không có duyên nên con bà mới bỏ bà đi hết ráo.
Có lẽ bà không có duyên nên phải trơ trọi một mình giữa cuộc đời. Bà chẳng còn nước mắt để khóc. Ngày ngày bà tụng kinh niệm Phật, ăn chay trường để xóa bỏ bớt nghiệp chướng trần ai.
Bà chậm rãi vân vê cánh hoa trắng trên ngực áo trong ngày lễ Vu lan nhà chùa tổ chức. Màu hoa tượng trưng cho những người con không còn mẹ. Tôi nắm lấy bàn tay nhăn nheo của bà an ủi, bàn tay mềm và ấm đến lạ. Bà đột ngột quay qua hỏi: “Vậy màu hoa nào cho người mẹ mất con?”. |
…
Bà chậm rãi vân vê cánh hoa trắng trên ngực áo trong ngày lễ Vu lan nhà chùa tổ chức. Màu hoa tượng trưng cho những người con không còn mẹ. Tôi nắm lấy bàn tay nhăn nheo của bà an ủi, bàn tay mềm và ấm đến lạ.
Bà đột ngột quay qua hỏi: “Vậy màu hoa nào cho người mẹ mất con?”. Tôi bất giác rùng mình. Đến lúc này tôi không dám nghĩ bà là người lam lũ, chân quê như những gì người ta nói. Bà phải có một xuất thân khác. Suy nghĩ đó làm tôi đeo đẳng bà hơn và cũng đi lễ Phật nhiều hơn…
Lần cuối cùng tôi gặp bà trong túp lều cuối chợ là vào một buổi chiều đầu mùa mưa. Cái xe Tucson đậu chễm chệ ngoài lán rách nát của bà như báo hiệu một điều gì.
Nhà bà có khách, cả xóm chợ chứng kiến lần đầu tiên bà có khách. Tôi rón rén nhòm qua vách thấy hai người, một đàn ông, một đàn bà đang nắm lấy tay bà như van vỉ.
Câu chuyện của bà dường như đã qua hồi gay cấn, chỉ thấy trên mặt mỗi người đầm đìa nước mắt. Tôi đẩy manh liếp bước vào trong sự ngạc nhiên của hai người lạ. Bà rụt tay ra khỏi hai người kia rồi lôi tuột tôi ngồi xuống cái chõng tre ọp ẹp chừng sắp đổ.
“Đây là con tui… tui đã giấu cô, giấu mọi người. Bây giờ con tui đã hồi tâm chuyển ý, tui… về với nó!”. Bà kể trong tiếng gió quần thảo trên đầu, trong cơn mưa đầu mùa ập xuống…
Tôi cùng mấy người xóm chợ vẫy vẫy tay khi chiếc Tucson khuất dần, để lại một làn khói bụi nhạt nhoà. Nhìn vào túp lều trống huơ trống hoác, tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ. Có lẽ đối với dân xóm chợ thì bà là người bí ẩn nhất xưa nay.
Tôi cố dằn lòng không cho mình bật thành tiếng khóc khi nghĩ về những điều bà kể, những vinh quang, tủi cực bà trải qua. Nhưng dù sao đó chỉ còn là quá khứ, và bà may mắn có đứa con biết hối cải để tìm lại mẹ mình.
Những ngày tháng 7 này có lẽ bà đang hạnh phúc vì được con cháu báo hiếu sinh thành. Nhưng có một câu hỏi của người đàn bà đi lễ cho con cứ đeo đẳng tôi mãi: “Màu hoa nào cho người mẹ mất con?”.
Màu hoa nào ư? Tôi không tài nào lý giải được… Có lẽ ở một ngôi chùa nào đấy bà vẫn đi chùa, nhưng năm nay sẽ khác, bà không phải cầu nguyện cho đứa con còn sống mà chỉ cầu siêu cho những đứa con chào đời không nguyên vẹn của mình.