Lề Luật là hồng ân quý giá của Thiên Chúa

Chủ đề Luật Chúa, giới răn của Chúa, được đề cập đến trong Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay. Lề Luật là một yếu tố thiết yếu của Do Thái giáo và Kitô giáo, mà trong đó, yêu thương là chu toàn Lề Luật (x. Rm 13,10). Luật Chúa là Lời của Ngài hướng dẫn con người trên đường đời, giải phóng họ khỏi ách nô lệ ích kỷ và dẫn họ đến “đất” tự do và đất sống.

 Lề Luật là hồng ân quý giá của Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXII TN, 2/9/2014 

Anh chị em thân mến,

 

Chủ đề Luật Chúa, giới răn của Chúa, được đề cập đến trong Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay. Lề Luật là một yếu tố thiết yếu của Do Thái giáo và Kitô giáo, mà trong đó, yêu thương là chu toàn Lề Luật (x. Rm 13,10). Luật Chúa là Lời của Ngài hướng dẫn con người trên đường đời, giải phóng họ khỏi ách nô lệ ích kỷ và dẫn họ đến “đất” tự do và đất sống. Chính vì thế, trong Kinh Thánh, Lề Luật không được xem như một gánh nặng hay một hạn chế mang tính áp bức, mà đúng hơn, Lề Luật được xem là một hồng ân quý giá, là chứng tá tình yêu phụ tử, chứng tá niềm ao ước của Thiên Chúa muốn ở bên cạnh Dân Chúa, muốn là Đồng minh của Dân Chúa và cùng với Dân Chúa, viết nên một câu chuyện tình.

 

Chính vì thế, người Do Thái đạo đức cầu nguyện: “Con vui thú với Thánh chỉ Ngài,/ con chẳng quên Lời Ngài dạy… Xin dẫn con đi trên đường mệnh lệnh Chúa, / vì con hằng yêu thích đường lối Ngài” (Tv 119 [118] 16,35). Trong Cựu Ước, người nhân danh Thiên Chúa trao Lề Luật cho Dân Chúa là Môisen. Sau cuộc hành trình dài đăng đẳng trong hoang địa, trước ngưỡng cửa Đất hứa, ông tuyên bố: “Giờ đây, hỡi Israel, hãy lắng nghe những Thánh chỉ và những quy định tôi dạy cho anh em, và hãy đem ra thực hành, để nhờ thế, anh em sẽ được sống và vào chiếm hữu vùng đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em” (Đnl 4,1). Và đây là vấn nạn: khi Dân Chúa đặt chân lên Đất hứa, và là người cất giữ Lề Luật Chúa, thì họ bị cám dỗ đặt cuộc sống an toàn và niềm vui của mình vào một cái gì khác không còn là Lời Chúa nữa: của cải, quyền hành, những ‘vị thần khác’, mà trong thực tế, chỉ là hão huyền, chúng là ngẫu tượng. Dĩ nhiên, Luật Pháp của Thiên Chúa vẫn tồn tại, nhưng nó không còn là điều quan trọng nhất nữa, là luật sống, mà đúng hơn, nó trở thành một vật nguỵ trang, một biện pháp, trong khi đó thì đời sống đi theo những con đường khác, những lợi ích mà thường ra chỉ là những hình thái ích kỷ, cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể.

 

Như thế, tôn giáo đã đánh mất đi ý nghĩa đích thực, đó là sống nghe Lời Chúa để thi hành ý Chúa – là chân lý của hữu thể chúng ta – và như thế là chúng ta sống tốt đẹp, sống trong tự do thật, và tôn giáo đã bị giản lược vào việc thực thi những tập tục thứ yếu chỉ thoả mãn nhu cầu của con người cảm thấy mình sống đúng theo luật Chúa. Đây là một mối đe doạ nghiêm trọng cho mỗi tôn giáo mà Đức Giêsu đã phải đương đầu trong thời của Ngài, và đáng buồn thay, ngày nay, ta lại gặp thấy trong Kitô giáo. Do đó, những lời Đức Giêsu phản đối người Biệt phái và kinh sư trong bài Phúc Âm hôm nay cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ.

 

Đức Giêsu trích lại lời nói của Tiên tri Isaia: “Dân này thờ Ta bằng môi, bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta; chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích mà thôi, vì giáo lý chúng dạy chỉ là những giới luật phàm nhân” (Mc 7, 6-7; x. Is 29,13). Và sau đó, Chúa kết luận: “Anh em gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của phàm nhân” (Mc 7,8).

 

Tông đồ Giacôbê cũng cảnh tỉnh chúng ta trong lá Thư của ngài về mối nguy đạo đức giả. Ngài viết cho các Kitô hữu: “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, mà giờ đây chúng ta dâng lời khẩn nguyện, giúp chúng ta lắng nghe Lời Chúa, với con tim cởi mở và chân thành, để nhờ thế, mỗi ngày, Lời Chúa có thể hướng dẫn tư tưởng, quyết định và hành động của chúng ta.