28/11/2024

Sau nhiều năm mới được nhận nhuận bút

Tiền bản quyền này được tính trong khoảng hơn 10 năm NXB Giáo Dục VN sử dụng những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ (2002 – 2014).

 

Sau nhiều năm mới được nhận nhuận bút

 

Tiền bản quyền này được tính trong khoảng hơn 10 năm NXB Giáo Dục VN sử dụng những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ (2002 – 2014).



Theo VLCC, các tác phẩm văn học được NXB Giáo Dục sử dụng trong bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt hơn 10 năm qua - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo VLCC, các tác phẩm văn học được NXB Giáo Dục sử dụng trong bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt hơn 10 năm qua – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo thông tin từ Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (VLCC), NXB Giáo Dục VN vừa thanh toán nhuận bút cho hơn 100 tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) do NXB Giáo Dục VN ấn hành.

Mặc dù cả phía NXB Giáo Dục VN và VLCC đều không tiết lộ tổng số tiền bản quyền mà NXB đã thanh toán cho các tác giả thông qua VLCC, nhưng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, giám đốc VLCC, cho biết có 109 tác giả là thành viên của VLCC và 14 tác giả là thành viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) được chi trả nhuận bút trong đợt này.

Tiền bản quyền này được tính trong khoảng hơn 10 năm NXB Giáo Dục VN sử dụng những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ (2002 – 2014).

Lần đầu 
lĩnh nhuận bút SGK

Nhiều nhà văn, nhà thơ và thân nhân các nhà văn, nhà thơ lần đầu tiên được lĩnh nhuận bút SGK đã không khỏi bất ngờ nhưng cũng còn nhiều băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – vợ nhà văn Vũ Tú Nam – cho biết mấy ngày trước bà đến VLCC nhận được gần 5 triệu đồng nhuận bút do NXB Giáo Dục VN chi trả thông qua VLCC.

“Hôm đó, tôi đi nhận nhuận bút thay ông Vũ Tú Nam, và chỉ biết đó là nhuận bút của NXB Giáo Dục VN chi trả tiền bản quyền tác phẩm của ông ấy được sử dụng trong SGK, chứ cũng không biết rõ cụ thể mỗi tác phẩm là bao nhiêu. Tôi khá bất ngờ, vì từ trước đến giờ chưa bao giờ chúng tôi được nhận nhuận bút SGK” – bà Hương chia sẻ.

Bà Sông Thao – con gái nhà văn Tô Hoài – cũng vừa được nhận 25,5 triệu đồng tiền nhuận bút SGK của nhà văn Tô Hoài. Nhưng bà cũng băn khoăn: “Tôi hoan nghênh NXB Giáo Dục VN đã trả tiền bản quyền tác giả SGK.

Tôi cũng rất cảm ơn Trung tâm bản quyền văn học đã bền bỉ đòi hỏi quyền lợi cho các nhà văn, nhà thơ suốt hai năm nay. Nhưng nếu có thống kê cụ thể hơn một chút, là những tác phẩm nào của cha tôi được sử dụng trong SGK như thế nào, nhuận bút mỗi tác phẩm là bao nhiêu, cách tính thế nào… thì mới biết là tác phẩm của cha tôi được trả nhuận bút có tương xứng hay không”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết đến giờ ông cũng không biết là bản thân ông có bao nhiêu tác phẩm được chọn in trong SGK, vì ấn phẩm của NXB Giáo Dục nhiều quá. Nhà thơ cũng tiết lộ trong đợt này ông nhận được 17 triệu đồng nhuận bút, là tác giả có số nhuận bút cao thứ ba sau nhà thơ Tố Hữu (26 triệu đồng), nhà văn Tô Hoài (25,5 triệu đồng).

Nhiều tác giả thiệt thòi?

“Bản thân tôi và nhiều tác giả khi nhận số tiền này từ VLCC cũng không hài lòng. Sau hơn 10 năm một số tác giả nhận được vài chục triệu, nhưng cũng có nhiều tác giả chỉ nhận được vài triệu đồng, như vậy mỗi năm chỉ được vài trăm nghìn” – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – giám đốc VLCC – cho biết.

Bà Huệ phân tích: “Công thức chi trả tiền nhuận bút cho các tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK căn cứ theo nghị định số 61/2002/NĐ-CP “Về chế độ nhuận bút” và nghị định số 18/2014/NĐ-CP “Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản” là không phù hợp, điều đó khiến tác giả bị thiệt thòi.

Cụ thể công thức tính là: tỉ lệ phần trăm (%) x mức tiền lương cơ sở (hoặc lương tối thiểu) x số lượng tiết học theo quy định của chương trình. Công thức này được quy định chung cho một tiết học, tuy nhiên tác phẩm được sử dụng trong SGK lại có thêm tác giả biên soạn mà nghị định lại không quy định tỉ lệ giữa hai tác giả này.

Do vậy việc phân chia tỉ lệ giữa hai tác giả gây ra nhiều khó khăn. Hơn nữa việc quy định cách trả nhuận bút cho tác phẩm được sử dụng cho SGK căn cứ theo tiết học là hoàn toàn không hợp lý. Tác phẩm của tác giả khi sáng tác hoàn toàn độc lập với SGK, độc lập với tác giả biên soạn.

Trong khi đó, quy định chi trả nhuận bút chung của các NXB cả ở VN và trên thế giới là căn cứ vào số lượng xuất bản phẩm và giá bán. Đây là cách tính khoa học nhất và đảm bảo quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên cả nghị định 61 và nghị định 18 lại đưa ra một công thức khác”.

Giám đốc VLCC cũng khẳng định VLCC sẽ còn phải tiếp tục làm việc với NXB Giáo Dục VN khi nào đơn vị này còn sử dụng tác phẩm của thành viên VLCC. Trước mắt, VLCC sẽ tiếp tục đề nghị NXB Giáo Dục VN trả tiền nhuận bút cho bộ sách tham khảo của NXB này.

Còn phía NXB Giáo Dục VN khẳng định: “Trong thoả thuận giữa NXB Giáo Dục VN và VLCC đã có đầy đủ các điều khoản về tỉ lệ, phương thức và thời hạn chi trả. NXB Giáo Dục VN đã và sẽ thực hiện đúng theo nội dung thoả thuận giữa hai đơn vị và xin phép không thông tin thêm về vấn đề này”.

Thỏa thuận về việc chi trả nhuận bút đạt được sau hơn một năm VLCC gửi công văn cho NXB Giáo Dục và thậm chí gửi đơn kiện lên toà án.

Đại diện VLCC tiết lộ bốn tác giả nhận tiền nhuận bút từ trên 10 triệu đến trên 20 triệu là: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Tố Hữu.

 

VŨ VIẾT TUÂN ([email protected])