28/11/2024

Tham nhũng trong khu vực tư

Cần xử lý hình sự đối với tham nhũng trong khu vực tư không phải mới được đặt ra nhưng vấn đề này chưa được quy định do quan điểm “tham nhũng” là căn bệnh gắn với quyền lực nhà nước.

 

Tham nhũng trong khu vực tư: Môi giới, lại quả đến 10%

 

Cần xử lý hình sự đối với tham nhũng trong khu vực tư không phải mới được đặt ra nhưng vấn đề này chưa được quy định do quan điểm “tham nhũng” là căn bệnh gắn với quyền lực nhà nước.


Ông Nguyễn Tuấn Anh -  Ảnh: H.ĐIỆP
Ông Nguyễn Tuấn Anh –  Ảnh: H.ĐIỆP

Cần có các biện pháp xử lý hình sự tương xứng đối với các hành vi tương tự như hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước xảy ra ở khu vực tư…

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ)

Nhiều đại biểu đã đề cập vấn đề này tại hội thảo góp ý bổ sung dự án Luật hình sự sửa đổi do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tổ chức hôm 3-8.

Hành vi “lại quả”

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ) nêu ra dẫn chứng từ nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay.

Theo nghiên cứu này, quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng có những dấu hiệu tham nhũng: khi gặp khó khăn trong việc trực tiếp vay vốn từ ngân hàng thì có tới 16,57% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian môi giới hay chuyên gia tư vấn vay vốn và chi phí trung bình một khoản vay ngân hàng là 2,8% tổng số tiền vay được (trường hợp cao nhất 10%).

Hay hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp được coi là hình thức minh bạch để lựa chọn nhà cung cấp tốt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện hoạt động này.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 30,45% doanh nghiệp có thực hiện đấu thầu. Trong số đó chỉ 7,89% doanh nghiệp thường xuyên hoặc luôn luôn tổ chức, 22,55% chỉ thỉnh thoảng hoặc hiếm khi tổ chức.

“Những số liệu này phần nào cũng cho thấy khả năng tiềm ẩn hành vi có dấu hiệu tham nhũng” – ông Tuấn Anh nói. Ông Anh cũng dẫn kết quả khảo sát cho thấy các khoản “lại quả” mà doanh nghiệp thường trích lại cho đối tác phần lớn từ 5-10% giá trị hợp đồng.

Như vậy, kết quả nghiên cứu đã bước đầu nhận diện những hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong khu vực tư có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính và thương mại.

Đồng thời, hình thức phổ biến vẫn là hành vi “lại quả” giữa bên cung cấp và cán bộ phụ trách hoặc có thẩm quyền mua sắm trong một doanh nghiệp.

Hậu quả nặng nề

Hành vi tham nhũng trong khu vực tư có thể xảy ra những hậu quả ngay tức thì đối với môi trường tại Việt Nam, đó là khiến đầu tư suy giảm.

“Khi các hành vi có dấu hiệu tham nhũng mang tính phổ biến, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ở các nước phát triển, sẽ rất dè dặt đưa ra các quyết định đầu tư do họ không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh, mức độ thành công khi các đối tác kinh doanh ở nước sở tại cũng áp dụng những phương thức kinh doanh thiếu liêm chính như vậy” – ông Tuấn Anh nói.

Ngoài hậu quả trên thì hành vi tham nhũng cũng làm suy giảm tính cạnh tranh, hiệu quả và tính sáng tạo khiến các doanh nghiệp cạnh tranh không dựa trên những tín hiệu thị trường chính xác, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới sẽ gặp nhiều rào cản “không chính thức” khi thâm nhập thị trường.

Trên hết, khách hàng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa trong khi chất lượng thấp và thiếu các dịch vụ chăm sóc tốt.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng pháp luật hiện hành chưa chính thức ghi nhận vấn đề tham nhũng trong khu vực tư nên chưa có các biện pháp xử lý tương xứng cả về hành chính và hình sự.

Do vậy, ông Tuấn Anh kiến nghị pháp luật hình sự cần chính thức ghi nhận việc bảo vệ hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư và quy định là tội phạm đối với các hành vi tương ứng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững theo xu thế chung của quá trình hội nhập;

Cần có các biện pháp xử lý hình sự tương xứng đối với các hành vi tương tự như hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước xảy ra ở khu vực tư;

Hoàn thiện các quy định về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật hình sự nhằm thống nhất về quan điểm, phương thức và giải pháp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung ở khu vực nhà nước và ngoài nhà nước trên tinh thần không khoan nhượng với hành vi tham nhũng.

Theo ông Tuấn Anh, chủ thể của hành vi tham nhũng cần phải mở rộng là người điều hành, người được giao công việc hoặc làm ở bất kỳ vị trí nào trong tổ chức thuộc khu vực tư mà họ có thể sử dụng để trục lợi bất chính trong hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại.

Công hay tư đều có tham ô

Ông Nguyễn Sơn - Ảnh: H.ĐIỆP
Ông Nguyễn Sơn – Ảnh: H.ĐIỆP

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn, phó chánh án TAND tối cao, cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ việc xem xét quy định tội tham nhũng trong khu vực tư, bởi doanh nghiệp hoạt động trong khu vực tư tuân thủ Luật doanh nghiệp và điều lệ của công ty cũng như luật này đã giao quyền hạn, trách nhiệm đối với những người đứng đầu công ty.

Cái khác đối với những người đứng đầu trong khu vực tư với khu vực công chỉ là chủ sở hữu của tài sản, còn tài sản đều có giá trị như nhau. Vậy lý gì đối với khu vực công có tội tham ô mà khu vực tư không có?

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên mở rộng đối tượng của tội tham ô

Về hành vi lợi dụng chức vụ của mình để lấy tiền của hợp tác xã và công ty cổ phần chính là hành vi tham ô, hiện tại nó chỉ khác nhau ở thành phần sở hữu là tiền công hoặc tư.

Bởi vậy hành vi chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp khu vực tư khá phổ biến, bởi hình phạt đối với tội tại khu vực tư nhẹ hơn đối với hành vi tham nhũng trong khu vực công.

“Quan điểm của tôi là cứ lợi dụng chức vụ quyền hạn từ nguồn tiền mà mình quản lý từ tập thể thì vẫn là tham ô. Nên mở rộng đối tượng của tội tham ô để ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn” – ông Tâm nói.

 

HOÀNG ĐIỆP