10/01/2025

Khổ vì hoãn toà không báo trước

Tình trạng hoãn phiên toà nhưng không báo trước thường xuyên diễn ra khiến những người tham dự khổ sở vì mất nhiều thời gian, chi phí đi lại.

 

Khổ vì hoãn toà không báo trước

 

 

Tình trạng hoãn phiên toà nhưng không báo trước thường xuyên diễn ra khiến những người tham dự khổ sở vì mất nhiều thời gian, chi phí đi lại.


Phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo (thuộc Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai) về tội “giết người” hoãn xử hai lần trong ngày 23.6

Phiên toà xét xử sơ thẩm 8 bị cáo (thuộc Trung tâm giáo dục – lao động xã hội Đồng Nai) về tội “giết người” hoãn xử hai lần trong ngày 23.6 – Ảnh: Lê Lâm

Ngày 23.6.2015, TAND tỉnh Đồng Nai đã hoãn đến 2 lần trong một ngày ở phiên xử sơ thẩm 8 bị cáo (thuộc Trung tâm giáo dục – lao động xã hội Đồng Nai) về tội giết người. Theo lịch, sáng 23.6 phiên tòa sẽ diễn ra nhưng gần đến giờ xử thì HĐXX thông báo hoãn đến chiều do đại diện Viện KSND tỉnh bận họp! Đến chiều, phiên toà tiếp tục hoãn vì một hội thẩm nhân dân có việc đột xuất không đến tham dự được!

 
 
Khổ vì hoãn tòa không báo trước - ảnh 2

 

Quy định lại cho chặt chẽ
Cái khó của HĐXX chính là tạo được thế cân bằng, tìm sự thật khách quan để giải quyết vụ án, vì tạo thuận lợi cho bên này thì có khi lại cho là gây khó khăn cho bên kia, vì vậy nếu có lý do chính đáng mà không hoãn phiên toà thì cũng không được. Để hạn chế thì sắp tới luật nên nghiên cứu những trường hợp nào quy định trong luật mà được cho là dễ lợi dụng hoãn phiên toà thì quy định lại cho chặt chẽ để tạo thế dân chủ.

 

Khổ vì hoãn tòa không báo trước - ảnh 3
 

 

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương

 

 
Bà Hoàng Thị Phàn, chị ruột và là người đại diện hợp pháp của nạn nhân, xin toà tiếp tục xét xử vì gia đình bà ở tận Hải Phòng, mỗi lần đi lại rất khó khăn, tốn kém. Tuy nhiên, phiên xử vẫn hoãn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phàn cho biết: “Trước đó, ngày 12.6.2015, phiên toà được đưa ra xét xử nhưng sau đó lại bị hoãn do người đại diện hợp pháp cho bị hại không hợp lệ”.
Trong vụ này, gia đình bị hại đã phản ứng dữ dội vì toà hoãn xử, nên toà đồng ý hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình làm chi phí đi lại.
Hai lần từ Hà Nội bay vào TP.HCM đều hoãn xử
Một vụ khác, là nguyên đơn trong vụ kiện một khách hàng tại TP.HCM để đòi 1,1 tỉ đồng tiền cước phát sinh, Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT) cử một số cán bộ chuyên môn và đại diện uỷ quyền bay từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia phiên toà phúc thẩm xét xử ngày 24.3, nhưng rồi HĐXX hoãn tuyên án đến ngày 30.3 để bị đơn có thời gian cung cấp thêm chứng cứ.
Đến ngày 30.3, phía VNPT và bị đơn đều có mặt tại toà, nhưng chờ mãi, khoảng 1 giờ sau thì thư ký toà ra thông báo hoãn vì HĐXX cần có thời gian nghiên cứu thêm chứng cứ! Khi được thông báo hoãn, đại diện VNPT bức xúc vì họ bay từ Hà Nội vào TP.HCM, tốn nhiều thời gian, chi phí.
Lúc đó, một vị đại diện VNPT cho rằng “Nếu xác định hoãn để nghiên cứu thêm chứng cứ thì HĐXX có thể gọi điện cho luật sư của chúng tôi biết để chúng tôi không phải lo thu xếp công việc vào TP.HCM như thế này”.
Phiên tòa phúc thẩm do TAND tối cao tại TP.HCM đưa ra xét xử vụ cướp tài sản và cố ý gây thương tích đối với 4 bị cáo là Nguyễn Văn Cuộc, Nguyễn Chí Danh, Tăng Văn Phú, Lường Văn Hình hoãn đến 4 lần (vào các ngày: 26.11.2014, 18.12.2014, ngày 6.4.2015 và 23.4.2015). Trong vụ án này, 3 bị cáo là Danh, Phú, Hình phạm tội khi cả 3 chưa thành niên, nên toà buộc phải triệu tập gia đình tham gia.
Gia đình 3 bị cáo ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Sơn La, việc đi lại rất khó khăn nhưng họ vẫn có mặt đúng 4 lần theo lệnh triệu tập của toà để rồi thất thểu ra về mỗi lần hoãn toà!
Mẹ bị cáo Danh là bà Lê Thị Thắm (60 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cho biết vì ở xa nên bà phải lên TP.HCM trước 1 ngày để có mặt kịp giờ xét xử. “Già rồi, xa xôi đi lại rất khó khăn, tiền bạc cũng không có, đi về hết 500.000 đồng tiền xe. Nếu toà báo hoãn trước vài ngày, hoặc gọi điện cho tôi biết thì đỡ biết mấy. Họ (ý nói thư ký tòa – PV) có số điện thoại của tôi mà” – bà Thắm nói.
Ngày 8.5, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử lần 2 vụ án “hiếp dâm trẻ em” nhưng rồi HĐXX thông báo hoãn toà vì một thẩm phán là thành viên của HĐXX sơ thẩm lần 1. Ông Hoàng Văn Sinh (cha bị cáo Hoàng Văn Tính) mệt mỏi, thất thểu ra về, ông Sinh mệt mỏi vì đã 5 lần hoãn xử. “Tôi phải bỏ việc, dành dụm tiền đi lại từ Lâm Đồng xuống TP.HCM tham dự toà nhưng lần nào toà cũng hoãn!”, ông Sinh nói.
Quy trách nhiệm
Luật sư Đặng Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết đa phần mỗi vụ án, người tham gia tố tụng đều “biết cách” xin hoãn phiên toà từ việc tận dụng quy định của tố tụng vì lợi ích cá nhân và thế là phiên toà cứ xoay tua hoãn.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: “Cần quy trách nhiệm rõ ràng, tại sao đã có quyết định mở phiên toà trước đó mà người tiến hành tố tụng bận chuyện đột xuất, bận họp vắng mặt. Phải quy định chặt chẽ, sửa lại luật theo hướng, bắt buộc phải luôn có người tiến hành tố tụng là thành phần dự khuyết trong quyết định đưa vụ án ra xét xử”. “Có thể hạn chế tình trạng hoãn toà được nếu thẩm phán có bản lĩnh. Nếu nhận thấy việc đề nghị hoãn là cố tình thì thẩm phán nên mạnh dạn bác yêu cầu”, luật sư Dũng nói.
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), để hạn chế kéo dài vụ án vì hoãn phiên toà cần hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật, quy định nào mâu thuẫn, chồng chéo thì “xử lý” ngay, tránh việc giải thích kiểu nước đôi. Đồng thời, văn bản dưới luật cũng phải quy định cụ thể, xác định như thế nào là lý do chính đáng để xin hoãn phiên toà, không giao thẩm phán quyền “ban phát” lý do hoãn theo cảm tính.
 

Nhiều quy định giống nhau
Bộ luật Tố tụng dân sự và bộ luật Tố tụng hình sự có những quy định về những trường hợp được hoãn phiên toà khá giống nhau. Chẳng hạn: phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký toà án, vắng mặt kiểm sát viên trong trường hợp kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên toà mà không có kiểm sát viên dự khuyết thay thế; nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng như quy định; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn; nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng, người giám định vắng mặt thì tuỳ trường hợp, HĐXX quyết định hoãn hay xử…
Theo các chuyên gia, việc quy định rộng và mở như trên vô tình kéo dài vụ án, gây khó các bên, tốn tiền.

Phan Thương – Lê Lâm