10/01/2025

Kết tội Lý Nguyễn Chung dù vụ án còn nhiều điều bỏ ngỏ

Bản án xử vụ giết người tại thôn Me có mâu thuẫn khi vừa cho rằng vụ án còn một số tình tiết chưa được làm rõ lại vẫn kết tội Chung là hung thủ giết người.

 

Kết tội Lý Nguyễn Chung dù vụ án còn nhiều điều bỏ ngỏ

 

 Bản án xử vụ giết người tại thôn Me có mâu thuẫn khi vừa cho rằng vụ án còn một số tình tiết chưa được làm rõ lại vẫn kết tội Chung là hung thủ giết người.

 

 

Lý Nguyễn Chung dặn dò bố mẹ bồi thường cho gia đình nạn nhân trong giờ nghị án - Ảnh: Tâm Lụa
Lý Nguyễn Chung dặn dò bố mẹ bồi thường cho gia đình nạn nhân trong giờ nghị án – Ảnh: Tâm Lụa

Sáng 23-7, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Lý Nguyễn Chung (28 tuổi, quê Lạng Sơn) 12 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Chung là 12 năm tù.

Tại bản án, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ kết luận bị cáo phạm tội.

Tuy nhiên, HĐXX cũng cho rằng vẫn còn một số tình tiết chưa được làm rõ, đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Bản án có mâu thuẫn?

Theo HĐXX, trên cơ sở Lý Nguyễn Chung khai nhận thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp 59.000 đồng và hai chiếc nhẫn, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của người liên quan, người làm chứng, phù hợp với hồ sơ vụ án, với vết vân chân của bị cáo để lại hiện trường và các kết quả giám định khác.

HĐXX có đủ căn cứ kết luận ngày 15-8-2003, Lý Nguyễn Chung đến cửa hàng tạp hóa của chị Hoan mua dầu gội đầu.

Khi nhìn thấy hộp đựng tiền trong tủ kính, Chung đã giết chị Hoan để cướp tài sản. Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Lý Nguyễn Chung về hai tội giết người và cướp tài sản là có căn cứ.

Về việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại đề nghị toà trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX cho rằng không cần thiết vì có đủ căn cứ xác định Lý Nguyễn Chung thực hiện hành vi gây án.

HĐXX còn xác định trong vụ án này, dù bị cáo Chung nhận tội và có căn cứ kết tội Lý Nguyễn Chung, nhưng còn một số tình tiết chưa làm rõ.

Đó là đôi dép bị cáo đi khi gây án không thu giữ được, bộ quần áo bị cáo mặc khi gây án mất không lý do, vết màu nâu như màu máu để lại trên cánh cửa hộc nhà chị Hoan, Lý Văn Phúc (anh trai bị cáo) mua con dao để ông Lý Văn Chúc nộp cho cơ quan điều tra khi được hỏi về hành vi phạm tội của Chung, dấu vân tay ngoài vỏ chai bia tại hiện trường.

Quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung, bà Nguyễn Thị Thu Hà có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng trình bày một số nội dung liên quan đến vụ án.

HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác minh mở rộng vụ án, điều tra đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Thu Hà để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm trong vụ án.

Sau khi tuyên án, chủ toạ phiên toà – thẩm phán Ngô Quang Dũng từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến nội dung bản án. Ông Dũng chỉ cho biết về cơ bản cơ quan điều tra đáp ứng các yêu cầu toà đặt ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đáng – thẩm phán phiên toà – nói quan điểm của HĐXX đã được thể hiện trong bản án.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ là bản án có vẻ như mâu thuẫn khi nhận định có đủ căn cứ kết tội Lý Nguyễn Chung nhưng lại cho rằng vụ án còn một số tình tiết chưa làm rõ, ông Đáng cho biết quá trình nghị án HĐXX cũng thấy vụ án có những điều chưa rõ nên đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ các vấn đề, nếu điều tra thấy có đồng phạm thì tiếp tục xử lý.

“Giả sử kết quả điều tra mở rộng làm thay đổi bản chất vụ án thì sao? Tại sao tòa không trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án?”. Ông Đáng từ chối trả lời các câu hỏi này của Tuổi Trẻ.

Luật sư Hoàng Minh Hiển (bào chữa cho bị cáo Chung) luôn cho rằng vụ án đã rõ, không cần trả hồ sơ để điều tra lại - Ảnh: Hải Hồ
Luật sư Hoàng Minh Hiển (bào chữa cho bị cáo Chung) luôn cho rằng vụ án đã rõ, không cần trả hồ sơ để điều tra lại – Ảnh: Hải Hồ

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Theo bà Hoàng Thị Hội (mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Hoan), nếu toà chỉ xác định một mình Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết chị Hoan thì bà sẽ kháng cáo đến cùng. Bà Hội cho rằng vụ án có đồng phạm vì một mình Chung không thể giết được chị Hoan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Giáp Văn Điệp (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại) cũng nói vụ án còn có những băn khoăn, nếu các vấn đề được làm sáng tỏ thì có thể bản chất của vụ án sẽ thay đổi.

Theo ông Điệp, căn cứ kết tội bị cáo Chung chỉ có lời khai nhận tội của Chung và các căn cứ khác từ Chung nói ra, các chứng cứ về vật chất đều không thu hồi được.

Theo quy định của pháp luật, không thể dùng lời khai nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất mà phải chứng minh bằng nhiều nguồn chứng cứ khác, ráp nối lại với nhau cho phù hợp. Tài sản Chung cướp được là hai chiếc nhẫn và 59.000 đồng.

Tiền Chung đã tiêu xài hết, nhẫn đưa cho anh trai là Lý Văn Phúc nhưng anh Phúc đã chết nên không xác định được anh Phúc sử dụng hai chiếc nhẫn như thế nào.

Bộ quần áo Chung mặc khi gây án bị mất, đôi dép đi khi gây án cũng không biết rơi ở đâu, cơ quan điều tra không truy tìm được.

Ông Điệp còn nói cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, theo lời khai của ông Chúc, để đối phó với cơ quan điều tra, Lý Văn Phúc mua một con dao bấm giống với đặc điểm con dao Chung dùng khi gây án để khi cơ quan điều tra hỏi thì đưa con dao này ra. Riêng con dao Chung dùng khi gây án thì bị vứt ở mương nước không tìm lại được.

Phúc mất năm 2005, khiến cơ quan điều tra không làm rõ được tình tiết này. Tại phiên toà, luật sư Điệp có hỏi ông Chúc động cơ mục đích của việc mua con dao để đối phó là gì nhưng ông Chúc không trả lời.

Tại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang khẳng định chứng cứ quan trọng nhất để chứng minh việc Chung phạm tội là dấu vân chân để lại hiện trường. Tuy nhiên, các luật sư của gia đình bị hại thì nói không thể dùng dấu vân chân này làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

“Điều 75, Bộ luật tố tụng hình sự quy định chứng cứ phải được niêm phong bảo quản, khi sử dụng mới được mở niêm phong. Nhưng hai viên gạch có dấu chân khi mang đi khỏi hiện trường không được niêm phong.

Ngoài ra, Chung thực hiện hành vi phạm tội năm 2003. Kết quả giám định cho thấy từ năm 2003, chiều dài bàn chân của Chung là 23cm nhưng đến giờ sau 13 năm, chiều dài bàn chân vẫn là 23cm, chiều rộng bàn chân chỉ thêm 1cm.

Chính vì vậy, tại tòa chúng tôi đề xuất trưng cầu khoa học về sự phát triển của con người xem sau mười mấy năm thì bàn chân có phát triển hay không. Đáng tiếc là đề nghị này không được xem xét” – ông Điệp phân tích.

Cương quyết nhận tội

Lý giải với Tuổi Trẻ về việc tại sao cứ khẳng định con trai mình là hung thủ giết người trong khi không chứng kiến, ông Lý Văn Chúc cho biết: “Tôi muốn toà xử nhanh để nó được ra ngoài lao động cho khoẻ khoắn. Hơn hai năm trời bị giam khiến nó xanh xao vàng vọt”.

Ông Chúc bác bỏ thông tin cho rằng gia đình ông và bị cáo được trả tiền để nhận tội là sai sự thật.

Khi bào chữa cho bị cáo Lý Nguyễn Chung tại toà, luật sư Hoàng Minh Hiển đưa ra các căn cứ để chứng minh Chung là người phạm tội.

Lý giải về cách làm lạ lùng này, luật sư Hiển nói: “Mọi người thấy việc tôi và gia đình bị cáo làm ngược theo chiều thuận thì thắc mắc thôi, chứ việc này không làm thay đổi bản chất vụ án này.

Với tư cách là luật sư, tôi mong muốn làm tất cả những gì tốt nhất cho Chung nhưng làm việc gì cũng phải có căn cứ. Làm nghề phải đánh giá chứng cứ khách quan chứ không đánh giá cảm tính dựa trên ý chí chủ quan”.

Theo luật sư Hiển, các vấn đề mà luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại đưa ra đều đã được làm sáng tỏ.

“Về dấu chân của Chung để lại hiện trường, dấu vết đường vân của con người là không thay đổi về cấu trúc. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng như Uỷ ban Bảo vệ trẻ em thì ở độ tuổi 14, trẻ cao từ 1,48m đến 1,52m chứ không chỉ cao 1,1m như gia đình bị hại và người làm chứng nêu.

Các vấn đề này đã rõ nên việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là mất thời gian, kéo dài vụ án, báo chí tốn thêm nhiều giấy mực mà không giải quyết được vấn đề. Chung ở trại tạm giam quá lâu, không ăn không ngủ được, chỉ mong toà xử sớm để được đi thi hành án” – luật sư Hiển nhấn mạnh.

Tiến trình vụ án

Ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị Hoan (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị giết chết. Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và đưa ra xét xử.

Năm 2004, toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác đơn kêu oan, y án tù chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan.

Tháng 10-2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Hoan để cướp tài sản. Tháng 11-2013, ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm thi hành án tù chung thân.

Tháng 4-2015, đại diện toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên tiến hành xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình.

Ngày 29-9-2014, phiên toà sơ thẩm xét xử Lý Nguyễn Chung hoãn xử lần 1 vì bà Hoàng Thị Hội (mẹ của bị hại Nguyễn Thị Hoan) có đơn xin hoãn phiên toà. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng đề nghị toà hoãn phiên xét xử.

Ngày 4-2-2015, phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung tiếp tục hoãn xử lần 2vì bị cáo không có mặt.

Ngày 9-3-2015, sau ba ngày xét xử, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vai trò đồng phạm với Lý Nguyễn Chung.

Tháng 5-2015, khi kết thúc điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Lý Nguyễn Chung về tội giết người và cướp tài sản theo bản cáo trạng như trước đây đã truy tố.

Tháng 5-2015, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội có quyết định bồi thường oan sai cho ông Chấn 7,2 tỉ đồng.

Cũng trong tháng 5-2015, bà Nguyễn Thị Thu Hà (ở Bắc Giang) có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng và cơ quan báo chí kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan hay không, đồng thời tố cáo ông Chấn là hung thủ vụ án và kiến nghị hoãn chi trả tiền bồi thường cho ông Chấn.

Ngày 23-7-2015, TAND Bắc Giang tuyên phạt Lý Nguyễn Chung 12 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội cướp tài sản, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

 

TÂM LỤA