12/01/2025

Gian nan đòi tiền bảo hiểm khi tàu cá gặp nạn

Bảo hiểm tàu cá nhằm hạn chế thiệt hại tài sản của người đi biển. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố, không phải lúc nào chủ tàu cũng được chi trả bồi thường một cách suôn sẻ…

 

Gian nan đòi tiền bảo hiểm khi tàu cá gặp nạn

 

Bảo hiểm tàu cá nhằm hạn chế thiệt hại tài sản của người đi biển. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố, không phải lúc nào chủ tàu cũng được chi trả bồi thường một cách suôn sẻ…


 

 

Nhiều chủ tàu cá than bị hành “lên bờ xuống ruộng” trước khi nhận được bồi thường bảo hiểm. Trong ảnh: một tàu cá bị nạn trên biển Kiên Giang vừa được trục vớt ngày 5-7 và đang xúc tiến thủ tục đòi bồi thường - Ảnh: Thanh Vũ
Nhiều chủ tàu cá than bị hành “lên bờ xuống ruộng” trước khi nhận được bồi thường bảo hiểm. Trong ảnh: một tàu cá bị nạn trên biển Kiên Giang vừa được trục vớt ngày 5-7 và đang xúc tiến thủ tục đòi bồi thường – Ảnh: Thanh Vũ

Gần hai tháng nay, bà Võ Thị Thanh Thuỷ (ngụ xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) tất tả đi lại giữa đảo và đất liền để yêu cầu Công ty bảo hiểm PJICO Kiên Giang chi trả bảo hiểm cho chiếc tàu cá của gia đình bà bị sóng đánh chìm đêm 13 rạng ngày 14-2-2015.

“Truy tìm” máy trưởng

Theo tường trình của bà Thuỷ, tàu cá của gia đình bà số hiệu 
KG-60359TS bị phá nước và chìm khi đang đánh bắt trên vùng biển Cà Mau.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, ngư dân trên tàu được tàu cá khác cứu và đưa vào đồn biên phòng Hòn Sơn (xã Lại Sơn) trình báo, đồng thời báo cho phía công ty bảo hiểm đến làm các thủ tục để giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

 

Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, từ đó đến nay đã hơn năm tháng nhưng hồ sơ bảo hiểm tàu cá của bà vẫn chưa được PJICO Kiên Giang giải quyết chi trả.

“Họ cử nhân viên ra tận Hòn Sơn làm việc với biên phòng, phỏng vấn những người trên tàu, sau đó họ nói hồ sơ chưa đầy đủ. Gần đây nhất là hồi tháng 5 họ nói phải bổ sung số liệu về khí tượng thuỷ văn thời điểm tàu gặp nạn. Có số liệu rồi thì họ nói phải tìm ông máy trưởng, chừng nào tìm gặp mới tính tiếp” – bà Thuỷ kể.

Ông Phạm Hữu Sửu – giám đốc PJICO Kiên Giang – xác nhận có việc yêu cầu phải gặp máy trưởng để xác định lúc xảy ra tai nạn máy trưởng có mặt trên tàu hay không.

“Mặc dù tàu có đăng ký máy trưởng, nhưng chúng tôi không thể biết lúc xảy ra sự cố máy trưởng có đi trên tàu hay không để xác định tai nạn có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hay không. Tuy nhiên chị Thủy không liên lạc được với máy trưởng nên chúng tôi chưa thể hoàn tất hồ sơ” – ông Sửu giải thích.

Trong khi đó, bà Thủy cho hay ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhân viên của PJICO đã ra đảo cùng biên phòng Hòn Sơn ghi lời khai từng người gồm cả thuyền trưởng, máy trưởng. Sau đó máy trưởng đã báo cáo với biên phòng và xin phép chủ tàu về quê.

Sau này người nhà cho hay vì quá hoảng loạn sau sự cố nên anh này đã từ chối tiếp xúc với bất cứ ai.

Bà Thủy bức xúc: “Lúc đầu bên bảo hiểm đã làm việc với máy trưởng chứ đâu phải không có, giờ họ viện lý do phải tìm cho được máy trưởng mới đủ thủ tục thì khác gì bắt bí tôi. Nếu từ đầu họ nói thì tôi đã không cho máy trưởng về quê để khỏi phải truy tìm như bây giờ”.

Theo bà Thủy, chiếc tàu cá bị nạn trị giá hơn 700 triệu đồng, trong đó 350 triệu đồng là tiền vay ngân hàng. Do hồ sơ bảo hiểm bị “ngâm”, bà không có tiền trả nợ vay nên muốn vay tiền đóng chiếc khác để tiếp tục đi biển cũng bị ngân hàng từ chối.

Mười năm kiện 
đòi bảo hiểm

“Kỷ lục” về hành trình đòi tiền bảo hiểm có lẽ thuộc về trường hợp của ông Khưu Văn Xén, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Ông Xén là chủ tàu cá đã mua bảo hiểm của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) tại PJICO Kiên Giang với mức bảo hiểm thân tàu 400 triệu đồng, thời hạn bảo hiểm tính từ 0g ngày 9-12-2004.

Ngày 13-12-2004, tàu của ông Xén đang đánh bắt tại khu vực Hòn Khoai (Cà Mau) thì bị sóng lớn làm chìm và mất tích. Ông Xén đã làm thủ tục yêu cầu PJICO Kiên Giang thực hiện trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng nhưng PJICO Kiên Giang không thực hiện.

Sau gần năm năm chạy tới chạy lui bổ sung hồ sơ, ngày 18-10-2010 ông Xén nhận được văn bản của PJICO (không ghi số) với nội dung hồ sơ yêu cầu bồi thường của ông không trung thực, chưa đủ cơ sở bồi thường theo hợp đồng.

Ông Xén làm đơn khởi kiện PJICO tại TAND TP Rạch Giá, nơi PJICO Kiên Giang đặt trụ sở. Ở những lần hoà giải, phía PJICO luôn đưa ra nhiều lý do nhằm trốn tránh trách nhiệm và cho rằng ông Xén muốn chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Ngày 6-9-2013, TAND TP Rạch Giá xử sơ thẩm tuyên buộc PJICO bồi thường cho ông Xén tổng số tiền 817.423.500 đồng. Sau đó, PJICO kháng cáo lên TAND tỉnh Kiên Giang.

Tại phiên phúc thẩm ngày 3-4-2015, PJICO tiếp tục viện lý do khi xảy ra tai nạn ông Xén không trình báo với chính quyền địa phương theo quy định của Luật giao thông đường thuỷ, giấy phép khai thác thuỷ sản đã hết hạn và máy trưởng Quách Văn Thuỳ chưa được cấp bằng máy trưởng nên không thuộc diện được bồi thường.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng tàu cá của ông Xén hoạt động trên biển nên không bị điều chỉnh bởi Luật giao thông đường thuỷ. Và trên thực tế khi xảy ra tai nạn, ông Xén đã báo với đồn biên phòng Hòn Khoai và phía công ty bảo hiểm là đúng quy định.

Mặt khác, chính PJICO Kiên Giang đã yêu cầu cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang xác minh sự việc chìm tàu.

Ngày 8-9-2006, cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang có công văn xác định tàu của ông Xén “đang đánh bắt hải sản tại vùng biển thuộc Hòn Khoai – Cà Mau bị sóng đánh chìm tàu là có thật”.

Riêng giấy phép khai thác thuỷ sản của ông Xén đã hết hạn từ tháng 7-2004, đến tháng 12-2004 PJICO không yêu cầu ông Xén xuất trình mà vẫn chấp nhận bán bảo hiểm nên không được xem là điều kiện để loại trừ trách nhiệm chi trả.

Về bằng máy trưởng, Đại học Nha Trang phân hiệu tại Kiên Giang có văn bản xác nhận đã cấp cho ông Thuỳ “giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng tàu cá hạng tư” trong thời gian chờ cấp bằng, có giá trị tương đương bằng máy trưởng.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang đã bác đơn kháng cáo của PJICO, giữ y bản án sơ thẩm và buộc PJICO phải bồi thường cho ông Xén số tiền như trên. Sau phiên toà này, PJICO đã chấp nhận bồi thường và chấm dứt hành trình đòi tiền bảo hiểm kéo dài 10 năm của ông Xén.

Xác nhận khống để từ chối chi trả

Rạng sáng 21-7-2011, tàu cá của anh Nguyễn Minh Kiên (ngụ xã Tây Yên A, huyện An Biên, Kiên Giang) số hiệu KG-93090TS bị chìm trên vùng biển Cà Mau, rất may toàn bộ ngư dân được tàu cá KG-92716TS cứu và đưa về đất liền tại Kiên Giang trình báo biên phòng và chính quyền địa phương.

Tàu cá bị nạn có mua bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI – địa chỉ tại Hà Nội) chi nhánh Kiên Giang và được PVI cấp chứng nhận bảo hiểm ngày 
12-7-2011.

Sau đó, anh Kiên có yêu cầu PVI chi trả bảo hiểm nhưng bị từ chối nên anh khởi kiện ra toà.

Tại toà, PVI đưa ra chứng cứ gồm một biên bản xác minh tại UBND xã Tây Yên A (ngày 21-3-2012) và công văn của Công ty bảo hiểm PJICO Kiên Giang (nơi từng bán bảo hiểm cho anh Kiên) cho rằng tàu cá của anh Kiên bị chìm trước ngày 11-7-2011, tức trước khi mua bảo hiểm của PVI.

Tuy nhiên, kết quả xác minh độc lập của toà án tại đồn biên phòng và UBND xã Tây Yên A đều xác định ngày chiếc tàu bị chìm là 
21-7-2011.

Đáng chú ý, ông Châu Hoàng Được – phó chủ tịch UBND xã Tây Yên A – xác nhận: “Khoảng trưa 21-3-2012, phía cán bộ của PVI có đến cơ quan chúng tôi yêu cầu xác minh lại sự cố chìm tàu.

Do sự việc chìm tàu xảy ra khá lâu nên chúng tôi không nhớ rõ ngày trình báo tàu cá của anh Kiên bị chìm. Phía cán bộ bảo hiểm có đề xuất chúng tôi xác nhận ngày tàu cá của anh Kiên bị chìm vào ngày 10-7-2011 để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm tàu cá cho anh Kiên.

Chúng tôi nghĩ việc đề xuất để làm thủ tục thanh toán của cán bộ bảo hiểm là hợp lý nên thống nhất xác nhận ngày tàu chìm là 10-7-2011. Tôi khẳng định lại ngày trình báo tàu chìm là ngày 22-7-2011”.

Tương tự, dù ký công văn gửi PVI xác nhận tàu cá của anh Kiên bị chìm trước ngày 11-7-2011 nhưng khi làm việc với toà án, ông Phạm Hữu Sửu – giám đốc PJICO Kiên Giang – lại không cung cấp được căn cứ chứng minh thời điểm tàu cá của anh Kiên bị chìm.

Cả hai cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc PVI phải bồi thường thiệt hại xác tàu cho anh Kiên là 280 triệu đồng.

 

NGUYỄN TRIỀU