28/11/2024

Chậm đền bù, kéo dài nỗi khổ của dân

Theo chỉ đạo trước đây của UBND TP.HCM, trong năm 2007 các đơn vị phải xử lý dứt điểm các dự án nhà ở thực hiện theo nghị định 22 ban hành năm 1998 (về đền bù thiệt hại do Nhà nước thu hồi đất) trên toàn thành phố.

 

Chậm đền bù, kéo dài nỗi khổ của dân

 

Theo chỉ đạo trước đây của UBND TP.HCM, trong năm 2007 các đơn vị phải xử lý dứt điểm các dự án nhà ở thực hiện theo nghị định 22 ban hành năm 1998 (về đền bù thiệt hại do Nhà nước thu hồi đất) trên toàn thành phố.


 

Nhà bà Phạm Thị Út tại P.Bình An, Q.2 (TP.HCM) sau 14 năm dính dự án “treo” - Ảnh: Ngọc Hà
Nhà bà Phạm Thị Út tại P.Bình An, Q.2 (TP.HCM) sau 14 năm dính dự án “treo” – Ảnh: Ngọc Hà

Người dân sống trong dự án “treo” thiệt thòi đủ mặt về quyền lợi nên đã  kiến nghị, khiếu nại nhiều lần. Các chủ đầu tư bồi thường da beo, lem nhem chưa hoàn thiện nên chính quyền cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Những dự án làm dở dang bỏ hoang là nơi các đối tượng tụ tập hút chích. Mùa nắng, những dự án này thành những bãi cỏ khô, nguy cơ cháy rất cao 

Ông NGUYỂN HỮU NGHIỆP (chủ tịch UBND xã Phong Phú, H. Bình Chánh, TP.HCM)

Thế nhưng đã tám năm qua, nhiều dự án vẫn còn dang dở, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh “đi cũng dở, ở cũng không xong”.

Tại hẻm 455 Nơ Trang Long cũ (nay là đường Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bên trái hẻm có nhiều nhà mới xây dựng cao ba, bốn tầng san sát nối tiếp nhau. Ngược lại, bên phải hẻm là những căn nhà cũ kỹ lụp xụp có phần nhếch nhác trong khuôn viên đất rộng lớn.

 

Đền bù 15 năm 
chưa xong

Con hẻm trên là ranh giới của dự án khu dân cư Bình Hòa do Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư với khu dân cư bên ngoài, còn dãy nhà lụp xụp cũng thuộc diện tích thu hồi đất của dự án.

Ông Lê Xuân Thanh, một hộ dân sống trong dự án “treo” này, cho biết dù năm 2000 UBND TP mới có quyết định giao đất cho chủ đầu tư, nhưng khu vực này đã quy hoạch là Khu công nghiệp Bình Hoà và bị cấm xây dựng, sửa chữa từ năm 1993.

Tính đến nay, gia đình ông Thanh đã sống hơn 20 năm trong khu quy hoạch “treo” rồi đến dự án “treo” mà chưa biết khi nào mới được dời đi. Từ trước đến nay, ông Thanh đã nâng nền nhà chống ngập đến bốn lần, nay cửa chính của căn nhà đã quá thấp, không thể nâng được nữa…

Ông Thanh kể hằng năm UBND Q.Bình Thạnh đều mời ông và những người hàng xóm đến quận để nhắc nhở không được xây dựng mới, rồi tổ chức đo vẽ lại nhà, đất. Năm 2009, UBND Q.Bình Thạnh đã ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình ông nhưng ông chưa đồng ý giá bồi thường nên chưa nhận đền bù. Đến năm 2014, gia đình ông đề nghị được nhận nền đất tái định cư và tiền bồi thường theo như quyết định trên nhưng đến nay chưa được trả lời.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh, năm 2014 ông Thanh có đơn đề nghị được nhận tiền bồi thường theo quyết định bồi thường năm 2009. Tuy nhiên, thời điểm này chủ đầu tư dự án đang làm thủ tục xin điều chỉnh ranh, dự kiến phần nhà, đất của ông Thanh sẽ được “cắt” ra khỏi dự án nên việc bồi thường cho ông Thanh tạm ngưng.

Đến nay, các cơ quan chức năng có trả lời chính thức là dự án vẫn giữ nguyên, không điều chỉnh ranh và bồi thường theo phương án cũ. Nếu người dân chấp nhận mức bồi thường theo quyết định do UBND quận ban hành trước đó thì ban bồi thường sẽ hối thúc chủ đầu tư chuyển tiền để trả cho dân.

Dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần Caric tại P. Bình An, Q.2 đã được UBND TP giao đất năm 2001, nhưng cán bộ lâu năm ở Q.2 cho biết dự án này đã được xúc tiến từ trước năm 1997. Đến nay, khu đất rộng gần 4ha của dự án này phần lớn là bãi đất hoang đầy cỏ rác.

Trong dự án còn khoảng 30 hộ dân chưa di dời. Bà Phạm Thị Út (đường số 9, P. Bình An) kể gần 14 năm qua gia đình bà phải sống chung với ngập nước vào mùa mưa và đến mùa nắng thì thấp thỏm lo cỏ cháy lan vô nhà.

Theo UBND Q.2, dự án này hiện còn hơn 1.400m2 nhà, đất của dân chưa thỏa thuận được giá đền bù, hiện chính quyền đang đốc thúc chủ đầu tư bồi thường nhanh cho dân.

Khó điều chỉnh dự án

Dự án khu dân cư Phi Long (đường Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, H. Bình Chánh) do Công ty cổ phần đầu tư Phi Long làm chủ đầu tư được giao đất từ tháng 6-2004. Toàn dự án rộng gần 20ha, qua hơn 10 năm thực hiện đến nay còn 17 hộ dân với diện tích khoảng 5ha đất chưa thỏa thuận bồi thường xong. Lối đi chính từ dự án ra đường Trịnh Quang Nghị có đoạn nhỏ như con hẻm vì chủ đầu tư chưa bồi thường được đất hai bên.

Con đường chính của dự án rộng 26m chỉ rộng một đoạn ngắn rồi bị thắt eo thành lối mòn nhỏ hơn 2m, sau đó phình to ra ở phía cuối dự án. Ngay “cái eo” của con đường là một lô đất lớn chưa được bồi thường, cắt dự án ra làm hai phần riêng biệt.

Theo người dân, mấy năm nay chủ đầu tư không thỏa thuận bồi thường, dân muốn bán đất thì chủ đầu tư cũng lơ, không mua nữa. Còn chủ đầu tư cho rằng dân đòi giá bồi thường quá cao và trưng ra văn bản gửi cho dân thông tin về những phương án thỏa thuận bồi thường.

Chính vì vậy các hộ dân mệt mỏi sống trong cảnh nhà tạm, đất “treo” hơn chục năm qua. Còn phía công ty cũng lao đao theo dự án vì không có nền đất giao cho khách hàng, vốn đầu tư vào dự án chưa thu hồi được, diện tích bồi thường da beo, loang lổ.

Ông Phan Mộng Hoàng, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phi Long, nói: “Công ty cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng được điều chỉnh ranh, bỏ những phần đất chưa bồi thường ra khỏi diện tích dự án nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, chủ tịch UBND xã Phong Phú, cho biết xã này có 2/3 diện tích đất được quy hoạch thành các dự án. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư triển khai rất chậm. Năm 2013 có khoảng 10 dự án đã bị thu hồi. Hiện trên địa bàn xã còn hơn 5 dự án dang dở kiểu như khu dân cư Phi Long.

Theo ông Nghiệp, người dân ở các dự án “treo” bị thiệt thòi rất nhiều nhưng ông cho rằng nếu điều chỉnh thu hẹp dự án cũng khó bởi nhiều dự án chưa được bồi thường phần đất làm cơ sở hạ tầng như công viên, đường giao thông, trường học. Đó là chưa kể những diện tích chưa bồi thường nằm rải rác, lọt thỏm giữa nhiều dự án khiến đất đai bị phân nhỏ, cắt khúc, rất khó thực hiện quy hoạch, kết nối hạ tầng cho cả khu vực.

Tương tự, gần 500 hộ dân tại hai dự án tái định cư ở khu dân cư P. Tân Thới Nhất (38ha) và dự án khu dân cư An Sương ở P. Tân Hưng Thuận (66ha) cùng Q.12 hiện cũng trong tình trạng gặp khó khăn như các hộ dân trên.

Tại dự án khu dân cư An Sương, UBND Q.12 không chấp nhận cho chủ đầu tư điều chỉnh ranh dự án vì nếu cắt phần đất chưa bồi thường ra thì dự án không thể kết nối được những hạng mục hạ tầng như cống thoát nước, đường giao thông với hệ thống bên ngoài…

Tại Q.2 cũng còn khoảng 10 dự án được giao đất thực hiện theo nghị định 22 đền bù dang dở, làm khổ người dân.

31-12-2015: hạn cuối chi trả bồi thường

Những dự án thực hiện theo nghị định 22 như trên được duyệt giá bồi thường khá thấp, bù lại người dân được mua nền tái định cư giá thấp. Tuy nhiên, với tình trạng các chính sách bồi thường ngày càng “mở”, giá bồi thường đất ở các dự án được phê duyệt càng về sau càng cao hơn khiến người dân so bì nên khó bồi thường cho dân.

Chính vì vậy, việc bồi thường tại các dự án thực hiện theo nghị định 22 như trên ngày càng khó khăn mặc dù UBND TP đã chấp thuận chi thêm lãi suất ngân hàng và yêu cầu các chủ đầu tư hỗ trợ thêm nhiều khoản cho dân.

Theo một lãnh đạo của Hội đồng thẩm định bồi thường TP, hiện không có một chính sách chung cho các dự án theo nghị định 22 mà các cơ quan chức năng sẽ giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc cụ thể trong các dự án.

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP, các cơ quan chức năng phải giải quyết chi trả bồi thường theo phương án cũ đến ngày 31-12-2015.

 

DƯƠNG NGỌC HÀ