10/01/2025

Cấp khống giấy khai tử 3 người còn sống

UBND xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (An Giang) cấp khống giấy khai tử… ba người dân ở huyện khác đang còn sống sờ sờ.

 

Cấp khống giấy khai tử 3 người còn sống

 

UBND xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (An Giang) cấp khống giấy khai tử… ba người dân ở huyện khác đang còn sống sờ sờ. 


 

Ông Trần Văn Bé bị cho… chết năm 2011, con ông là Trần Thị Ánh Sang được cấp khống giấy khai sinh nhỏ hơn 6 tuổi - Ảnh: Đ.VỊNH
Ông Trần Văn Bé bị cho… chết năm 2011, con ông là Trần Thị Ánh Sang được cấp khống giấy khai sinh nhỏ hơn 6 tuổi – Ảnh: Đ.VỊNH

Với giấy khai tử này và từ xác nhận của xã đã giúp một phụ nữ được hưởng di sản thừa kế 1,24ha đất.

Sau khi có kết quả thanh tra, vụ việc đã được chuyển sang công an để điều tra xử lý hình sự các cán bộ liên quan.

Theo hồ sơ vụ việc, ông Trần Văn Bé (sinh năm 1974) và bà Nguyễn Thị Giềng (sinh năm 1977) lấy nhau từ năm 1994, cư ngụ tại ấp Hưng Tân, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang) và có hai con.

Trong thời gian sống chung, họ mua được một thửa ruộng hơn 1,24ha tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hai người cùng đứng tên.

 

Sau này bà Giềng thường đi mua bán xa nhà nên vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, dẫn tới ly thân và TAND huyện Phú Tân xử thuận tình ly hôn vào năm 2012. Ông Bé nuôi hai con, còn bà Giềng trở về nhà cha mẹ ruột tại xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới.

Khai tử để… hưởng 
tài sản

Lúc ly hôn, họ không yêu cầu phân chia tài sản mà để tự thoả thuận. Sau đó do không thể tự giải quyết được, nên đầu năm 2015 ông Bé gửi đơn nhờ tòa án phân xử.

Trong thời gian toà đang xác minh, ông Bé phát hiện thửa ruộng hơn 1,24ha trên đã được UBND huyện Châu Thành cấp lại giấy đỏ mới sang tên cho bà Giềng vào tháng 5-2013.

Tiếp tục xin trích lục hồ sơ, ông Bé mới tá hoả khi biết ông và cha mẹ ông đều đã bị khai tử từ tháng 1-2013 nên vợ cũ được hưởng thừa kế tài sản này.

“Chúng tôi hiện đang sống sờ sờ ở huyện khác mà UBND xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới cho về thường trú ở đó, rồi cấp giấy chứng tử cho chúng tôi chết tại đó. Tôi chết từ năm 2011, cha tôi chết từ năm 1985, còn mẹ tôi chết từ năm 1982, tất cả đều do bệnh” – ông Bé ấm ức.

Ông Bé làm đơn tố cáo, Sở Tư pháp tỉnh An Giang thanh tra xác định ông Bé và cha mẹ ruột còn sống mạnh khoẻ mà… bị khai tử với ba bản sao giấy chứng tử của UBND xã Kiến Thành, do phó chủ tịch UBND xã Dương Minh Hùng ký.

Chánh thanh tra Sở Tư pháp Phan Thành Thế cho biết qua làm việc, bà Giềng thừa nhận mình làm giấy cho họ… chết để chiếm đoạt trọn thửa ruộng mà bà và ông Bé đã mua, cùng đứng tên trước đây.

Bởi khi chồng cũ và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không còn thì bà nghiễm nhiên hưởng di sản thừa kế. Bà Giềng đã nhờ một người ở xã Kiến Thành lo giấy tờ giúp.

Ông này khai nhận mình vốn quen thân với ông Hùng, từng làm “cò” chạy thủ tục về đất đai.

“Ông Hùng cũng thừa nhận chính ông ký ba bản sao giấy chứng tử đó, tuy nhiên lại lần lữa, báo cáo vụ việc chưa đầy đủ. Sở Tư pháp đã chuyển hồ sơ đến UBND huyện Chợ Mới yêu cầu tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định” – ông Thế nói.

Xã cấp giấy khống, 
ký khống

Thanh tra huyện Chợ Mới thanh tra, qua đó xác định ba bản sao giấy khai tử kể trên đều do UBND xã Kiến Thành cấp.

Tuy có số hiệu, ghi sao lại từ sổ đăng ký khai tử nhưng không hề có trong sổ bộ. Ông Lê Văn Son, chánh thanh tra huyện, cho hay ở phần người thực hiện và người ký giấy khai tử có ghi chủ tịch UBND xã và cán bộ hộ tịch “đã ký”, nhưng trích lục thì không hề có bản chính.

Đồng thời ông Bé bị ghi sai năm sinh, mẹ ông là Phạm Thị Rết bị đổi tên thành Phạm Thị Góp và cho “trẻ” bớt 5 tuổi, còn người cha Trần Văn Te bị giảm xuống 7 tuổi.

“Rõ ràng bà Giềng khai khống, ba bản sao giấy khai tử đều cấp khống, được ông Hùng ký khống. Ông Hùng cũng xác nhận vào tờ cam kết không bỏ sót người thừa kế, giúp bà Giềng làm thủ tục hưởng tài sản thừa kế từ chồng cũ” – ông Son khẳng định.

Ngoài ra, qua thanh tra còn phát hiện em Trần Thị Ánh Sang, con ông Bé, cũng được UBND xã Kiến Thành cấp khống bản sao giấy khai sinh và bản sao quyết định về người giám hộ.

Ánh Sang hiện nay đã 14 tuổi, đang học lớp 8 và sống cùng cha tại xã Phú Hưng, trong khi ở hai giấy này em mang năm sinh là… 2007, sinh ra và thường trú tại xã Kiến Thành, có người giám hộ là bà Giềng.

“Việc UBND xã Kiến Thành cấp khống, làm giả nội dung một số giấy tờ đã rõ. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ qua công an huyện để điều tra xử lý nghiêm, cán bộ nào cố tình sai phạm sẽ bị xử lý hình sự” – ông Trương Trung Lập, chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết.

Kẽ hở có thể lợi dụng

Theo ông Lê Văn Son – chánh Thanh tra huyện Chợ Mới, với các giấy tờ khống có nội dung giả, bà Giềng đến Phòng công chứng Châu Thành ở huyện Châu Thành xin công chứng phân chia tài sản thừa kế và nơi đây đã làm các thủ tục công chứng để bà này nhận di sản thừa kế.

Việc thông báo phân chia di sản thừa kế được phòng công chứng niêm yết ở UBND xã Kiến Thành và UBND xã Tân Phú, nơi có thửa ruộng nên ông Bé không hay biết.

Ở đây, trách nhiệm một phần thuộc phòng công chứng do không kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ liên quan. Mặt khác cũng cho thấy kẽ hở trong quy trình làm thủ tục nhận di sản thừa kế dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó ông Bùi Xuân Quang, trưởng Phòng công chứng Châu Thành, giải thích việc làm thủ tục xin phân chia di sản của bà Giềng được phòng tuân thủ và thực hiện theo thông tư 04 ngày 13-6-2006 của liên bộ Tư pháp – Tài nguyên và môi trường hướng dẫn. Phòng căn cứ các bản sao giấy khai tử của UBND xã, thấy đủ cơ sở nên đã làm thủ tục công chứng.

Ông Phan Thành Thế, chánh thanh tra Sở Tư pháp, cho rằng việc sai sót và trách nhiệm ở đây thuộc UBND xã Kiến Thành. “Tại xã này còn phát hiện thêm một số sai sót trong công tác tư pháp. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra ở đây và một số xã khác” – ông Thế cho biết.

 

ĐỨC VỊNH