Sự ngạc nhiên của Đức Giêsu

Những phép lạ do Đức Kitô làm không phải để biểu dương quyền năng, mà là những dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa hành động ở những nơi nào Ngài gặp được đức tin của con người đáp lại tình yêu của Ngài.

 Sự ngạc nhiên của Đức Giêsu

 

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XIV TN, 8/7/2012

Anh chị em thân mến!

Tôi muốn dừng lại trong chốc lát để suy nghĩ về trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, một bản văn mà trong đó chúng ta rút ra một câu ngạn ngữ nổi tiếng “Nemo propheta in patria”, nghĩa là không một tiên tri nào được tiếp đón nơi anh em mình, ngay tại quê hương nơi mình lớn lên (x. Mc 6,4). Thật thế, sau khi rời Nazareth, vào khoảng năm 30 tuổi, và sau một thời gian rao giảng và làm phép lạ ở những nơi khác, một ngày nọ, Chúa trở về quê nhà và Người bắt đầu rao giảng tại hội đường. Những người đồng hương “hết sức ngạc nhiên” về sự khôn ngoan của Người, và khi biết Người là “con bà Maria”, và “bác thợ mộc” đã sinh sống giữa họ, họ vấp phạm vì Người, thay vì đón tiếp Người với cả niềm tin (x. Mc 6,2-3). Sự kiện này cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi vì sự thân thiện trên bình diện con người thường không giúp chúng ta đi xa hơn, và mở lòng ra đón nhận chiều kích của Thiên Chúa. Họ không thể nào hiểu được Con bác thợ mộc này lại là Con Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua kinh nghiệm của những vị Tiên tri trong dân Israel là những con người chịu khinh bỉ ngay tại quê hương mình, và Người đồng hoá mình với họ. Vì sự khép lòng về mặt thiêng liêng của họ, nên Đức Giêsu không thực hiện được “một phép lạ nào” ở giữa họ, ngoại trừ Người đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân (Mc 6,5). Thật thế, những phép lạ do Đức Kitô làm không phải để biểu dương quyền năng, mà là những dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa hành động ở những nơi nào Ngài gặp được đức tin của con người đáp lại tình yêu của Ngài. Origène có viết như sau: “Cũng giống như trong trường hợp của những sự vật vật chất, trong một số sự vật, có một sức lôi cuốn tự nhiên đối với những vật thể khác, như thể từ trường đối với sắt vậy… thì cũng có một sức lôi cuốn như thế trong đức tin đối với sức mạnh thần linh” (Chú giải Phúc Âm theo Thánh Matthêu 10,19).

Do đó, như chúng ta đã nói, dường như Đức Giêsu nhận thấy người ta tỏ ra lạnh nhạt không muốn đón tiếp Người tại Nazareth. Còn trái lại, vào cuối trình thuật, chúng ta lại gặp một nhận xét khác hoàn toàn trái ngược. Thánh sử viết rằng Đức Giêsu “ngạc nhiên vì họ thiếu lòng tin” (Mc 6,6). Sự ngạc nhiên của những người đồng hương lại tương ứng với sự ngạc nhiên của Người. Đức Giêsu cũng thế, xét về một nghĩa nào đó, thì Người cũng cảm thấy kỳ chướng! Cho dù Người biết rằng không một Tiên tri nào được đón tiếp ngay tại quê hương mình, Người vẫn thấy sự cứng lòng của những người xung quanh là một chướng ngại không thể nào vượt qua được: làm sao họ lại không nhận ra được ánh sáng của Chân lý? Làm sao họ lại không mở lòng ra đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ bản tính nhân loại của chúng ta? Thật thế, con người Đức Giêsu Thành Nazareth là sự trong suốt của Thiên Chúa, Thiên Chúa cư ngụ cách viên mãn nơi Người.Và trong khi chúng ta luôn đi tìm những dấu hiệu khác, những phép lạ khác, chúng ta lại không nhận ra Người là Dấu hiệu thật, là Thiên Chúa làm người, Người là phép lạ lớn nhất của vũ trụ: toàn bộ tình yêu của Thiên Chúa được chứa đựng trong một quả tim của con người, trong một gương mặt của con người.

Người thực sự hiểu được thực tế này là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ có phúc bởi vì Mẹ đã tin (x. Lc 1,45). Đức Maria đã không bị vấp phạm vì Con của mình: lòng thán phục của Mẹ đối với Đức Giêsu lúc nào cũng chan chứa tình yêu và hân hoan vui sướng, cũng như tràn đầy niềm tin, khi Mẹ thấy Người rất ư là con người, và đồng thời, cũng rất ư là thần linh. Như thế, chúng ta hãy học nơi Mẹ, người Mẹ trong đức tin của chúng ta, cách nhận ra trong nhân tính của Đức Kitô sự mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa.