27/11/2024

Y tế phải gắn với an sinh xã hội

Bộ Y tế không chỉ “đội sổ” về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật như công bố của Phòng Thương mại và công nghiệp VN mà vẫn còn không ít điểm yếu khi xây dựng và thực hiện chính sách y tế.

 GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Y tế phải gắn với an sinh xã hội

 

Bộ Y tế không chỉ “đội sổ” về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật như công bố của Phòng Thương mại và công nghiệp VN mà vẫn còn không ít điểm yếu khi xây dựng và thực hiện chính sách y tế.


 

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Ảnh: Thanh Bình
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Ảnh: Thanh Bình

Bệnh tật là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói. Bệnh tật khiến người bệnh mất sức lao động, ảnh hưởng đến sự mưu sinh, nhưng không phải quan chức nào cũng hiểu được điều này. Chi phí khám chữa bệnh là một khoản chi phí lớn so với thu nhập của người dân, nhất là đối với những người nghèo, đặc biệt khi họ bị bệnh hiểm nghèo. Để vượt qua bệnh tật, còn nhiều người dân phải đi vay nợ để trang trải chi phí điều trị và bệnh tật khiến họ chỉ có nghèo đi. Đây là vấn đề rất đáng báo động ở nước ta

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, GS.TSKH PHẠM MẠNH HÙNG – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam – nói:

– Vai trò “độc tôn” của người thầy thuốc trong chăm sóc sức khoẻ không còn nữa. Thay vào đó, người dân nói chung và người bệnh nói riêng đã nắm giữ vai trò hết sức quan trọng. Người dân vừa là chủ thể thực hiện chăm sóc sức khoẻ, vừa là đối tượng thụ hưởng kết quả chăm sóc sức khoẻ. Cân bằng giữa sự huy động tham gia của người dân với tư cách chủ thể của chăm sóc sức khoẻ với việc người dân là đối tượng thụ hưởng kết quả chăm sóc sức khoẻ là một trong những bí quyết thành công trong làm chính sách y tế.

Nếu chỉ biết huy động sự tham gia của người dân mà xem nhẹ việc hưởng lợi trong chăm sóc sức khoẻ của người dân sẽ dẫn đến mất an sinh xã hội. Ngược lại, chỉ coi trọng việc hưởng lợi của người dân và coi nhẹ huy động sức dân sẽ dẫn đến sự ỷ lại của người dân trong chăm sóc sức khoẻ.

*Không ít người cho rằng nhiều cơ sở y tế có biểu hiện lạm dụng chủ trương xã hội hóa, dẫn đến người bệnh bị phân biệt đối xử, mất công bằng khi đi khám chữa bệnh. Giáo sư có ý kiến thế nào về việc này?

– Đúng là kinh tế y tế và tài chính y tế đã trở thành yếu tố quyết định của sự phát triển y tế, quyết định sự sống còn của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, không thể đem bất kỳ chính sách kinh tế nào, quy luật kinh tế nào áp dụng một cách nguyên xi và cứng nhắc vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Xã hội hoá lâu nay chúng ta làm còn tùy tiện, chỉ để huy động tiền của dân chứ không phải nhằm vào vấn đề người dân phải tự bảo vệ sức khoẻ.

* Theo giáo sư, những “điểm yếu” lớn nhất hiện nay của y tế Việt Nam là gì?

– Tôi thấy có năm vấn đề mà ngành y tế phải giải quyết được để đảm bảo an sinh xã hội và công bằng y tế trong khám chữa bệnh.

Một là, chưa gắn kết được vấn đề phòng ngừa bệnh tật với xoá đói giảm nghèo do chưa nhận thức được bệnh tật là một nguyên nhân hàng đầu gây ra nghèo đói. Lãnh đạo các cấp ở các địa phương cũng ít quan tâm đến chính sách y tế. Bản thân ngành y tế chỉ chú ý nhiều đến kỹ thuật y tế, chưa quan tâm đúng mức vấn đề xã hội trong y tế cũng như tác động của chính sách y tế.

Do đó còn lúng túng trong chính sách y tế công và y tế tư. Trong cái lúng túng lại đưa ra các giải pháp nhiều khi vội vàng, chưa tính đến những hậu quả và dẫn đến vấn đề tài chính của y tế công còn mập mờ, lộn xộn.

Tôi cho rằng một nền y tế tốt mà chỉ khám chữa bệnh tốt là chưa đủ mà còn không được gây ra nghèo đói cho nhân dân. Với người thầy thuốc, nếu ghi đơn thuốc toàn những thứ đắt tiền và không cần thiết, nếu lạm dụng chỉ định kỹ thuật thì không ai khác, chính thầy thuốc là tội đồ gây ra nghèo đói cho nhân dân.

Hai là, ai cũng có thể nói trơn tru “phải xây dựng một nền y tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa” nhưng nhận dạng nó thế nào thì chưa bắt tay vào làm thật sự. Dẫn đến việc xây dựng chính sách y tế chưa mang tính tổng thể, sử dụng đồng tiền chưa hợp lý, thực hiện giá viện phí lúng túng, manh mún và hay điều chỉnh, gây thắc mắc trong nhân dân.

Trong tình trạng lộn xộn giữa bao cấp và thị trường này đã xuất hiện những biểu hiện thương mại hóa quá mức, những biểu hiện suy thoái về đạo đức khiến niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế giảm sút. Đó là chưa kể do thiếu chuyên nghiệp nên hoạt động chăm sóc sức khoẻ còn nặng về số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng.

Ba là, thực hiện các chính sách tài chính y tế chưa mang tính hệ thống và đồng bộ. Theo tôi, để giải quyết đồng bộ phải quan tâm đến sáu vấn đề: vốn đầu tư ở đâu ra và tỉ trọng các nguồn vốn được huy động bao nhiêu là thích hợp mà không đe doạ đến định hướng công bằng trong y tế; phân bổ vốn ra sao: theo nhu cầu hay theo yêu cầu, theo dân số hay theo vùng; mối quan hệ giữa giá thành với giá; mối quan hệ giữa tự chủ của các cơ sở cung cấp dịch vụ với sự điều hoà bằng chính sách của Nhà nước; với người nghèo đã có nhiều giải pháp nhưng cần thực hiện tích cực thêm; phải có chính sách điều hoà tích cực đối với thu nhập của cán bộ y tế.

Bốn là, lộ trình về phát triển khoa học công nghệ chưa đồng bộ và chưa có quy hoạch tổng thể, chưa có động thái đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục y tế. Đặc biệt là việc đào tạo bác sĩ còn lạc hậu, đến nay vẫn giữ nguyên cách đào tạo từ năm 1964, chưa có những cải tiến, đột phá.

Năm là, còn những khái niệm cơ bản ở trong vấn đề chính sách y tế chưa được làm rõ là công bằng và bình đẳng. Trong chăm sóc sức khoẻ, khái niệm công bằng thể hiện tính nhân đạo hơn khái niệm bình đẳng, bởi sức khoẻ con người ngay từ lúc sinh ra đã không như nhau, nghĩa là đã không bình đẳng.

Công bằng trong chăm sóc sức khoẻ có nghĩa là người nào cần chăm sóc nhiều thì được đáp ứng nhiều. Công bằng trong chăm sóc sức khoẻ còn mang ý nghĩa về sự đóng góp, tức là ai thu nhập cao, ai khoẻ hơn thì phải đóng góp cho chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn. Vì vậy chính sách bảo hiểm y tế tốt nhất là chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân (tức là toàn dân đóng góp theo thu nhập).

* Để xây dựng một chính sách y tế thật sự đem lại lợi ích cho người dân, ngành y tế phải chú trọng những nguyên tắc nào, thưa giáo sư?

– Tôi cho rằng khi làm chính sách y tế phải hết sức cẩn trọng và tránh các khuynh hướng gây mất cân bằng. Đó là tránh chỉ chú trọng đến hiệu quả đầu tư về kinh tế mà ít quan tâm tính nhân văn trong xã hội, không để ý công bằng, nhân đạo trong chăm sóc sức khoẻ. Đó là chỉ chú trọng nhiều đến hệ điều trị mà coi nhẹ đến hệ dự phòng, chỉ chú trọng kỹ thuật cao mà xem nhẹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Chỉ chú trọng đầu tư y tế chuyên sâu, xây dựng những trung tâm y tế hiện đại mà quên mất những vấn đề thiết thân của y tế cơ sở. Chỉ chú ý đáp ứng theo yêu cầu chăm sóc sức khoẻ mà coi nhẹ việc đáp ứng theo nhu cầu. Không được “thả lỏng” thu nhập của cán bộ y tế, phải có chính sách điều hòa lợi ích ngay trong nội bộ đội ngũ cán bộ y tế. Vấn đề này Tổ chức Y tế thế giới đã tổng kết và chỉ ra bài học: Nếu nước nào thả lỏng hoàn toàn thu nhập của cán bộ y tế sẽ đưa đến thất bại của nền y tế và biến đội ngũ cán bộ y tế thành lực cản trong vấn đề cải cách y tế.

 

LÊ THANH HÀ thực hiện