Khi bạn đời luôn lịch sự
Trong thời buổi bận rộn, nhiều đôi vợ chồng thường trao đổi với nhau bằng những câu cụt ngủn. Vậy nên, việc có người bạn đời luôn ăn nói nhã nhặn được xem như là “hàng hiếm”. Có điều, lịch sự quá đôi khi lại… phiền!
Khi bạn đời luôn lịch sự
Trong thời buổi bận rộn, nhiều đôi vợ chồng thường trao đổi với nhau bằng những câu cụt ngủn. Vậy nên, việc có người bạn đời luôn ăn nói nhã nhặn được xem như là “hàng hiếm”. Có điều, lịch sự quá đôi khi lại… phiền!
Nếu có thể được… ngắn hơn
Đang bức bối vì bị mắc kẹt giữa đám xe cộ chật như nêm, chị Thu Hương (nhân viên văn phòng, ngụ ở Q.Bình Tân, TP.HCM) nhận được điện thoại của chồng: “Em à, nếu có thể được, chiều nay em đón con giùm anh nhé! Anh bận họp đột xuất rồi”. Chị Hương vội vã đáp: “Dạ được. Đang kẹt xe, em cúp máy đây”. Anh chồng cố gắng nói cho hết ý: “Anh cảm ơn vợ nhé. Đừng buồn anh nha…”. Nghe những người sau lưng bóp kèn giục inh ỏi, chị Hương đành cắt ngang cuộc nói chuyện, dù rằng cũng thấy lo lo bị chồng giận dỗi.
Chị Hương cho biết, chồng chị vốn là con nhà gia giáo. Anh không thích kiểu giao tiếp bỗ bã hoặc câu què, câu cụt. Là kỹ sư cơ khí nhưng lúc nào anh cũng ăn nói từ tốn, văn vẻ. Mỗi khi có ý định nhờ ai làm chuyện gì, kể cả vợ mình, anh đều mở đầu bằng cụm từ: “Nếu có thể được…”.
“Những lúc thư thả, khúc dạo đầu đó có thể khiến tôi thấy dễ chịu. Nhưng khi gấp gáp, tôi nghe mà sốt cả ruột. Tôi từng ao ước, nếu – có – thể – được, anh ấy nói ngắn gọn hơn một chút trong tình huống khẩn cấp!”, chị Hương tâm sự.
Hai vợ chồng đều là nông dân, song anh Nguyễn Văn Thành (quê Quảng Nam) có thói quen nói chuyện bài bản đâu ra đó. Chẳng hạn, khi chuẩn bị cho con đi ngủ, anh Thành nói với vợ: “Bây chừ là đến giờ em hắn buồn ngủ rồi đó. Má mi lo thu xếp, bồng em hắn vô buồng, rồi ru hắn ngủ đi!”. Người vợ nghe riết cũng thấy bình thường, nhưng một số người dân địa phương nghe hoài vẫn còn thấy… lạ tai!
Cần, nhưng đừng quá cầu kỳ
Chị Hà Trân (ngụ Q.4, TP.HCM) tự tin khẳng định thái độ lịch sự cần thiết hầu như bao giờ cũng tồn tại giữa vợ chồng chị. Chị lý giải, có lẽ đó là nhờ chồng chị lớn hơn chị 6 tuổi. “Trong khi nhiều cặp vợ chồng cùng tuổi xưng tên và đùa giỡn thoải mái theo kiểu trẻ con thì vợ chồng tôi không có vậy. Chúng tôi thường xưng anh – em hoặc ba – mẹ với nhau. Đặc biệt, trước mặt mấy đứa con, chúng tôi luôn nói những câu có chủ ngữ, vị ngữ rõ ràng; hạn chế tối đa câu què, câu cụt”, chị Hà Trân kể. Chị đúc kết: “Nói chung, mọi thứ giữa vợ chồng chúng tôi diễn ra ở mức độ vừa phải. Khi nào tôi hoặc anh ấy, hoặc cả hai tỏ ra quá lịch sự, khách khí với nhau thì lúc đó vấn đề đã trở nên… nghiêm trọng rồi!”.
Đứng ở góc độ khác, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên cho rằng có khá nhiều người VN thể hiện tình cảm vợ chồng một cách quá khô khan. Điều đó phần nào phản ánh qua trào lưu nhắn tin “em yêu anh” hồi tháng 4 vừa qua. Đáp lại tin nhắn tình cảm đó của những bà vợ, không ít ông chồng biểu lộ sự kinh ngạc: “Nhắn nhầm cho ai thế?”, “Lạ vãi vợ ạ!”, “Ờ! Thì sao? Mua gì?”, “Điên à?”…
Bà Thu Hiên thẳng thắn nhận xét: “Người ta thường lấy lý do bị áp lực thời gian, phong cách hiện đại nên nói năng giản lược, cụt ngủn. Theo tôi, suy nghĩ và cách nói năng của chúng ta mà cái gì cũng đổ lỗi cho ngoại cảnh là không nên. Thậm chí, nhiều khi nó thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau”.
Chuyên gia tâm lý này tỏ ra rất thích câu “nhắc con đi ngủ” nói trên của ông Nguyễn Văn Thành. Theo bà, nó cho thấy sự lãng mạn của đôi vợ chồng người nông dân.
“Tôi thích được nghe những câu như thế hơn là những lời ra lệnh. Tuy nhiên, cũng không nên dài dòng, cầu kỳ quá mà tuỳ đối tượng, tuỳ cá tính, sở thích của mỗi người để có lối giao tiếp phù hợp hơn”, chuyên gia tư vấn Nguyễn Thu Hiên lưu ý.
Như Lịch