10/01/2025

Quốc hội ủng hộ quyền im lặng

Thảo luận tại Quốc hội hôm qua (17.6) về bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định về “quyền im lặng”, đòi hỏi cơ quan tố tụng “phải thay đổi tư duy”.

 

Quốc hội ủng hộ quyền im lặng

 

 

Thảo luận tại Quốc hội hôm qua (17.6) về bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định về “quyền im lặng”, đòi hỏi cơ quan tố tụng “phải thay đổi tư duy”.


 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày quan điểm Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày quan điểm – Ảnh: T.Sơn

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga, bày tỏ đồng tình với quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Theo ĐB Nga, quyền tự bảo vệ là một phần quan trọng của quyền bào chữa, là phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân trước các điều tra viên. Việc thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai.

 
 

Về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định đây là một quy định tiến bộ, thể hiện sự công khai, minh bạch, có sự giám sát sẽ khắc phục được việc bức cung, nhục hình. “Nếu chống được bức cung nhục hình, bảo vệ được quyền con người thì tốn kém vẫn phải làm”, ông Học bày tỏ quan điểm. ĐB Học cũng đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát để báo cáo QH nguồn kinh phí phải chi cho hoạt động này là bao nhiêu, khả năng đáp ứng như thế nào?

 

 

“Suy đoán có tội đã trở thành khá phổ biến”

ĐB Nga thẳng thắn: “Việc phụ thuộc vào lời khai nhận tội của nghi can và suy đoán có tội đã trở thành khá phổ biến. Điều tra, truy tố, xét xử sẽ được kết thúc một cách nhanh chóng nếu có được lời nhận tội, vì vậy, thực tế nhiều trường hợp đã biến từ quyền trình bày lời khai thành nghĩa vụ phải khai báo và đã từng xảy ra mớm cung, bức cung, nhục hình. Biến việc không thực hiện quyền trình bày lời khai thành thiếu thành khẩn, không hợp tác với cơ quan tố tụng, nghi can tự bào chữa bị coi là quanh co chối tội. Tất cả những tình tiết này đều bị toà án dùng làm căn cứ để quyết định mức án nặng hơn”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nghĩa vụ của cơ quan điều tra khi thực hiện lời khai phải thông báo đầy đủ cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo biết có quyền im lặng theo quy định. “Quyền im lặngcó thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan điều tra nhưng không vì thế mà không đưa quyền này vào luật”, ĐB Phương nói. “Các vụ oan sai thời gian qua có nguyên nhân thiếu quyền im lặng. Do bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có tâm lý hoang mang, thiếu ổn định, mất bình tĩnh, không có luật sư để tạo niềm tin giúp cho lời khai của mình chính xác nên có những lời khai chống lại chính mình hoặc thừa nhận mình có tội. Quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo đã có từ lâu ở nhiều nước nhằm đảm bảo tối đa quyền con người. Nếu quyền này được áp dụng là bước tiến về tư duy trong hoạt động lập pháp, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt oan sai”, ĐB Phương phân tích.

Làm sao đảm bảo tranh tụng bình đẳng ?

Nhiều ĐB không đồng tình với quy định toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà viện kiểm sát (VKS) đã truy tố.

Theo ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang), nên tiếp tục giữ nguyên giới hạn xét xử như luật hiện tại vì nếu quy định như trên là trái với nguyên lý, không đúng với thẩm quyền, chức năng xét xử của toà án. “Quy định này là không bảo đảm nguyên tắc bản án của toà án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà. Vì tại phiên toà, VKS chỉ lập luận đưa ra chứng cứ để bảo vệ tội danh đã truy tố trong cáo trạng, còn luật sư chỉ lập luận đưa ra chứng cứ để bảo vệ việc bị cáo không phạm tội theo VKS đã truy tố hoặc nhẹ hơn tội VKS đã truy tố”, ĐB Mai nói. Bà cho rằng không thể có trường hợp luật sư đưa ra chứng cứ cho rằng bị cáo phạm tội nặng hơn. Do đó, nếu toà án xử bị cáo tội danh nặng hơn thì phán quyết của toà không hình thành từ kết quả tranh tụng tại phiên toà. 

Góp ý về quyền bình đẳng của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại trong xét xử, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói quy định này khẳng định tính dân chủ trong tranh tụng, bảo đảm xét xử công khai, minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, quy định về phòng xử án tại dự luật lại xác định phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, thư ký toà; phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng như người bào chữa, bị cáo, bị hại… là không phù hợp. “Bình đẳng nhưng lại có người ngồi ở phía trên, có người ngồi ở phía dưới, ngay cả vị trí ngồi không công bằng thì trong tranh tụng có công bằng hay không?”, ĐB Học nêu vấn đề.

Trường Sơn