11/01/2025

Giáo viên sống được bằng lương

Tôi mơ ước 20 năm tới không một ai trong đội ngũ nhà giáo phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.

 

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Giáo viên sống được bằng lương

 

Tôi mơ ước 20 năm tới không một ai trong đội ngũ nhà giáo phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.


 

Cô và trò kiếm rau rừng cải thiện bữa ăn tại điểm trường ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Tiến Thành
Cô và trò kiếm rau rừng cải thiện bữa ăn tại điểm trường ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Tiến Thành

Tôi kỳ vọng nghề giáo thật sự trở thành nghề cao quý không chỉ vì tôi là một giáo viên, lâu nay sống với nhiều nỗi ngậm ngùi nên mong muốn mình và đồng nghiệp được cải thiện đời sống, mà còn đau đáu trăn trở bởi “lương sư hưng quốc” khi giáo viên sống được bằng lương, nghề giáo được coi trọng thì sẽ có một nền giáo dục mạnh làm “đòn bẩy” cho sự phát triển đất nước.

Đúng nghĩa nghề cao quý

Cả nước ta hiện có hơn 1 triệu nhà giáo nhưng chỉ số ít có cuộc sống đủ đầy, còn đại bộ phận đang vất vả với cuộc mưu sinh. Ngày 17-11-2006, người đứng đầu ngành giáo dục lúc đó từng hứa “năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”.

Đến nay, thời hạn “sống bằng lương” đã trôi qua năm năm mà lời hứa vẫn chưa được thực hiện, đa số giáo viên vẫn phải sống vất vả.

Vì vậy, tôi kỳ vọng 20 năm tới giáo viên sẽ sống được bằng lương, đúng với danh xưng “nghề cao quý” chứ không phải mang tính động viên về mặt tinh thần như bấy lâu nay.

Khi đó, mỗi khi tết đến xuân về giáo viên không còn phải “nuốt nước mắt vào trong” mà sẽ có cái tết sung túc, đủ đầy, có thể mua cho mình, cho con bộ đồ mới, biếu nội ngoại đôi bên một khoản tiền, tự tin đi chúc tết mà không sợ tiền lì xì làm thâm hụt ngân sách.

Báo chí cũng không còn nói nhiều về chuyện thưởng tết của giáo viên vì nghe chuyện này người làm nghề giáo rất tủi thân.

Khi đó, giáo viên không còn phải dạy thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống với nỗi lo bị bắt như bắt trộm. Giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý chăm lo chuyên môn, hết lòng với học sinh vì không còn vướng bận chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”.

Khi đó, phụ huynh, học sinh nhìn thầy cô một cách ngưỡng mộ không chỉ bởi kiến thức uyên thâm mà còn vì đời sống thanh cao, cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi đó, sư phạm là một ngành “hot”, điểm đầu vào ngành sư phạm cao chót vót khiến ngành y, dược, ngoại thương phát thèm, và chỉ những học sinh giỏi, xuất sắc mới dám đăng ký thi vào sư phạm…

Đột phá

Để nghề giáo được xã hội yêu quý, tôn trọng, cần mạnh dạn “đột phá” với việc thực hiện tốt hai giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên mang tính tiên quyết và nền tảng cho những giải pháp khác là cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng lại để cho giáo viên sống khó khăn, thiếu thốn, không thể toàn tâm cho công việc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục yếu kém, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trước thực trạng này, năm 2013 nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được ban hành với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực…

Nghị quyết 29-NQ/TW đưa ra chín giải pháp để thực hiện mục tiêu, đã tạo ra nhiều kỳ vọng trong giáo giới cũng như cho những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tôi cho rằng để đạt mục tiêu thay đổi căn bản toàn diện giáo dục thì giải pháp mang tính tiên quyết và mang tính nền tảng là có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên, phải để giáo viên sống được bằng lương thì công cuộc đổi mới giáo dục mới thành công.

Bởi có thực mới vực được đạo, thật khó làm tốt công việc với cái bụng bị đói! Nhật Bản, Hàn Quốc là minh chứng cho bài học “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển và mang tính bền vững”. Thế nên có thể coi nghề giáo là một nghề đặc thù và được hưởng chế độ đặc thù giống như quân đội, công an.

Khi đó, đời sống được đảm bảo thì giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý chăm lo chuyên môn, chất lượng sẽ được nâng lên. Không chỉ vậy, khi đó học sinh giỏi cũng sẽ đổ xô thi sư phạm, có đầu vào tốt sẽ có những người thầy tốt và có thầy tốt sẽ có trò tốt. Đó là một quy luật.

Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm. Mới đây tại TP.HCM, trong cuộc hội thảo do Bộ Giáo dục – đào tạo tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định chất lượng đào tạo giáo viên còn nhiều yếu kém, chương trình đào tạo của các trường sư phạm lạc hậu nhất trong số các trường đại học.

Có thể nói sinh viên học ở bậc đại học giống như học sinh cấp… IV, vẫn nặng tình trạng thầy đọc trò chép, trò hầu như không dám tranh luận với thầy.

Cách dạy và học như vậy chỉ đào tạo ra những con người biết vâng lời với tư duy xơ cứng chứ thật khó hi vọng sự sáng tạo, mới mẻ làm nền tảng cho sự thay đổi để đi đến thành công.

Thiết nghĩ cần phải thay đổi, nâng cao chất lượng ở bậc đại học mà ở đó phải chấp nhận tranh luận chứ không phải học thuộc lòng. Tôi cho rằng nếu muốn thật sự tìm cách thay đổi tình hình giáo dục trước hết vẫn phải bàn cách cứu lấy nền đại học. Sửa phải kết hợp với xây, đó là một quy luật.

Ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được bài viết của các tác giả: Quang Kiệt (bài 2), Lữ Nguyên (bài 2), Ngọc Trinh, Nguyễn Thiện (bài 2), Trương Minh Giang, Nguyễn Văn Ân, Hồ Quang Khải, Nguyễn Thị Kim Hạnh (TP.HCM), Đoàn Dương Đức Giang, Nguyễn Thị Khánh (Hà Nội), Nguyễn Minh Thúy (Thanh Hoá), Lê Văn Nguyệt (bài 2 và 3), Phạm Xuân Phụng, Trần Hoàng (Thừa Thiên – Huế), Nguyễn Vũ Thu Trang (Lâm Đồng), Lê Huy Hoàng (Gia Lai),Hàn Thanh Liêm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Song Phương (bài 2), Trần Thị Duyên, Nguyễn Ngọc Thương, Phan Thị Thuỳ Linh, Ngọc Tô (Đồng Nai),Cao Văn Tờ (Bình Dương), Quang Khải (Vĩnh Long), Hoàng Công Đoán (Tiền Giang), Thanh Danh…

Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) mong muốn tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng dự thi. Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected] (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015 (chi tiết cuộc thi vui lòng xem thêm trên http://tuoitre.vn).Toà soạn

 

PHẠM ĐƯỢC (36 tuổi, Đà Nẵng)