10/01/2025

Không gian cần có 4 chiều

Con rắn là biểu tượng của tìm tòi, của kiên nhẫn, của ngành y. Ước gì bệnh nhân cũng như thầy thuốc nước ta cùng nhau tìm tòi để khả thi một điều đơn giản.

 

Không gian cần có 4 chiều

 

Con rắn là biểu tượng của tìm tòi, của kiên nhẫn, của ngành y. Ước gì bệnh nhân cũng như thầy thuốc nước ta cùng nhau tìm tòi để khả thi một điều đơn giản. 


 

Bác sĩ nhẹ nhàng khi thăm khám bệnh cũng là một liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân mau lành bệnh - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ nhẹ nhàng khi thăm khám bệnh cũng là một liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân mau lành bệnh – Ảnh: Hữu Khoa

Đó là gặp nhau với nụ cười trên môi để Trái đất này vẫn ấm tình người.

Trong bối cảnh của cuộc sống “không stress không về” tìm được ít phút yên bình là chuyện… khó! Thực trạng đó, nói đúng hơn, thảm trạng đó, dường như đang gắn chặt với ngành y. Cười sao nổi nếu thầy thuốc mệt nhoài vì quá tải, nếu bệnh nhân căng thẳng khi khám bệnh vì cứ như trả tiền lấy số thứ tự để chờ phút tra tấn!

Tột đỉnh nghệ thuật của nghề chữa bệnh phải chăng là tiếng cười hả hê của khi rời phòng khám?

Không thể ai cũng như ai

Có ai đó đã ví von cuộc đời chẳng qua như một màn bi hài kịch, chỉ khác nhau ở chiều sâu của kịch bản. Nghề nào cũng thế. Với nghề làm thuốc cũng không khác gì hơn. Cái hay của một chương trình tạp kỹ vui nhộn chính là sự kết hợp đồng bộ của nhiều vai diễn với cá tính và phong cách thể hiện tuy khác nhau, nhưng sao cho mỗi thành viên đều có cơ hội triển khai mặt mạnh trên sàn diễn.

Tương tự như mối liên hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc, khéo hơn nhiều là làm sao để khán giả có dịp thưởng thức hình ảnh mộc mạc đơn sơ như tiếng hò sông Hậu nhưng đồng bộ với nét thâm thúy như chiều sâu của sông Hồng. Có thế thì hài kịch mới đủ sức lôi cuốn khán giả từ phút đầu đến phút cuối.

Với ngành y cũng thế, có hài hòa được như thế thì bệnh viện mới đúng nghĩa của hai tiếng “nhà thương” nghe nồng thắm vô cùng, nơi dịch vụ y tế đồng nghĩa với hứng thú của thầy thuốc và nỗi lạc quan của người bệnh. Ước gì nhiều thầy thuốc khi hội chẩn, lúc điều trị cũng biết cách phối hợp ăn khớp nhịp nhàng như các nghệ sĩ chuyên nghề chọc cười cho thiên hạ. Ước gì nhiều bệnh nhân tìm được thầy thuốc ăn ý như đã cùng nhau tập diễn nhiều lần.

Cái khéo của một hài kịch đi sâu vào lòng người và vương vấn rất lâu trong tâm khảm của khán giả lại không đóng khuôn trong tài nghệ cá nhân của các danh hài. Kịch hay khiến người cười đến nghiêng ngả không hẳn chỉ vì tất cả nghệ sĩ trong vở kịch đều quá chuyên nghiệp. Hay hơn nhiều là nhờ đạo diễn khéo léo lồng tất cả trong một kịch bản mới xem qua tưởng chừng như nhàm chán, nhưng càng xem càng mê vì nhiều nét đột phá bất ngờ.

Công việc của thầy thuốc cũng thế, cũng phải là công việc của một tập thể gắn liền với kỷ cương, nhưng không được thiếu phần sáng tạo. Lý do rất đơn giản. Vì mỗi người bệnh, không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, trình độ học vấn…, đều là một tổng thể nhưng hoàn toàn cá biệt về tâm thể, không ai giống ai, cho dù có cùng căn bệnh.

Chỉ khi nào điểm phản biện đó được coi trọng đúng mức thì thầy thuốc mới trọn nghĩa của người làm thuốc được đời trân trọng với tiếng thầy. Tột đỉnh nghệ thuật của nghề chữa bệnh phải chăng là tiếng cười hả hê của người bệnh khi rời phòng khám? Làm hề như thế mới đáng là hề. Ước gì nhiều thầy thuốc tiếp tục làm tròn trách nhiệm, đơn giản như chú hề trong gánh xiếc. Ước gì nhiều bệnh nhân tìm được thầy thuốc không chịu chữa bệnh theo kiểu 
ai cũng như ai.

Khó chịu với chính mình

Điểm tuyệt vời của hài kịch bao giờ cũng là đoạn kết. Cái khó là làm sao để khán giả, như khi xem phim của Charlot, cười hả hê nhưng không thể giấu ít giọt nước mắt thấm thía! Cười mà khóc vì đồng cảm với nỗi trăn trở của nghệ sĩ, của những người rất đơn giản trong đời thường, nhưng đã nhận vai hề trên sân khấu như trách nhiệm của người tưởng chê đời nhưng trên thực tế lại quá yêu đời vì tinh thần của người luôn hoàn thành công việc được giao phó với tất cả tấm lòng. Hay hơn nhiều là giọt nước mắt của chính diễn viên. Còn gì khéo hơn toe toét chọc cười thiên hạ để rồi bật khóc trong cánh gà vì lực bất tòng tâm khi tìm cách lội ngược 
dòng sinh lão bệnh tử.

Có ai đó đã ví von là thầy thuốc giỏi, càng xuất sắc bao nhiêu càng phải ký nhiều giấy khai tử, vì là người phải đối đầu với tình huống thập tử nhất sinh. Càng cao danh vọng càng dày gian nan. Điều duy nhất còn lại với mỗi thầy thuốc phải chăng là khi giã từ nghiệp chướng liệu còn có ai mến tiếc với kính trọng và thương yêu mà khán giả đã trao về cho các nghệ sĩ của một hài kịch nào đó khó quên? Mỗi thầy thuốc rồi sẽ đến lúc phải trả lời câu hỏi đó, không cần với ai hết mà với chính mình.

Cũng không đợi đến lúc cuối đường sự nghiệp, mà trong từng nhịp thở, không vì nghề làm thuốc mà do cái nghiệp gắn liền với tiếng thầy được đời riêng tặng. Ước gì có nhiều thầy thuốc không chỉ “chịu khó” mà bao giờ cũng “khó chịu” với chính mình để hai tiếng y đức đừng đồng nghĩa với tiếng thở 
dài của người bệnh.

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Ngành y xứ mình quả thật còn ngập đầu vì quá nhiều công việc dang dở, nhưng mặt khác cũng rỗi rảnh đến độ lo việc phác họa chiếc áo blouse cho đồng bộ, nghĩa là ai cũng giống ai đến độ chán phèo.

Vật thể nào muốn nổi bật góc cạnh đều phải là hình ảnh ba chiều. Chỉ với chiều rộng, chiều dài thì hình tượng dẹp lép như bị xe hủ lô cán mỏng. Khéo hơn nhiều là làm sao để bên cạnh chiều cao còn có chiều sâu. Chiều này dường như đang thiếu trên mảnh đất tự hào có 4.000 năm văn hiến.

 

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG