Có phải chuyện trẻ con?
Đi đâu cùng nhau mà có trẻ con phải hết sức kiềm chế mới được! Chị bạn tôi buông ra kết luận sau khi chạm phải nhiều cảnh vô cùng nhạy cảm và khó xử liên quan tới việc “con chị, con tôi”.
Có phải chuyện trẻ con?
Đi đâu cùng nhau mà có trẻ con phải hết sức kiềm chế mới được! Chị bạn tôi buông ra kết luận sau khi chạm phải nhiều cảnh vô cùng nhạy cảm và khó xử liên quan tới việc “con chị, con tôi”.
MH Lap |
1. Vào đợt nghỉ lễ dài ngày, mấy chị em chúng tôi cùng đưa con cái về quê. Tôi một mình coi ngó con gái lớn học lớp 3 và thằng nhóc lên 5 tuổi. Vợ chồng em trai tôi mới có bé gái 3 tuổi, hơi gầy gò nhẹ ký so với tuổi. Lẽ ra kỳ nghỉ đó sẽ thật trọn vẹn nếu như không vì mấy chuyện trẻ con mà gia đình mất vui.
Cả ba đứa con nít đu theo nhau, nghịch phá tanh bành cả ngày. Cu Bi nhà tôi thuộc loại năng động, chơi giỡn mạnh tay, không thể ngồi yên một chỗ được năm phút, lúc nào cũng múa may quay cuồng. Lại thêm cái tật vớ được khúc cây hay món đồ chơi nào cũng dùng làm “đạo cụ” để quăng quật.
Bé Xu con em trai tôi thì ốm yếu, ba mẹ bé luôn sợ con bị té, bị đau. Mà chuyện đó thật ra cũng khó tránh nổi khi lũ trẻ cứ xúm xít, tranh giành, ồn ào như vỡ chợ. Cu Bi cực kỳ thích trêu chọc chị gái và bé Xu. Đỉnh điểm của sự việc là em trai tôi hết kiên nhẫn quát lên: “Bi, cậu nhịn con từ bữa tới giờ rồi đó…”.
Vốn không phải là bà mẹ hay bênh con vô lối nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy ít nhiều khó chịu với câu ấy. Tôi gằn giọng kêu con mình lại gần, dùng đũa bếp đánh vào tay con mấy cái đau điếng. Ai dè em trai tôi đứng gần đó châm thêm dầu vào lửa bằng câu khích bác:
– Đánh nhẹ hều vậy làm sao nó biết sợ!
Cảm giác của tôi là tức điên lên, liền phết thêm cho con mấy cái nữa như… dằn mặt. Tưởng con mình ngoan hiền lắm hay sao cơ chứ! Ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi ngay lúc đấy là vậy. Nó cũng chẳng vừa gì, lúc hai chị em cu Bi đánh nhau, Xu cũng nhào vô phụ một tay chứ tốt lành gì, ba gai và… du côn từ bé đấy thôi!
2. Bé Xu cả ngày chạy giỡn thì không sao, tuy biếng ăn nhưng chẳng ý kiến gì. Thế nhưng ban đêm là bé quấy khóc. Ở nông thôn trong căn nhà nhỏ, tiếng i ỉ ấy khiến không ai ngủ được. Tôi bực mình gắt lên với hi vọng con bé biết sợ mà lăn ra ngủ tiếp. Thế nhưng không mảy may suy suyển gì, Xu vẫn léo nhéo như xe kẹo kéo. Thôi thì đất không chịu trời thì trời đành chịu đất, suốt mấy ngày nghỉ đành sống chung với những đêm chập chờn kiểu con mọn.
Cứ tưởng thế thôi, ai dè em trai tôi để bụng, nhân lúc cả nhà ngồi ăn cơm đã buông một câu rằng “sao bà cứ hoạnh họe con tui hoài vậy”! Tôi bất ngờ trước câu hỏi nửa giỡn nửa thật đó, thật chẳng ngờ mình coi là chuyện thường nhưng với các ông bố bà mẹ cuồng con, đấy lại là thái độ không chấp nhận nổi!
Qua cái lần bị tôi nạt lúc đêm về sáng, con bé ói ra nệm cữ sữa mà phải khó nhọc lắm mẹ Xu mới đút hết cho con. Em trai tôi phát khùng lấy roi quất con tới tấp. Cả nhà ai cũng xót con bé èo uột nhưng chẳng dám can ngăn trước cơn thịnh nộ của người cha vốn xem con như vàng như ngọc…
Không khí trong nhà sau đấy đương nhiên trở nên ngột ngạt hẳn. May mà mối quan hệ của mấy chị em tôi bấy lâu vẫn tốt, nếu không nói là êm thấm. Xa mỏi chân gần mỏi miệng, hay bởi vì nay đã lên chức ba mẹ nên người ta trở nên… nhạy cảm và dễ xót xa, dẫn đến nhiều phản ứng kỳ cục như thế? Sau chuyến đi vui ít buồn nhiều ấy, tôi chạnh nghĩ biết đến khi nào chị em tôi mới có dịp sum vầy cùng nhau như trước nữa, khi ấn tượng xấu mà bọn nhóc là nguyên nhân đã phá hỏng hết mọi thứ…
3. Ở cơ quan tôi, khi đồng nghiệp đi chơi chung có kèm trẻ con, nhiều người cư xử lịch sự tới mức khiến người khác phải ngại ngần. Đó là quan điểm “xảy ra chuyện gì thì đánh con mình trước”. Thế nhưng những đòn roi ấy không hề nhẹ nhàng theo kiểu dạy dỗ mà cứ như thể hiện cho thiên hạ thấy: Tôi vô cùng biết điều đấy nhá, chưa rõ con tôi đúng hay sai, ăn hiếp hay bị ăn hiếp, tôi cứ xử con tôi trước đây này!
Ai trong hoàn cảnh đó mới cảm nhận hết nỗi khổ sở, khó xử của bậc làm cha mẹ của mấy đứa còn lại khi chẳng biết phải làm sao trước tình huống khó đỡ này. Những cuộc tụ họp, du lịch cũng vì thế mà mất vui. Bởi sau khi đánh đòn con theo kiểu dằn mặt ấy, người “động thủ” trong lòng vừa xót con vừa hậm hực. Bọn nhóc thì nem nép, còn mấy ai dám buông cho con trẻ chơi cùng nhau nữa vì sợ đụng chạm, lo lỡ có gì thì lại mất lòng…
Chuyện nhỏ lắm, lặt vặt thế thôi, ngỡ ai cũng hiểu, vậy mà mẹ giận, con tủi, anh em bạn bè trách móc chừa mặt nhau ra đấy…
Làm cha mẹ bây giờ khó lắm, nếu nóng nảy, tự ái hoặc bênh con thái quá, cư xử không khéo là ngay lập tức mất mối quan hệ. Nếu bậc làm cha mẹ nhìn đâu cũng chỉ thấy mỗi con mình, quá lo lắng con bị trầy xước, ăn hiếp lỗ lã này nọ thì rất khó để trẻ hoà đồng chơi với nhau, mà thân tình giữa người lớn có khi cũng bị ảnh hưởng bởi một nguyên nhân vô cùng trẻ con đến buồn cười! |