28/11/2024

Nô lệ thời hiện đại

Ở thế kỷ 21, tại Đông Nam Á vẫn còn những phận người phải sống trong tình cảnh không khác gì những nô lệ thời cổ.

 

Nô lệ thời hiện đại

 

Ở thế kỷ 21, tại Đông Nam Á vẫn còn những phận người phải sống trong tình cảnh không khác gì những nô lệ thời cổ.


 

Cửa khẩu Sadao giữa biên giới Thái Lan và Malaysia hiện là một trong những điểm nóng buôn người trong khu vực - Ảnh: Lam Yên

Cửa khẩu Sadao giữa biên giới Thái Lan và Malaysia hiện là một trong những điểm nóng 
buôn người trong khu vực – Ảnh: Lam Yên

Thời gian qua, bên cạnh tình hình Biển Đông và mối đe doạ tiềm tàng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), số phận của hàng chục ngàn người bị bọn buôn người bắt cóc, dụ dỗ vượt biên hay bị bỏ rơi trên biển là chủ đề vô cùng nóng bỏng tại Đông Nam Á.
Họ bị giam cầm, đánh đập, đói khát đến nỗi phải ăn lá cây, uống nước tiểu của chính mình. Đàn ông bị bán đi lao động khổ sai, làm việc không lương 22 tiếng/ngày trong khi phụ nữ bị hãm hiếp, bán cho các nhà thổ…
Một số vụ việc nổi cộm được giới chức Thái Lan, Malaysia phát hiện có nhiều mộ chôn tập thể chứa xác những nạn nhân bị bọn buôn người sát hại; hay hồi tháng 4, cảnh sát Indonesia đã giải thoát cho hơn 300 nô lệ trên 6 tàu đánh cá tại Benjima. Những người trên tàu cho biết họ không chỉ đói ăn, khát uống mà còn phải làm việc 22 tiếng/ngày, phần lớn được trả công rất thấp hoặc không trả đồng nào.
Thái Lan hiện rất mạnh tay truy quét các đường dây buôn người và tổ chức vượt biên trái phép, bắt giữ nhiều quan chức bị cho là có dính líu, trong đó bao gồm cả một trung tướng quân đội. Trong chuyến thực địa tại tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan, phóng viên Thanh Niên được đại tá Pramote Prom-in, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh an ninh nội địa Vùng 4 Thái Lan, cho biết tình hình an ninh tại các tỉnh miền nam vẫn bất ổn với đủ loại tội phạm và “nạn buôn người, nhập cảnh bất hợp pháp là một trong những loại tội phạm làm chúng tôi đau đầu nhất”.
Ăn lá cây, uống nước tiểu
Cô bé Yasmine, 13 tuổi, thuộc sắc tộc Rohingya, sống tại một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Maungdaw (bang Arakan, Myanmar). Em bị 3 gã đàn ông bắt cóc đưa lên một con tàu đi Malaysia. Chiếc tàu dài khoảng 15 m, có 4 tầng, đàn ông ngồi tầng trên cùng. Yasmine bị nhốt cùng 16 người khác trong một căn phòng nhỏ với cánh cửa luôn bị khoá chặt. “Bọn chúng đưa thức ăn và nước cho tụi em qua cái lỗ nhỏ. Mỗi ngày chỉ được đi vệ sinh một lần”, em kể với giới truyền thông Malaysia.
Để tránh bị truy quét, chiếc tàu lênh đênh trên biển suốt 2 tháng trời và cuối cùng bị bọn buôn người bỏ rơi khi Thái Lan mở đợt truy quét rầm rộ các tàu buôn người trong vùng biển nước này. Khi được giải cứu vào cuối tháng 5.2015, các nạn nhân đã kiệt quệ hoàn toàn.
Cách đây mấy tháng, cảnh sát Thái phát hiện 171 người Bangladesh bị giam giữ trong một khu rừng ở miền nam nước này. Dù đã được giải thoát, nhưng họ vẫn chưa hoàn hồn. Họ ngồi im lặng, nước mắt lăn dài, trên người đầy vết thương bởi những lần tra tấn. Tất cả những câu chuyện đều tương tự nhau: được những kẻ môi giới hứa hẹn một công việc tốt rồi bị bắt cóc làm nô lệ.
Nạn nhân Abdurrahim, 18 tuổi, quê ở Bogra (phía bắc Bangladesh) không thể đi được vì những trận đòn tàn ác của bọn buôn người. Theo BBC, Abdurrahim theo một người môi giới với lời hứa giới thiệu công việc ở Thái Lan hoặc Malaysia với mức lương khoảng 6 USD/ngày. Tuy nhiên, em bị trói lại, tống lên tàu và bị đánh đập liên tục mỗi khi tỏ ý phản kháng. Sau 7 ngày lênh đênh, bọn chúng đưa Abdurrahim đến khu lán trại trong rừng và nhốt em tại đây. “Tụi em bị đánh thường xuyên, không được cho ăn, đói quá phải bứt lá cây nhai cầm hơi”, Abdurrahim kể.
Địa ngục trần gian
Giới chức Thái Lan cho Thanh Niên hay bọn buôn người thường lợi dụng vùng núi ở tỉnh Songkhla (gần biên giới Malaysia) để dựng những khu lán trại tạm thời cho những người Rohingya và Bangladesh. Tại đây, các nạn nhân bị giam hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời cho đến khi người nhà nộp tiền chuộc hoặc khi bọn chúng tìm được mối “mua hàng”.
Tại khu vực này hồi đầu tháng 5, cảnh sát Thái phát hiện 33 thi thể tại một khu lán trại ở quận Sadao, tỉnh Songkhla. Kết quả khám nghiệm cho thấy những người này chết do bệnh hoặc bị đói. Vài tuần sau, đến lượt cảnh sát Malaysia phát hiện 139 hố chôn tập thể tại 28 lán trại của bọn buôn người cách biên giới phía bắc nước này chưa đầy 1 km. Nhiều người tình nghi những khu vực này là “lò giết mổ” lấy nội tạng.
Rohima Khatun (25 tuổi, người Rohingya) được tìm thấy sau khi trốn thoát khỏi một khu lán trại của bọn buôn người gần thị trấn Padang Besar, cũng thuộc tỉnh Songkhla. Cô cho biết đã bị nhốt trong rừng khoảng 4 tháng cùng 400 người Rohingya và Bangladesh. “Tôi bị đánh nhiều lắm. Cùng đi với tôi có đứa con gái 10 tuổi, nhưng bây giờ số phận của nó thế nào tôi cũng không biết”, cô vừa kể vừa khóc thảm thiết.
(Còn tiếp)
Rohingya là sắc dân Hồi giáo thiểu số ở bang Rakhine, miền tây Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền Myanmar xem 1,3 triệu người Rohingya là người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp nên không công nhận quyền công dân. Trong khi đó, phần lớn dân nghèo tại Bangladesh có thu nhập chưa đến 5 USD/ngày.
Ngược lại, Malaysia là đất nước Hồi giáo có mức sống cao hơn nhiều lần (GDP bình quân đầu người hơn 12.000 USD/năm) nên rất nhiều người Rohingya và Bangladesh dễ dàng gật đầu trước những “miếng mồi” của bọn buôn người.

 

Lam Yên 
(Văn phòng Bangkok)