11/01/2025

Toà giao việc thi hành án cho… ngành thuế!

Dù không có chức năng thi hành án nhưng Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột lại được TAND tỉnh Đắk Lắk giao thu hồi số tiền hơn 3,4 tỉ đồng trong một vụ án hình sự.

 

Toà giao việc thi hành án cho… ngành thuế!

Dù không có chức năng thi hành án nhưng Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột lại được TAND tỉnh Đắk Lắk giao thu hồi số tiền hơn 3,4 tỉ đồng trong một vụ án hình sự.


 

Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột - nơi được tòa án giao thi hành án - Ảnh: trung tân
Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột – nơi được toà án giao thi hành án – Ảnh: trung tân

Do “giao việc không đúng người” nên bản án có hiệu lực hơn hai năm nhưng việc thu hồi tiền vẫn giậm chân tại chỗ.

Ngày 10-6, ông Trần Văn Ánh – chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự, TAND và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk trình bày những khó khăn trong việc thi hành bản án này.

“Cán bộ sai sót, sao bắt người dân chịu”

Không thể thực hiện việc thu thuế

Theo ông Trần Văn Ánh, một trong những khó khăn khác là tòa án giao thu hồi lệ phí trước bạ nhưng không cung cấp danh sách những đầu xe có giấy tờ làm giả nên đơn vị không thể thực hiện việc thu thuế. Chi cục nhiều lần có công văn sang toà án, PC67 đề nghị cung cấp danh sách này nhưng không được đáp ứng.

“Đơn vị cũng từng đề nghị PC67 thu hồi những cà vẹt đã cấp cho những ôtô chưa thực hiện việc nộp lệ phí trước bạ để khách hàng thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên PC67 không chấp nhận yêu 
cầu này” – ông Ánh giãi bày.

Trước đó, từ tháng 11-2011 đến tháng 6-2012, Đoàn Phúc Thành (26 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột) liên hệ với nhân viên bán hàng của các công ty kinh doanh ôtô trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột nói là có thể làm hồ sơ nộp lệ phí trước bạ với chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn.

Với mỗi hồ sơ, Thành hứa sẽ cho những nhân viên này được hưởng lợi từ 10 – 20% trên tổng chi phí. Tin lời, nhiều nhân viên của các doanh nghiệp như Công ty TNHH ôtô Hyundai Hoàng Việt, Duy Anh, Thành Trung… tập hợp 84 bộ hồ sơ của khách hàng để làm lệ phí trước bạ.

Sau khi nhận hồ sơ, Thành dùng năm con dấu, giấy tờ đã làm giả của Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước TP Buôn Ma Thuột để hoàn tất hồ sơ “đã nộp lệ phí trước bạ”.

Tiếp đó, Thành mang những bộ hồ sơ này đến Phòng cảnh sát giao thông (PC67) Công an tỉnh Đắk Lắk để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe (cà vẹt), mọi việc đều trót lọt.

Mãi đến khi một số khách hàng chuyển nhượng ôtô cho người khác thì cơ quan chức năng mới phát hiện, 
Thành bị khởi tố điều tra.

Ngày 22-11-2013, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Thành 18 năm tù giam về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Bị cáo còn phải bồi thường cho 16 cá nhân, tổ chức số tiền hơn 4,8 tỉ đồng (bị cáo và người liên quan khác đã tự nguyện nộp một số tiền).

Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong bản án là việc TAND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột thu hồi số tiền của nhiều cá nhân, doanh nghiệp (bị hại, nguyên đơn dân sự) số tiền hơn 3,4 tỉ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước TP Buôn Ma Thuột.

Số tiền này do các doanh nghiệp bán ôtô đã thu của khách hàng rồi giao cho Thành nhưng bị lừa đảo, chiếm đoạt. Các doanh nghiệp có trách nhiệm “trả trước”, sau đó bị cáo Thành bồi thường sau.

Ông Trần Văn Ánh cho rằng việc thu hồi tiền lừa đảo trong một vụ án hình sự nhưng toà lại giao cho chi cục thuế thực hiện là không khả thi, làm khó đơn vị.

“Chi cục thuế là đơn vị thực hiện việc thu thuế, không có chức năng thi hành án. Vì vậy bản án có hiệu lực hơn hai năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện” – ông Ánh nói.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh ôtô bị truy thu hơn 2 tỉ đồng tiền thuế khẳng định “sẽ không nộp số tiền này”.

Vị giám đốc này cho rằng các cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo khiến Đoàn Phúc Thành dễ dàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ người dân, doanh nghiệp, nay toà lại buộc doanh nghiệp trả thêm một lần tiền nữa là quá vô lý.

“Chúng tôi đã chuyển tiền cho Thành và thực tế khách hàng đã nhận được cà vẹt xe. Việc Thành dùng các thủ đoạn lừa đảo, qua mặt Nhà nước là trách nhiệm của các cán bộ thực thi, sao lại đổ cho người dân, doanh nghiệp?” – giám 
đốc này thắc mắc.

Ngành thuế vẫn có thể “thi hành án” (?)

Trung tá Ngô Văn Cường, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện PC67 đã ngăn chặn việc sang nhượng quyền sở hữu đối với 84 ôtô chưa nộp lệ phí trước bạ theo đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra.

Như vậy, khi chủ sở hữu những chiếc xe này muốn chuyển nhượng thì phải nộp lệ phí trước bạ cho Nhà nước.

“Ngành thuế cũng có văn bản xin danh sách 84 hồ sơ xe mà bị cáo Thành đã lừa đảo, tuy nhiên đây là trách nhiệm của toà án” – ông Cường nói.

Về việc ngành thuế có văn bản đề nghị PC67 phối hợp thu hồi cà vẹt 84 chiếc xe, ông Cường cho biết “không thể thực hiện”.

“Khi nhận văn bản, chúng tôi cử cán bộ qua chi cục thuế nhằm tìm giải pháp thu thuế tốt hơn nhưng chưa đi đến thống nhất, sau đó không thấy ngành thuế liên lạc lại nữa. Hơn nữa, việc truy thu tiền thuế là quan hệ dân sự, không nên dùng biện pháp cưỡng chế” – 
ông Cường phân tích.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, thẩm phán chủ tọa phiên toà nói trên khẳng định “ngành thuế vẫn có thể thực hiện việc thu hồi tiền thuế cho ngân sách”. Vị này cho biết thực tế các doanh nghiệp bị Đoàn Phúc Thành lừa là những bị hại trong vụ án.

Tuy nhiên, do họ có các hợp đồng, cam kết hoàn thiện hồ sơ khi khách hàng mua xe nên phải chịu trách 
nhiệm trả tiền.

Về lý do “giao việc không đúng chức năng”, thẩm phán này cho hay vì tiền truy thu liên quan đến thuế trước bạ nên hội đồng xét xử mới giao cho ngành thuế. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng là bị hại nên việc giao cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành cũng có phần không hợp lý.

“Chi cục thuế có thể làm văn bản yêu cầu thi hành án phần dân sự gửi cục thi hành án dân sự để phối hợp thực hiện bản án. Chúng tôi cũng đang cho sao lục danh sách chủ sở hữu 84 ôtô chưa nộp lệ phí trước bạ để ngành thuế thuận lợi hơn trong việc truy thu thuế” – vị thẩm 
phán này nói.

Giao việc không trúng, bản án không nghiêm

Luật sư Đàm Quốc Chính, giám đốc Công ty luật Chính Nhân chi nhánh Tây nguyên, cho rằng toà án giao việc thi hành án (phần dân sự) cho một cơ quan không có chức năng (chi cục thuế) khiến sự việc trở nên bế tắc.

Theo luật sư Chính, ngành thuế chỉ có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo các luật về thuế, không thể cưỡng chế tài sản để thi hành án.

“Việc yêu cầu thu hồi số tiền bị lừa đảo đúng ra phải giao cho cơ quan thi hành án dân sự – nơi có chức năng cưỡng chế tài sản để thi hành án – thì sẽ hợp lý hơn.

Vì tòa “giao việc không đúng người” khiến bản án được thực thi không nghiêm và gây khó khăn cho các đơn vị khác. Hơn nữa, trước đến nay toà án chẳng bao giờ “giao việc” tréo ngoe như vậy” – luật sư Chính bình luận.

 

TRUNG TÂN