28/11/2024

Công dân phải được quyền đặt tên tuỳ thích

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã không tán thành quy định tại khoản 3 – Điều 26 dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, định ra các quy tắc đặt tên của công dân.

 

Công dân phải được quyền đặt tên tuỳ thích

 

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã không tán thành quy định tại khoản 3 – Điều 26 dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, định ra các quy tắc đặt tên của công dân.


 

 

Với tình yêu dành cho bóng đá, có người cha đã đặt tên hai con là Nguyễn Pê Lê và Nguyễn La Tô - Ảnh: Quang Định
Với tình yêu dành cho bóng đá, có người cha đã đặt tên hai con là Nguyễn Pê Lê và Nguyễn La Tô – Ảnh: Quang Định

Ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – đã lý giải cho quan điểm này: “Việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Luật phải tôn trọng quyền con người

Do đó, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thấy rằng nên để công dân được mang cái tên mà cha mẹ mong muốn đặt cho. Điều này còn nhằm đảm bảo thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Trước đó, trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, ban soạn thảo đã quy định tại khoản 3 Điều 26 “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”.

Riêng với quy định cho phép trẻ em dưới 14 tuổi được quyền thay đổi tên và chữ đệm, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị bỏ. Vì cho rằng độ tuổi này các em đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý.

Quốc hội sẽ họp 3 kỳ trong năm 2016

Khác với chương trình làm việc thông lệ hằng năm, ông Nguyễn Hạnh Phúc - chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho biết năm 2016 Quốc hội sẽ có ba kỳ họp. Cụ thể:

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, sẽ tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát. Tại kỳ họp này dự kiến tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát một chuyên đề.

Thừa nhận chuyển đổi giới tình: phải thận trọng!

Ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – đã nêu quan điểm như vậy trong báo cáo thẩm tra Bộ luật dân sự sửa đổi. Theo ông Phan Trung Lý: “Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh.

Chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam… Do đó vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”.

Ông Phan Trung Lý cho rằng dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

“Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới” – ông Phan Trung Lý nói.

VIỄN SỰ