28/11/2024

Lừa đảo hàng tỉ đồng, vì sao không khởi tố?

Nhiều người dân ở TP Vũng Tàu đã cho vợ chồng bà Trần Thị Liễu cùng chồng vay nhiều tỉ đồng. Vợ chồng bà Liễu có biểu hiện lừa đảo hàng tỉ đồng.

 

Lừa đảo hàng tỉ đồng, vì sao không khởi tố?

 

Nhiều người dân ở TP Vũng Tàu đã cho vợ chồng bà Trần Thị Liễu cùng chồng vay nhiều tỉ đồng. Vợ chồng bà Liễu có biểu hiện lừa đảo hàng tỉ đồng.


 

Vợ chồng anh Nguyễn Phương Thái và chị Từ Minh Cơ Lệ đang trình bày sự việc bị lừa đảo - Ảnh: Đông Hà
Vợ chồng anh Nguyễn Phương Thái và chị Từ Minh Cơ Lệ đang trình bày sự việc bị lừa đảo – Ảnh: Đông Hà

Nhiều người dân ở TP Vũng Tàu đã cho bà Trần Thị Liễu cùng chồng là Vòng Kỷ Dần (ngụ xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vay nhiều tỉ đồng. Nhưng cơ quan chức năng lại cho rằng sự việc “chỉ là thoả thuận, giao dịch dân sự” nên không khởi tố vụ án để điều tra.

Vợ chồng anh Bùi Văn Bản – chị Chu Thị Yến (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thắng Nhất, TP Vũng Tàu) kể lại vào đầu năm 2013, họ có quen biết bà Trần Thị Liễu và chồng là Vòng Kỷ Dần. Quá trình quen biết, bà Liễu tự giới thiệu mình là chủ ghe cá đánh bắt hải sản tại Bình Thuận, đồng thời mời vợ chồng anh Bản ra La Gi (Bình Thuận) để “giới thiệu ghe”, giới thiệu kho đông lạnh chứa mực, đồi phơi mực của Liễu.

Tại đây, khi đi ra Hòn Bà chơi bằng ghe, vợ chồng anh Bản được người phụ nữ tên M. nói rằng “đây là ghe của chị Liễu”. Người phụ nữ này còn nói mình là “người làm công cho chị Liễu”.

Màn kịch vay tiền

Đến tháng 8-2013, bà Liễu đề nghị vợ chồng anh Bản cho vay tiền để mua thêm ghe, đổ dầu, mua hàng đi đánh bắt hải sản và hứa sẽ trả cả vốn lẫn lãi trong vòng một tuần. Tin tưởng, vợ chồng anh Bản đã gom tiền của mình cũng như vay thêm của anh em, bạn bè cho bà Liễu vay số tiền hơn 1 tỉ đồng và 36 chỉ vàng SJC.

Thế nhưng, một tháng sau bà Liễu không trả tiền và cứ khất lần với đủ lý do như mực chưa bán được, ghe đi đánh bắt hải sản bị Indonesia bắt giữ… Đến bây giờ bà Liễu vẫn chưa trả số tiền đã vay của vợ chồng anh Bản.

Tương tự như vợ chồng anh Bản, chị Từ Minh Cơ Lệ (trú đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thắng Nhất, TP Vũng Tàu) cho biết ban đầu bà Liễu mượn của chị hơn 300 triệu đồng để trả lương cho nhân viên và có trả lãi hằng tháng. Sau đó, bà Liễu nói cần tiền để đóng thêm ghe đi biển nên tiếp tục hỏi vay chị Lệ và hứa sẽ trả trong vòng 10 ngày. Tổng cộng, trong tháng 4-2014, chị Lệ đã cho bà Liễu vay 900 triệu đồng.

Thế nhưng sau đó, bà Liễu không trả tiền đúng hẹn và cũng nại đủ lý do như trên. Trong khi đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức – chị Đặng Thị Tuyết (ngụ đường Bình Giã, P.Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) cho bà Liễu vay 470 triệu đồng, 1 lượng vàng SJC không tính lãi đến nay bà Liễu cũng chưa trả. Chị Bùi Thị Lan (trú đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thắng Nhất) cho bà Liễu mượn 840 triệu đồng và 100 USD. Tổng cộng bà Liễu đã vay của bốn gia đình trên số tiền hơn 3,5 tỉ đồng và 36 chỉ vàng.

Theo trình bày của các nạn nhân, sở dĩ họ tin tưởng và cho bà Liễu vay tiền là do màn kịch quá hoàn hảo của bà này. Đó là lần lượt họ được bà Liễu mời ra Bình Thuận chơi để thấy ghe, hỏi thì có người xác nhận “là ghe chị Liễu”, “là người làm công cho chị Liễu”. Bà Liễu còn chỉ kho lạnh chứa mực một nắng, đồi phơi mực của mình…

Khi sự việc vỡ lở, hỏi ra mới biết bà Liễu không hề có chiếc ghe đánh bắt hải sản cũng như kho lạnh, đồi phơi mực hay làm nghề liên quan đến đánh bắt hải sản. Theo những chủ nợ này, số tiền họ cho bà Liễu vay không phải là tiền của chính mình mà có tiền đi vay mượn lại của bà con, bạn bè. Nay chính họ lại bị nhiều người khác ráo riết đòi nợ.

Chỉ là giao dịch dân sự?

Sau khi bị lừa, các nạn nhân đã có đơn tố cáo bà Trần Thị Liễu ra cơ quan công an. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cơ quan công an đã xác minh và cho đối chất giữa những người cho vay và bà Liễu. Tại cơ quan công an, bà Liễu đã xác nhận số nợ hơn 3,5 tỉ đồng, 36 chỉ vàng của năm người nêu trên.

Tháng 1-2015, các nạn nhân nhận được thông báo kết quả giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu “việc những người trên cho bà Trần Thị Liễu, ông Vòng Kỷ Dần vay tiền là sự thỏa thuận, tự nguyện giữa hai bên”.

Và nếu hai bên không tự thỏa thuận được, đề nghị liên hệ với toà án để giải quyết. Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ban đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng “bà Liễu có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, quan điểm của Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại cho rằng “hành vi của bà Liễu không cấu thành tội phạm” và “chỉ là giao dịch dân sự”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Đầy, viện trưởng Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết hiện cơ quan này đang xem xét lại hồ sơ vụ việc và từng vụ việc cụ thể để trả lời cho những người trên.

Luật sư Trương Xuân Tám 
(phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):

Dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá rõ ràng

Với những tình tiết cụ thể của vụ việc thì rõ ràng bà Trần Thị Liễu đã có những hành vi gian dối ngay từ đầu, nhằm làm cho các nạn nhân bị nhầm lẫn, nên đã tin tưởng không đúng về mục đích “vay” tiền, sử dụng tiền, về khả năng tài chính, trả nợ của mình.

Từ đây dẫn đến việc vợ chồng anh Bản – chị Yến và một số người khác đã bị bà Liễu chiếm đoạt tài sản, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Trần Thị Liễu đã có các dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự. Điều 139 Bộ luật hình sự quy định rõ: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…” là phạm vào tội này.

Nếu các nạn nhân không đồng ý với kết luận không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo lên cơ quan điều tra, viện KSND cấp trên để yêu cầu làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

ĐÔNG HÀ