Cầu yếu “giết chết” đường

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM được làm cho các loại ôtô lưu thông, kể cả xe tải nặng, nhưng do cầu yếu nên xe không qua được khiến đường “chết” và gây ùn tắc tuyến đường lân cận.

 

Cầu yếu “giết chết” đường

 

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM được làm cho các loại ôtô lưu thông, kể cả xe tải nặng, nhưng do cầu yếu nên xe không qua được khiến đường “chết” và gây ùn tắc tuyến đường lân cận. 

 

 

Cầu Phước Lộc đã xuống cấp, trọng tải còn 0,5 tấn nên ôtô không qua được - Ảnh: N.A.
Cầu Phước Lộc đã xuống cấp, trọng tải còn 0,5 tấn nên ôtô không qua được – Ảnh: N.A.

Tuyến đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (đường vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) cho xe tải trọng 30 tấn lưu thông, nhưng có hai đoạn đường cắt ngang đường Mai Bá Hương và Võ Hữu Lợi lại cắm biển báo tải trọng 6 tấn…

Cầu yếu gây nhiều ách tắc

Anh Nguyễn Văn Năm, một tài xế thường xuyên đi qua tuyến đường nói trên, cho rằng biển báo như vậy không hợp lý vì một xe đang chở 30 tấn hàng hoá không thể dừng giữa đường để hạ tải xuống 6 tấn rồi đi tiếp.

Còn Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 giải thích do trên đoạn đường nói trên có cầu Kênh B và cầu Kênh A chỉ cho xe tải trọng 13 tấn qua nên để phục vụ người dân trong khu vực đi lại thì việc lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng 6 tấn là phù hợp.

Không hài lòng với cách cắm biển báo giao thông trên, anh Năm cho rằng việc duy trì  cầu yếu không những gây ách tắc lưu thông hàng hoá mà còn tạo điều kiện cho nhân viên chức năng kiểm tra xe qua cầu có hành vi tiêu cực.

Tương tự, cầu Tân Kỳ – Tân Quý (Q.Bình Tân) chỉ cho xe có tải trọng 5 tấn lưu thông khiến nhà máy, xí nghiệp trong khu vực Q.Tân Phú và Bình Tân nằm trong khu vực cầu yếu này gặp nhiều trở ngại về vận chuyển hàng hoá.

Một số doanh nghiệp cho biết thuê xe nhỏ vận chuyển hàng hóa thì chi phí tăng cao.

Ông Vũ Viết Giáp, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần Vận tải ôtô số 2-TP.HCM, cho biết doanh nghiệp có bãi đậu xe nhưng nhiều xe có tự trọng (trọng lượng chiếc xe chưa chở hàng) nặng trên 5 tấn cũng không thể ra vào bãi đậu thì làm sao vận chuyển hàng hóa.

Các xe buộc phải chạy đường vòng nhiều kilômet ra quốc lộ 1 rồi rẽ về đường Trường Chinh vào đường Tân Kỳ – Tân Qúy lại gặp kẹt xe nặng nề ở giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ – Tân Quý…

Đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú và Q.Bình Tân, đã mở rộng 30m cho sáu làn xe lưu thông vào năm 2009) dài khoảng 4km nhưng còn một đoạn khoảng 500m, rộng 7m chưa thi công.

Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết đoạn đường này thuộc dự án xây dựng cầu Bưng thay cho tuyến cống đặt dưới mặt đường này – mà nhiều người gọi là cầu Bưng yếu.

Do đường qua đoạn cầu Bưng yếu “thắt cổ chai” nên thường xuyên bị kẹt xe khiến nhiều người từ Q.Bình Tân, Bình Chánh phải đi quốc lộ 1 vào đường Trường Chinh gây áp lực giao thông trên đường Trường Chinh tăng cao, thay vì đi đường Lê Trọng Tấn.

Cầu Phước Lộc ở xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) “ốm yếu”, tải trọng chỉ còn 0,5 tấn. Hiện cầu này đã hoen gỉ và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nên Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà đã bố trí trạm trực gác ở chân cầu và đóng cọc giữa đầu cầu để không cho ôtô qua cầu.

Vì chiếc cầu yếu này mà nhiều bà con ở xã Phước Lộc phải chở người thân đi bệnh viện bằng xe máy (nếu đi bằng xe cứu thương hoặc taxi phải đi đường vòng xa hơn 6-7 km).

Nguy cơ sập cầu

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1-TP.HCM, tại các quận nội thành vẫn còn 12 cầu không đồng bộ với tải trọng đường. Trong đó, một số cầu được xây dựng từ lâu, có tải trọng khai thác thấp.

Cụ thể, cầu Bà Hom tải trọng 13 tấn, cầu Mỹ Thuận 8 tấn, cầu Dập 13 tấn, cầu Bà Tiếng 13 tấn. Trong đó cầu Bà Hom nằm trên tỉnh lộ 10 – tuyến đường chính nối từ TP.HCM đi Long An (Đức Hoà – Đức Huệ) và ngược lại nên tình trạng xe quá tải trọng qua cầu còn tương đối phổ biến.

Đặc biệt, cầu Tân Kỳ – Tân Quý có tải trọng 5 tấn được xây dựng trước năm 1975 đến nay đã xuống cấp, dù có biển báo nhưng nhiều xe tải trên 5 tấn vẫn cố tình vượt cầu.

Tệ hơn, trên tuyến đường Lê Văn Lương (Nhà Bè, Q.7) có các cầu Rạch Đĩa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi chỉ có tải trọng 1 – 2 tấn đã xuống cấp nghiêm trọng.

Các cầu này có kết cấu bằng sắt đã hoen gỉ, khả năng chịu lực kém, trong khi việc duy tu bảo dưỡng hằng năm cũng chỉ nhằm hạn chế cầu xuống cấp. Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 cho biết do cầu yếu và mặt cầu hẹp nên chỉ cho loại xe nhỏ và xe máy lưu thông.

Vào giờ cao điểm, tại các cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến việc đi lại và lưu thông hàng hoá.

Theo ông Lê Hồng Việt – phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, các đơn vị trực thuộc đã tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra xe quá tải qua cầu để không xảy ra sự cố sập cầu.

Thành phố cũng cố gắng trong năm nay đạt mục tiêu mà Bộ Giao thông vận tải yêu cầu là chấm dứt tình trạng xe chở quá tải cầu, đường và quá tải thiết kế xe. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng hiện nay trên nhiều tuyến đường vẫn chưa được đầu tư hệ thống kiểm tra tự động để kiểm soát từ xa các xe vi phạm.

Và hiện nay cũng có quá nhiều cầu yếu trên các tuyến đường nên lực lượng chức năng không thể cắm chốt thường xuyên ở các cầu yếu.

Trong khi đó, các đội trực cầu yếu của Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà cũng chỉ hướng dẫn xe quá tải không qua cầu chứ không ngăn chặn được những xe cố tình vi phạm.

Thiếu vốn

Theo các đơn vị quản lý cầu, việc chậm xây cầu mới thay cầu yếu chủ yếu do thiếu vốn. Cụ thể cách đây 14 năm, UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Đĩa (Q.7) là 40,8 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa có vốn đầu tư và tổng mức đầu tư tăng lên 326 tỉ đồng!

Tương tự, cầu Long Kiểng được phê duyệt năm 2001 là 40,7 tỉ đồng, nay vẫn chưa được cấp vốn, trong khi tổng mức đầu tư dự kiến tăng lên 435,6 tỉ đồng!

Việc chậm trễ đầu tư xây dựng cầu mới còn do chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, năm 2005 UBND TP giao Công ty Quản lý công trình cầu phà TP làm chủ đầu tư dự án xây cầu Rạch Dơi mới thay cầu cũ, đến năm 2007 TP lại giao cầu này về Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư.

Năm 2002, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư dự án xây cầu Rạch Tôm mới, đến năm 2007 thành phố lại giao dự án này về Khu Quản lý giao thông đô thị số 4.

Hiện nay hầu như việc khắc phục cầu yếu chủ yếu trông đợi vào vốn ngân sách nên việc huy động nguồn vốn ngoài vốn ngân sách để xây cầu mới thay cầu yếu được các nhà đầu tư rất quan tâm. 

NGỌC ẨN