Tranh luận phương án Thủ tướng được đề xuất trưng cầu ý dân
Sau nhiều lần trì hoãn, dự án luật Trưng cầu ý dân lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ hôm qua đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Tranh luận phương án Thủ tướng được đề xuất trưng cầu ý dân
Sau nhiều lần trì hoãn, dự án luật Trưng cầu ý dân lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ hôm qua đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
“Dân quyết thì phải chịu”
Đa số ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ việc phải sớm ban hành luật Trưng cầu ý dân (TCYD) để hiện thực hoá quy định trong Hiến pháp. Theo điều 6 của dự án luật này, QH sẽ TCYD về “Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác”. ĐB Lâm Lệ (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu những vấn đề quan trọng khác ở đây là gì. Nếu không căn cứ theo nội dung Hiến pháp vào vấn đề nào, hoàn cảnh nào phải TCYD, sẽ không rõ trách nhiệm của QH trong những công việc TCYD, không đảm bảo quyền tham gia của người dân với những vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, điều 6 dự thảo luật nên cụ thể hoá ra”.
ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) nói: “Dự thảo nên quy định rõ hơn những vấn đề quan trọng cần TCYD như các vấn đề về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, những vấn đề quan trọng của quốc gia mà QH cho rằng cần TCYD”. “Ví dụ như quyết định những án nào là án tử hình hay tuổi bầu cử là bao nhiêu thì dân quyết được không?”, ĐB này hỏi và tự trả lời: “Được chứ, dân quyết thì phải chịu. Tôi nghĩ, những vấn đề quan trọng của quốc gia mà về thẩm quyền QH thấy cần đưa ra cho dân quyết thì đều có thể đưa ra TCYD”. Tuy nhiên, ĐB Long cũng đề nghị bổ sung vào những vấn đề không cần TCYD là “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, vì không ai có thể có ý kiến khác được.
ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) cảnh báo: “Chúng ta cũng phải cẩn thận xem những vấn đề gì phải lấy ý kiến nhân dân. Ví dụ, vấn đề lãnh thổ có đưa ra lấy ý kiến nhân dân không. Tôi nghĩ cần thận trọng. Ví dụ, năm 2014 việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển VN, khi ấy nếu lấy ý kiến TCYD thì coi chừng chiến tranh đấy. Vì lúc đó đa số yêu cầu đòi đánh. Do đó những vấn đề đưa ra phải do QH quyết định”.
“Chính phủ đề xuất rồi thì không cần ghi Thủ tướng”
Nhiều ĐB cũng có ý kiến khác nhau về chủ thể có quyền đề xuất vấn đề cần TCYD. Dự thảo đưa ra 2 phương án về cơ quan đề xuất. Phương án 1: Chính phủ, Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ QH, 1/3 số ĐBQH; phương án 2: các chủ thể như phương án 1 nhưng thêm Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN.
ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng: “Phương án 2 hợp lý hơn vì MTTQ là nơi thể hiện tiếng nói của dân, cũng là một kênh thông tin quan trọng”. ĐB Trần Đình Long cũng phân tích: “Theo tôi, càng mở rộng đối tượng được đề xuất càng tốt. Vấn đề là đề xuất đó có lý lẽ, cơ sở khoa học, thực tiễn thế nào để trên những cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ QH thẩm tra rồi trình QH cho ý kiến. Chứ thu hẹp lại đối tượng đề xuất là không tốt. Vì chỉ tập trung ở một số cơ quan sẽ không có góc nhìn đa dạng”.
Tuy cũng đồng tình với phương án 2 nhưng không ít ĐB không đồng tình đưa quy định Thủ tướng có quyền đề xuất vấn đề TCYD. ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) nói: “Phương án 2 không cần đưa thêm Thủ tướng vào vì quy định Chính phủ đề xuất TCYD việc gì là trong đó có Thủ tướng rồi”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) có ý khác: “Tôi cho là Thủ tướng với vai trò điều hành nhà nước, thấy có những vấn đề cần nhưng chưa chắc tất cả các thành viên Chính phủ ủng hộ thì có đề nghị. Mà không chỉ có Thủ tướng, tôi thấy, người dân cũng có quyền đề nghị TCYD”, ĐB Tâm nói. “Dân yêu cầu, bao nhiêu phần trăm thì được, bằng cách nào thì được nhưng tôi chưa nghĩ ra nhưng tôi muốn có điều này”, ĐB Tâm bày tỏ quan điểm.
Về cơ quan có quyền đề nghị TCYD, Bí thư Thành uỷ TP.Hà Nội Phạm Quang Nghị đồng ý như dự thảo, tức là chỉ những cơ quan, tập thể mới có quyền này chứ không phải là cá nhân, mặc dù có thể cá nhân ấy có quyền hạn rất lớn như Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ. Vì thể chế chính trị của chúng ta là tập trung dân chủ.
Có nên chế tài đối với tình trạng bầu hộ? Sáng 3.6, QH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND vẫn còn chung chung chưa cụ thể, nhất là trình độ văn hoá, chuyên môn. Theo bà, ngoài những tiêu chuẩn chung nên có những tiêu chuẩn riêng cho người ứng cử. Vì QH là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi ĐBQH phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá. Đối với ĐB HĐND, cũng cần có thêm tiêu chuẩn riêng về trình độ, chuyên môn. Tán đồng với việc để đảm bảo bình đẳng giới cần có quy định tỷ lệ phần trăm người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND là nữ, thành phần dân tộc… Tuy nhiên ĐB Yến cũng cho rằng cần cân nhắc, không vì chuyện “cơ cấu, thành phần” mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. ĐB Yến nói thêm nguyên tắc xác định người trúng cử trong trường hợp có số phiếu bằng nhau, người nhiều tuổi hơn là người trúng cử là chưa hợp lý. Nếu số phiếu bằng nhau cần xem xét nhiều tiêu chí khác nhau như trình độ học vấn, độ tuổi, chuyên môn, kinh nghiệm công tác và nên giao cho Uỷ ban Bầu cử quyết định để đảm bảo chặt chẽ, bao quát. ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) bày tỏ không đồng tình với ý kiến đề nghị cần có chế tài đối với tình trạng bầu thay, bầu hộ. Theo ĐB Đức không thể vì mục đích nhằm đạt chỉ tiêu bầu cử mà thúc ép cử tri đi bầu cử, việc này sẽ vi phạm đến quyền bầu cử của công dân. Để khắc phục tình trạng này thì các cơ quan, tổ chức liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân để nhận thức đúng quyền, cũng như trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Trường Sơn |
Mạnh Quân – Trường Sơn – Tuyết Mai