Khi người bệnh được chia sẻ
Các buổi nói chuyện này giải quyết đủ loại thắc mắc của người nhà bệnh nhân và là cơ hội để bệnh viện hiểu hơn từng hoàn cảnh người bệnh.
Khi người bệnh được chia sẻ
Các buổi nói chuyện này giải quyết đủ loại thắc mắc của người nhà bệnh nhân và là cơ hội để bệnh viện hiểu hơn từng hoàn cảnh người bệnh.
Lãnh đạo khoa chăm sóc giảm nhẹ và điều trị tích cực Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hướng dẫn kỹ năng chăm sóc người bệnh cho người nhà bệnh nhân – Ảnh: Trường Trung |
Tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ngoài các cuộc họp hội đồng người bệnh cấp bệnh viện hằng tháng, để phục vụ người bệnh tốt hơn, ở các khoa đều tổ chức các cuộc họp sinh hoạt người nhà bệnh nhân hằng tuần.
Các buổi nói chuyện này giải quyết đủ loại thắc mắc của người nhà bệnh nhân và là cơ hội để bệnh viện hiểu hơn từng hoàn cảnh người bệnh.
1.001 thắc mắc
Thứ năm hằng tuần, tại phòng sinh hoạt khoa chăm sóc giảm nhẹ và điều trị tích cực Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đều đặn diễn ra buổi nói chuyện giữa lãnh đạo khoa với người nhà bệnh nhân. Bắt đầu cuộc họp, lãnh đạo khoa thông qua tình hình tuần qua rồi mời góp ý kiến. Các nội dung xoay quanh vấn đề: nội quy, quy chế sinh hoạt khoa, phòng; ứng xử giữa bác sĩ, nhân viên với bệnh nhân; kế hoạch chăm sóc bệnh nhân…
Dù mệt mỏi vì phải “thường trú” với người thân đang nằm viện nhưng khi được mời tham gia, nhiều người vẫn hăng hái đứng lên góp ý. “Thưa bác sĩ! Nhà tui bị rụng răng, tuần qua cái răng còn lại của hàm trên cắm phập vào lợi hàm dưới gây đau đớn. Tui có báo với bác sĩ điều trị nhưng chưa thấy xử lý, thành ra tui đưa một người quen làm nha khoa vào nhổ răng giúp. Bác sĩ qua thấy thì nhắc nhở tôi, xin hỏi bác trưởng khoa như thế là đúng hay sai?” – một người nhà bệnh nhân đứng lên phát biểu.
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, trưởng khoa, giải thích: “Các bệnh nhân vào đây thì bác sĩ có trách nhiệm điều trị. Bác đưa người ngoài vào, tác động tới tình hình sức khỏe người bệnh mà chưa có ý kiến bác sĩ điều trị là chưa đúng. Trường hợp này có thể cách phối hợp giữa bác sĩ và người nhà chưa tốt. Tôi sẽ nhắc nhở lại bác sĩ điều trị rút kinh nghiệm phối hợp tốt hơn”.
Cười nhiều hơn Bà Trần Thị Đắc, vợ ông Nguyễn Thanh Xuân (71 tuổi, Đà Nẵng, là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối), đề nghị mọi người tăng cường… cười: “Nhà tôi bệnh nặng nên tính tình ổng hay thay đổi. Nằm viện ở đây lâu hơn ở nhà, có người bảo hộ khẩu thường trú giờ là ở đây. Thường trú mà không thoải mái sao ở được. Tôi thấy các điều dưỡng và sinh viên thực tập chăm sóc rất niềm nở khiến ổng rất vui. Bác sĩ và người nhà nên phát huy việc tươi cười với bệnh nhân để họ thoải mái”. |
Con gái bà Lê Thị Sáu, bệnh nhân ung thư vòm họng đang nằm tại khoa, đặt câu hỏi: “Mẹ tôi gần đây hay bị chảy máu, ăn uống không được, xin bác sĩ cho biết diễn biến giai đoạn sắp tới”.
Bác sĩ Hiền cho biết người nhà bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý, người bệnh vào giai đoạn cuối có thể sút ký rất nhanh vì hấp thu dinh dưỡng kém đi. Ngoài ra, khi bệnh di căn đến đâu thì các chức năng ở bộ phận đó giảm đáng kể.
Một bệnh nhân khác hỏi bác sĩ tại sao lại chọn điều trị bằng xạ trị chứ không phải là phẫu thuật? Xạ trị có nguy hiểm gì không? Bác sĩ Hiền phân tích việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có giai đoạn bệnh.
Với trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối, phẫu thuật rất nguy hiểm vì gây mất cân bằng nên phải xạ trị. Quá trình xạ trị sẽ có những tổn hại nhất định như viêm phù nề, quá trình tế bào ung thư chết đi khi xạ trị cũng gây mệt mỏi cho người bệnh.
Chăm sóc tâm lý cho người nhà
Ngoài việc lắng nghe những thắc mắc, các buổi sinh hoạt ở cấp khoa thường tập trung vào nội dung hướng kỹ năng chăm sóc và tâm lý giao tiếp với bệnh nhân cho người nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, người bệnh ung thư thường điều trị lâu dài, có người phải bán cả nhà cửa để điều trị. Người bệnh thì suy sụp, mặc cảm, bi quan do phải chống chọi bệnh tật, cơ thể biến đổi.
Người nhà cũng vất vả không kém vì họ bị tác động tâm lý, vừa phải chăm sóc người nhà, vừa là trụ cột kinh tế. Chính vì không thấu hiểu nhau mà nhiều gia đình phải đổ vỡ, ly hôn. Vì thế các buổi nói chuyện này là cơ hội để bác sĩ chia sẻ nhiều hơn với từng hoàn cảnh, động viên và chăm sóc tâm lý cho người nhà bệnh nhân.
“Mình không thể nói lý thuyết suông “an tâm đi, mọi việc sẽ tốt lên” mà động viên họ được. Phải hướng dẫn họ kỹ năng chăm sóc, động viên người bệnh qua từng giai đoạn để họ có phương án tâm lý mà cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, chiến thắng bệnh tật” – bác sĩ Hiền nói.
Theo thầy thuốc nhân dân, BS CKII Trịnh Lương Trân – giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, thông thường ở các nước phương Tây bác sĩ cung cấp thông tin cho bệnh nhân. Còn ở nước mình với các căn bệnh nan y, bác sĩ thường cung cấp thông tin cho người nhà nhiều hơn. Vì thế việc tổ chức các cuộc họp cấp khoa sẽ giúp bệnh viện có nhiều thời gian tiếp cận và thấu hiểu với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
“Người bệnh và người nhà ở đây lâu dài thì cũng như thành viên của bệnh viện, phải nghe họ nói, góp ý để nhà mình tốt hơn. Cái nào sai mình sửa, cái nào hay mà chưa có thì mình làm. Ngoài ra đội ngũ nhân viên bệnh viện còn tương đối trẻ nên đây cũng là kênh thông tin để những người làm quản lý giám sát nhân viên” – bác sĩ Trân nói.
Thành lập CLB bệnh nhân ung thư là ý tưởng hay Theo ông Trần Văn Thuấn – phó giám đốc Bệnh viện K, bệnh viện này đã thành lập hai câu lạc bộ (CLB) bệnh nhân có số lượng người mắc bệnh nhiều là ung thư vú và ung thư vòm họng. Trong các cuộc sinh hoạt hằng tháng, có bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên đến hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc, điều trị, chế độ sinh hoạt sau khi kết thúc điều trị, riêng CLB ung thư vú đôi khi còn tổ chức một số hoạt động nâng đỡ tinh thần bệnh nhân như thi nấu ăn, nói chuyện với chuyên gia tâm lý… Cũng theo ông Thuấn, ý tưởng thành lập CLB bệnh nhân ung thư là ý tưởng hay, nếu có đơn vị tổ chức, Bệnh viện K sẵn sàng đưa bác sĩ đến chia sẻ với bệnh nhân. Ông Thuấn cho rằng nếu thành lập được các CLB bệnh nhân sẽ rất tốt, nâng đỡ được nhiều về tinh thần cho người bệnh vì họ luôn có nhu cầu chia sẻ, nhất là chia sẻ với thầy thuốc và các bệnh nhân khác. |