10/01/2025

Thanh niên ai cũng có việc làm

Cốt lõi sự phát triển của Việt Nam trong tương lai chính là tạo việc làm bền vững cho thanh niên. Tôi mong ước 20 năm sau sẽ không còn cảnh nhiều sinh viên, thanh niên không tìm được việc làm.

 

Kỳ vọng VN 20 năm tới: Thanh niên ai cũng có việc làm

 

 Cốt lõi sự phát triển của Việt Nam trong tương lai chính là tạo việc làm bền vững cho thanh niên. Tôi mong ước 20 năm sau sẽ không còn cảnh nhiều sinh viên, thanh niên không tìm được việc làm.


 

 

Để giúp thanh niên không bị lừa khi tìm việc, Thành đoàn TP.HCM đã mở nhiều văn phòng Tiếp sức người lao động ở các bến xe để tư vấn cho họ - Ảnh: Q.Định
Để giúp thanh niên không bị lừa khi tìm việc, Thành đoàn TP.HCM đã mở nhiều văn phòng Tiếp sức người lao động ở các bến xe để tư vấn cho họ – Ảnh: Q.Định

Tôi mơ sẽ đến ngày các quán nhậu đìu hiu vì chẳng có nhiều thanh niên thất nghiệp la cà nhậu nhẹt, và tôi không phải lo lắng con mình bị đám bạn lêu lổng lôi kéo vào những trò vô bổ, tệ nạn xã hội… như nhiều bậc cha mẹ hiện nay.

Nhiều hệ quả từ thiếu việc làm

20 năm nữa, tôi ước mơ sinh viên Việt Nam nào sau khi ra trường cũng tìm được việc làm đúng chuyên môn. Trong đó những bạn xuất sắc hoặc giỏi chuyên môn đều được săn đón ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp.

Những sinh viên còn lại đều tìm được việc sau nửa năm, nếu phải làm trái nghề vẫn đảm bảo được đời sống, không ai phải mang tấm bằng về quê bỏ vào tủ rồi làm nông và chịu lời dè bỉu của láng giềng.

Tôi ước mơ điều đó vì thời gian qua có nhiều sinh viên ra trường nhưng không có việc làm, sống vất vả sau thời gian dài tốn kém tiền bạc và sức lực để học tập.

Điển hình như ở quê tôi có nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng xin việc hoài không được.

Nhiều người ở quê tôi bây giờ không muốn cho con tiếp tục đi học sau khi xong chương trình lớp 12 bởi họ nghĩ: tiền đầu tư cho việc học đó (luôn trên 100 triệu đồng) nên để làm kinh tế ở gia đình thiết thực hơn!

20 năm nữa, tôi ước mơ không còn cảnh nhiều thanh niên thất nghiệp, để rồi ngày ngày phải “giết” thời gian trong quán cà phê hay tụ tập nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Tôi mơ cảnh mỗi sáng sớm thanh niên nào cũng tất bật: anh công chức tươm tất đến cơ quan, em công nhân háo hức vào ca, anh phụ hồ thong thả đến công trường…

Những nơi có đông đảo thanh niên tụ tập sau giờ hành chính là sân vận động, nhà văn hoá. Đối với những nhóm nhỏ hơn là buổi chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nói chuyện về đời sống hôn nhân – gia đình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…

Cuối tháng 9-2014, dư luận cả nước xôn xao chuyện Bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 1,84%, lúc ấy nhiều ý kiến cho rằng con số này không thật mà phải nhiều hơn.

Tôi không biết số liệu chính xác là bao nhiêu nhưng tôi tin một điều: nhiều thanh niên thất nghiệp và không có việc làm ổn định đang là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến những vấn đề gây bức xúc trong xã hội như: trộm cướp, đua xe, nhậu nhẹt, giết người, hiếp dâm…

Thử hỏi những người có việc làm ổn định, có thu nhập hằng ngày mấy ai lại đi trộm cắp? Thử hỏi những thanh niên phải làm việc quần quật mưu sinh và làm giàu thì mấy người có thời gian nhậu suốt ngày để rồi gây tai nạn giao thông, lúc quá chén lại sinh thú tính?…

Mở nhiều cơ hội việc làm

Theo tôi, cốt lõi sự phát triển của Việt Nam trong tương lai chính là tạo việc làm bền vững cho thanh niên bởi đây là lực lượng đông đảo trong dân số Việt Nam. Nếu thanh niên không có việc làm ổn định thì làm sao có tiền mua nhà, làm sao hưởng thụ được dịch vụ y tế tốt nhất, làm sao cho con cái tiếp cận nền giáo dục tiên tiến?…

Một thế hệ thanh niên có cuộc sống không ổn định, bệ rạc về thể chất lẫn tinh thần thì làm sao xây dựng và bảo vệ được Tổ quốc của cha ông để lại?

Tôi xin đưa ra một số giải pháp để có thể giúp thanh niên có việc làm ổn định, nâng cao đời sống. Đó là:

– Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có nhu cầu tuyển dụng để giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi ra trường. Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông cần định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh nhận biết năng lực của mình thích hợp với “làm thầy” hay “làm thợ” trước khi học lên cao hơn.

– Cần tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để kinh doanh, sản xuất. Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay có ý tưởng, có khát vọng nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể khởi nghiệp được.

Ở nông thôn, những quy định khắt khe trong vay vốn ngân hàng đã khiến nhiều bạn không thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Chẳng hạn, một thanh niên không có đất đai, đi làm “thợ đụng”, muốn mua một con bò giống chất lượng (trị giá 20 – 25 triệu đồng) nhưng không có tiền hoặc chỉ vay được 10 triệu đồng thì không thể thay đổi được cuộc sống.

– Xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả trong thanh niên phù hợp với điều kiện từng khu vực, từng vùng. Chẳng hạn thanh niên ở thành thị có thể tham gia các tổ hợp tác về cơ khí, liên kết trong làm dịch vụ… Thanh niên ở nông thôn có thể tham gia các mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi, sản xuất lúa giống…

Những mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ giúp thanh niên có điều kiện xây dựng được những mô hình bền vững, tăng thêm thu nhập mà còn giúp những thanh niên không có tư liệu sản xuất, không nghề nghiệp có được thu nhập thường xuyên, ổn định đời sống khi tham gia mô hình.

– Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp. Qua tìm hiểu, tôi thấy tổ chức Đoàn giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên cũng như hỗ trợ họ vay vốn làm kinh tế. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần tiên phong, sáng tạo trong cách làm để hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên yếu thế. Theo tôi, thiết thực nhất chính là tổ chức Đoàn ở các xã, phường, thị trấn cần thành lập một câu lạc bộ giới thiệu việc làm cho thanh niên để làm cầu nối với nơi tuyển dụng, giúp đỡ thanh niên trên địa bàn thường xuyên hơn. 

Đã có 110 bài dự thi

Tính đến chiều 28-5, Tuổi Trẻ đã nhận được 110 bài viết tham gia cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”.

Trong số này, tác giả lớn tuổi nhất là Quốc Khánh (82 tuổi, TP.HCM) gửi hai bài dự thi bày tỏ tâm huyết của một người cao tuổi với lời ghi chú “tôi viết khi nằm viện”. Có hai tác giả ở độ tuổi 15, nhỏ nhất, là Mai Huỳnh Hương (TP.HCM) và Lê Văn Tốp (Quảng Trị). Có ba tác giả gửi đến ba bài dự thi gồm Trần Đình Thư (80 tuổi, Vũng Tàu), Ngô Thị Lan (Cần Thơ) và Trịnh Quang Minh (Cần Thơ).

Danh sách các tác giả gửi bài dự thi: Nguyễn Ngọc Anh Thư, Hoàng Thái Hùng, Benjamin Ngô, Quốc Khánh, Lê Nguyễn Trường Ân, Mai Huỳnh Hương, Huỳnh Công Phúc (bài 2), Nguyễn Đước (bài 2), Nhật An, Nguyễn Văn Xin, Hoàng Thảo 

(TP.HCM), Nguyễn Văn Công (Hà Nội), Đỗ Minh Thuyết (Thanh Hóa), Lê Hồng Mận, Đặng Ngọc Hùng (Đà Nẵng), Trần Đình Thư (bài 2 và 3, Vũng Tàu), Song Phương (Đồng Nai), Trần Hoàng Vy (Tây Ninh), Quách Hạo Nhiên, Phan Quang Trung, Ngô Thị Lan (3 bài), Đỗ Thị Khánh Anh (Cần Thơ), Trần Võ Trinh, Lê Tấn Thời (An Giang), Liêu Tử Phong (Trà Vinh), Nguyễn Thị Chúc Linh (Hậu Giang), Lê Phương Trí, Lữ Nguyên…

Toà soạn

PHẠM VĂN TRUNG (28 tuổi, Cần Thơ)