Đạt sát hạch công chức, thủ khoa vẫn thất nghiệp
Cả Sở Nội vụ Hà Nội lẫn Bộ Nội vụ đều cho rằng mình đã làm hết sức, đúng thẩm quyền, quy định, nhưng…
Đạt sát hạch công chức, thủ khoa vẫn thất nghiệp
Cả Sở Nội vụ Hà Nội lẫn Bộ Nội vụ đều cho rằng mình đã làm hết sức, đúng thẩm quyền, quy định, nhưng…
Vượt qua kỳ sát hạch vào công chức năm 2014 của TP Hà Nội, mọi thủ tục, hồ sơ đều hoàn thiện đúng quy định nhưng đến nay đã gần một năm, 14 sinh viên là thủ khoa các trường ĐH trong nước và tốt nghiệp loại giỏi ở các trường nước ngoài vẫn chịu cảnh thất nghiệp.
Từ vui đến buồn
“Nhớ lúc biết kết quả kỳ sát hạch người cứ lâng lâng, nhưng sau gần một năm mòn mỏi chờ đợi chỉ còn cảm giác buồn”- cô thủ khoa Nguyễn Thu Trang (thủ khoa chuyên ngành công nghệ thực phẩm năm 2013 của ĐH Nông nghiệp Hà Nội) tâm sự. Không chỉ Trang, 13 trường hợp còn lại là thủ khoa các trường ĐH và tốt nghiệp loại giỏi tại các trường ĐH ở nước ngoài cũng vậy.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 7-2014 Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển và sát hạch để tuyển dụng vào công chức các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Trong đó có 41 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài và thủ khoa các trường ĐH trong nước chỉ tham gia sát hạch, không cần qua thi tuyển. Kết quả có 29 trường hợp đạt kết quả sát hạch, tuy nhiên sau đó chỉ có 15 trường hợp được tuyển dụng, 14 trường hợp còn lại vẫn không rõ được tiếp nhận hay không.
“Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là đến bây giờ không hề biết lý do tại sao không được tuyển dụng. Trong khi các bạn thi cùng đợt đã đi làm ổn định, còn tôi không biết ăn nói thế nào với gia đình, người thân và bạn bè”- Chu Thị Thu Trang (thủ khoa chuyên ngành kế toán ĐH Hòa Bình) buồn bã nói.
Trang kể sau khi được thông báo đạt kết quả, một tháng sau Trang hoàn thiện hồ sơ kèm lý lịch tư pháp gửi về Sở Nội vụ, sau đó tiếp tục xin giấy xác nhận thủ khoa nộp về Bộ Nội vụ theo yêu cầu.
Đến tháng 12-2014, trong khi lần lượt 15 trường hợp được nhận việc thì Trang và 13 bạn còn lại đều nhận được điệp khúc “cứ chờ đi” khi gọi điện hỏi Sở Nội vụ Hà Nội.
“Không ai giải thích, không có thông báo bằng văn bản nào về tình trạng của chúng tôi, chúng tôi có cảm giác mình bị bỏ rơi, hắt hủi”- Trang nói.
N.T.T.D. (thủ khoa ĐH Điện lực) cho biết: “Bạn bè cùng lớp cùng trường tốt nghiệp xong đều có việc làm ổn định, mình bị khoác cái mác “thủ khoa” mà chờ mãi”. Không thể ngồi yên, D. phải lân la khắp nơi xin việc tạm để làm thêm kiếm tiền trang trải.
Mới đây khi điện thoại lên Sở Nội vụ và tiếp tục nhận được câu trả lời “vẫn phải chờ”, D. đã quyết định nộp hồ sơ xin việc tại một cơ quan khác. “Nộp chỗ mới thì may rủi nhưng ít nhất còn biết mình trúng hay trượt, còn vụ kia (sát hạch công chức – PV) vô vọng quá”- D. chia sẻ.
Nguyễn Thu Trang đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội và Bộ Nội vụ cần đưa ra hướng giải quyết dứt điểm. “Nếu không tuyển dụng thì phải có lý do chính đáng, chứ không thể kiểu “đem con bỏ chợ” như thế này được”- Trang kiến nghị.
Sở mong muốn bố trí nhưng bộ thì bác
Bà Nguyễn Thị Liễu – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Sở Nội vụ Hà Nội – nói: “Sở đã làm hết sức, hết trách nhiệm”.
Cũng theo bà Liễu, sở đã hoàn toàn làm đúng quy trình. Sau khi nhận hồ sơ trực tiếp vào các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố, các đơn vị này có tờ trình chuyển danh sách lên để sở thẩm định, tổng hợp và tổ chức sát hạch. Có kết quả, các thí sinh phải hoàn thiện hồ sơ gửi lên Sở Nội vụ, sở báo cáo lên UBND TP, tiếp đó TP có công văn gửi Bộ Nội vụ.
Bà Liễu cho biết: quy định trong thông tư 13 về tuyển dụng và nâng ngạch của Bộ Nội vụ, thí sinh có đạt sát hạch đi nữa thì Sở Nội vụ hay TP Hà Nội cũng chưa thể tuyển dụng ngay vì phải có sự đồng ý của Bộ Nội vụ cho tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển. Một tháng sau khi tiếp nhận, Bộ Nội vụ có phản hồi cho thành phố.
“Tại văn bản này, bộ đồng ý cho 15 trường hợp được tuyển dụng, còn 14 trường hợp nói trên bộ chưa đồng ý. Lý do: họ có trình độ đào tạo không phù hợp với vị trí cần tuyển dụng”- bà Liễu thông tin. Trong khi đó, các thí sinh cho rằng đây là điều bất hợp lý bởi trước khi tham gia sát hạch họ đã nộp hồ sơ vào các vị trí công việc tại các sở, ngành, quận, huyện.
Các đơn vị này đã đồng ý tiếp nhận, đồng thời chuyển hồ sơ lên để Sở Nội vụ thẩm định và tổng hợp trước khi tổ chức sát hạch. Như vậy, các đơn vị tuyển dụng đều có nhu cầu tiếp nhận từ khi thí sinh nộp hồ sơ lúc ban đầu. Do đó, lý do Bộ Nội vụ đưa ra không thuyết phục khi đối chiếu với thực tế.
Lý giải về lý do mà Bộ Nội vụ đưa ra, bà Nguyễn Thị Kim Dung – phó trưởng phòng đào tạo – bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) – cho rằng đây được hiểu là việc tuyển dụng bắt buộc phải theo vị trí việc làm, phù hợp với bằng cấp chuyên môn.
Tuy nhiên cũng theo bà Dung, đơn vị tuyển dụng đã có tờ trình lên sở trước khi tổ chức sát hạch tức là đơn vị này có nhu cầu tuyển dụng. Trả lời câu hỏi về việc tại sao các thí sinh băn khoăn và tâm tư rất nhiều nhưng sở không đưa ra giải đáp thoả đáng hay thông báo chính thức bằng văn bản, bà Dung thừa nhận: “Bản thân tôi không biết kết quả thế nào thì làm sao trả lời ngay cho các em được. Tôi cũng chỉ biết nói với các em là cứ tiếp tục chờ thôi”.
Trả lời về việc số phận 14 thí sinh sẽ được quyết định như thế nào, thời gian chốt là vào thời điểm nào, bà Nguyễn Thị Liễu nói: “Đây là vấn đề đang trong giai đoạn tranh luận, thẩm định giữa TP và bộ, đang có những ý kiến trái chiều, sở mong muốn bố trí cho các em nhưng bộ thì bác…”.
Hà Nội đề nghị tuyển người vào vị trí nào? – Hoàng Thị Mỹ Hạnh, thủ khoa chuyên ngành giáo dục công dân – giáo dục quốc phòng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (năm 2013): làm việc tại văn phòng HĐND – UBND huyện Ba Vì làm công tác tổng hợp, giúp HĐND theo dõi các vấn đề xã hội và quốc phòng trên địa bàn huyện. – Nguyễn Thu Trang, thủ khoa chuyên ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (năm 2013): làm việc tại phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP Hà Nội, làm tham mưu đề xuất với phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm trong kinh doanh và dự trữ hàng hoá. – Chu Thị Thu Trang, thủ khoa chuyên ngành kế toán Trường ĐH Hòa Bình (năm 2013): làm việc tại đội 19 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thuộc Sở Công thương để nắm bắt diễn biến hoạt động của các cá nhân và tổ chức kinh doanh (thông qua hoạt động kế toán), phát hiện những sai phạm trong quản lý thương mại, tham mưu đề xuất với đội và chi cục có biện pháp xử lý. – Nguyễn Thị Hải Anh, thủ khoa ngành kế toán Trường ĐH Lao động – xã hội (năm 2011): làm việc tại Phòng Lao động – thương binh và xã hội thuộc UBND quận Long Biên, làm tham mưu, giúp phòng kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của Luật BHXH, các chi phí xã hội khác cho các đối tượng chính sách xã hội thuộc phạm vi quản lý của quận, theo quy định của pháp luật. – Phạm Liên Hương, tốt nghiệp ĐH loại giỏi chuyên ngành tài chính – ngân hàng và quản trị Trường ĐH Loughborough (Anh) năm 2013: làm việc tại phòng giao thông đô thị Sở Tài chính TP Hà Nội để tham mưu, giúp lãnh đạo phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách của các cơ quan, đơn vị thuộc khối giao thông, đô thị … (Trích công văn số 9697/UBND-SNV do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký ngày 10-12-2014 gửi Bộ Nội vụ) |
Bộ Nội vụ: Thuộc thẩm quyền Hà Nội, nhưng phải đúng vị trí Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi đề cập tới việc bố trí việc làm cho 14 trường hợp đã đạt kết quả sát hạch công chức TP Hà Nội năm 2014 nhưng chưa được tuyển dụng. Theo ông Tuấn, sau khi Hà Nội báo cáo về bộ danh sách 29 thí sinh đạt sát hạch, bộ đã kiểm tra, rà soát kỹ và có văn bản thống nhất để UBND TP Hà Nội tuyển dụng 15 trường hợp vào công chức không qua thi tuyển. Riêng 14 trường hợp còn lại, Bộ Nội vụ chưa thống nhất để Hà Nội tuyển dụng bởi trình độ chuyên môn của các trường hợp này chưa phù hợp với vị trí công việc của các đơn vị mà các ứng viên đã nộp hồ sơ. “Cái này hiểu nôm na là tốt nghiệp ngành kinh tế chẳng hạn thì không thể bố trí công việc liên quan đến công nghệ hay kỹ thuật”- ông Tuấn so sánh. Theo Thứ trưởng Tuấn, khi Hà Nội báo cáo về, Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra xem việc tiến hành tuyển dụng công chức không qua thi có đúng với quy định của Chính phủ hay không. Những người có tài năng chỉ phát huy được sở trường của mình khi được bố trí đúng vị trí công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Về hướng giải quyết cho 14 thí sinh đã đạt kết quả sát hạch công chức, ông Tuấn khẳng định thuộc về thẩm quyền của Hà Nội, nhưng với điều kiện Hà Nội phải tìm được vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo để bố trí cho các ứng viên. “Khi tìm được rồi, Hà Nội báo cáo về Bộ Nội vụ, bộ sẵn sàng thống nhất. Cái chính là phù hợp với các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức không qua thi”- ông Tuấn nói. Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Tuấn, việc Bộ Nội vụ kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt là nhằm đảm bảo cơ chế giám sát được thực thi nghiêm, tránh tình trạng tiêu cực, nhồi nhét “con ông cháu cha”, đồng thời tuyển dụng được người tài vào các cơ quan nhà nước. |