10/01/2025

Sự vô cảm của con bắt đầu từ người lớn

Tôi nhận thức được rằng nhiều yếu tố để khiến cho giới trẻ ngày nay vô cảm với ông bà, cha mẹ, người thân, trong đó một yếu tố lớn nhất, nguy hiểm nhất lại bắt nguồn từ… người lớn.

 

Sự vô cảm của con bắt đầu từ người lớn

 

Tôi nhận thức được rằng nhiều yếu tố để khiến cho giới trẻ ngày nay vô cảm với ông bà, cha mẹ, người thân, trong đó một yếu tố lớn nhất, nguy hiểm nhất lại bắt nguồn từ… người lớn.



Ông cha ta đã đúc kết rằng: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Hôm nay đấng sinh thành nói riêng và bậc người lớn nói chung đã thật sự dạy con từ những ngày con còn bé thơ đúng nghĩa chưa? Ngày nay mỗi gia đình chỉ một, hai con (nhiều thì ba, bốn con), đó là điều kiện thuận lợi trong việc dạy dỗ và tạo điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. Cũng chính vì vậy mà cha mẹ, ông bà chăm sóc, quan tâm con cháu quá mức nên ngay từ nhỏ con cái được “ươm mầm vô cảm”, ỷ lại vào người lớn.

Việc ăn uống là áp lực đầu tiên của những đứa trẻ. Người lớn cứ ép trẻ ăn nhiều, no cũng ép, thừa chất cũng ép. Đến khi lớn hơn, thậm chí học tiểu học, THCS rồi mà cha mẹ vẫn bưng cơm đút cho con. Con lớn lên không biết nhặt rau, nấu ăn cũng từ người lớn, cha mẹ có nghĩa vụ “phục vụ con hết mình”.

Rồi áp lực việc học. Ngay từ mẫu giáo cha mẹ đã ép con rèn chữ, làm toán, thậm chí ở độ tuổi này mà cha mẹ đã bắt con buổi tối đến nhà cô rèn chữ. Học, học và học nên mọi việc con không phải đụng tay chân bởi đã có cha mẹ.

Chính vì ít con mà người lớn bao bọc con cái kỹ quá khiến cho những đứa trẻ sống phụ thuộc cha mẹ. Rất nhiều trường hợp con cái lớn lên bằng đôi chân cha mẹ chứ không phải đôi chân của bản thân, sở thích của cha mẹ chứ không phải là sở thích của chính mình. Ước mơ về nghề nghiệp của con cái khó thực hiện bởi cha mẹ đã “ước mơ hộ con”, lo lót cho con. Dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, tôi biết rằng học trò ít quan tâm cha mẹ cũng bởi sự cưng chiều con quá lớn. Khi người lớn chiều chuộng quá mức khiến con cái ỷ lại, sống ích kỷ và vô cảm ngay với đấng sinh thành để từ đó bước ra xã hội, sự vô cảm ấy lại bộc lộ càng rõ hơn.

Giáo dục con cái ngay từ nhỏ là vô cùng quan trọng. Để con cái sống không còn vô cảm ngay trong gia đình, người lớn cần gieo cho con lối sống đẹp, biết làm những việc trong gia đình ngay từ nhỏ, biết yêu thương, chia sẻ. Thương không đồng nghĩa với cách cha mẹ làm thay con. Thương con là để con biết làm từ nhỏ, biết trân trọng giá trị của thành quả lao động dù là những việc rất đời thường. Khi con chơi xong, cha mẹ bắt con phải dọn dẹp đồ chơi, khi con xem tivi xong mà không tắt, cha mẹ bắt con phải tự tắt… và cần dạy con biết làm những việc nhỏ trong gia đình dẫu con làm còn vụng về. Càng quan tâm, chăm sóc con cái kỹ quá sẽ dẫn tới những nguy hại khôn lường. Con cái lớn lên càng được bao bọc bao nhiêu thì cha mẹ sẽ khổ tâm bấy nhiêu bởi sự vô cảm của con.

Tôi xin khẳng định rằng yếu tố để tạo nên con vô cảm bắt nguồn từ người lớn. 

“Có việc gì, con cứ bảo mẹ”

Em gái tôi năm nay 26 tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành. Lúc nào mẹ tôi cũng phải nhắc nhở em ăn uống đầy đủ, không được bỏ bữa và câu cửa miệng của mẹ là: “Có việc gì, con cứ bảo mẹ”.

Xe hỏng giữa đường, em gái cũng phải gọi điện để bố lặn lội đến tận nơi đem đi sửa (mặc dù cơ quan bố tôi cách nơi em hỏng xe gần 7km). Lúc nào em tôi than thở qua điện thoại là bố đến “giải cứu” ngay. Bố ốm em không biết. Mẹ bị bệnh gai cột sống cả nửa năm em cũng không hay. Tôi mở lời góp ý là mẹ tôi lại gạt đi: “Thôi em nó còn nhỏ, lớn hơn chút sẽ tự khắc biết mà”. Nhưng em tôi đã 26 tuổi còn chưa biết thì phải đợi đến khi nào em mới biết nữa? 

Khi tôi có gia đình, có thêm cháu nhỏ, công việc tắm rửa, cho cháu ăn, thay tã, giặt giũ, nấu nướng đều vào tay mẹ. Em gái tôi bất cứ lúc nào ở nhà là ngồi miết trên phòng riêng để làm việc như lời em nói mà tôi biết chắc là để lướt Facebook chém gió. Tôi bảo mẹ: “Cái Vân cứ lười như thế thì lấy chồng sao nổi?”. Mẹ lại gạt đi. Có lẽ chính những cái xua tay của mẹ là một phần làm nên sự thờ ơ, vô cảm của em.

Quen việc gì cũng nhờ bố mẹ tháo gỡ nên tính tự giác, sự chia sẻ của em gần như không còn. Cơm nước đã có mẹ lo, quần áo đã có mẹ giặt, nhà cửa em không phải lau. Có lần tôi bảo em đi đổ rác, em cau mày: “Mẹ chẳng sai em đi đổ rác bao giờ”. Nhìn em mặt nặng mày nhẹ đi đổ rác rồi đi vào hậm hực ngồi đánh phịch xuống ghế, tôi chỉ biết lắc đầu.

Em đi du lịch hay đi công tác mẹ cũng là người sắp xếp quần áo, đồ dùng cá nhân vào vali cho. Nhưng đến nơi thiếu cái gì em lại gọi điện về trách móc mẹ vì chuẩn bị thiếu đồ cho em. Mẹ chỉ biết rối rít xin lỗi con gái. Lúc nào nhà tôi cũng cuống cả lên mỗi khi em gái nhức đầu sổ mũi. Đến đứa cháu vào viện gần tháng trời vì sốt xuất huyết, em gái tôi cũng thờ ơ chẳng hề hay biết. Hôm cháu về em hỏi một câu: “Về rồi à?” rồi lại lên phòng để “làm việc”. Vì được mẹ bênh vực, lúc nào cũng “cái Vân bé nhất nhà” hay “nó con gái chân yếu tay mềm sao làm được mấy việc nặng” nên em cứ được nước mặc kệ.

Ở nhà em như người lạ nhưng lên Facebook, em lại vào vai một người hoàn hảo, tinh tế và sâu sắc lắm. Em chia sẻ với hết người này đến người khác trong tư cách một người hiểu biết, biết quan tâm. Tôi cứ thắc mắc tại sao ở nhà em gái tôi toàn dựa hơi bố mẹ, đứng ngoài cuộc sống gia đình, xa lạ với việc quan tâm, chia sẻ cùng người thân mà đi ra ngoài, hay trong thế giới ảo, em lại phải đóng vai một người sống tình cảm, sâu sắc? 

Từ trường hợp của em gái, tôi chắc chắn rằng những đứa con trở nên vô cảm phần lớn xuất phát từ yếu tố gia đình, chủ yếu do cha mẹ quên kéo con về nhà, quên dạy con biết yêu thương người thân, quên nói cho con biết con là ai trong ngôi nhà của chính mình… 

CAO LONG (Hà Nội)

 

THÁI HOÀNG (TP.HCM)