09/01/2025

Phận ôsin ở châu Á

41 trong tổng số 53 triệu người làm giúp việc nhà trên toàn thế giới đang ở châu Á. Hầu hết trong số họ là những phụ nữ có ít quyền lợi, làm việc nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày và sống với mức lương cực thấp.

Phận ôsin ở châu Á

 

 41 trong tổng số 53 triệu người làm giúp việc nhà trên toàn thế giới đang ở châu Á. Hầu hết trong số họ là những phụ nữ có ít quyền lợi, làm việc nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày và sống với mức lương cực thấp.


 

Suay Ing lau cửa kính tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan hôm 25-5 - Ảnh: Reuters
Suay Ing lau cửa kính tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan hôm 25-5 – Ảnh: Reuters

Hiện nay, theo Reuters, đã có nhiều tổ chức thành lập với sự tham gia của nhiều người giúp việc có kinh nghiệm nhằm mục đích hỗ trợ và giúp đỡ những người giúp việc mới chân ướt chân ráo đến xứ người tự bảo vệ quyền lợi của chính bản thân họ.

Câu chuyện đời Ing

Suay Ing là chị của ba đứa em trong một gia đình công nhân xây dựng di cư từ Myanmar. Lên 9 tuổi, cô bé đã đi giúp việc cho một gia đình tại thành phố Chiang Mai, phía bắc Thái Lan.

Hằng ngày Ing giúp lau dọn nhà cửa, ngủ trong phòng giặt ủi của gia đình này và nhận 10 USD (khoảng 220.000 đồng) mỗi tháng. Vừa 14 tuổi, cô bé bị một kẻ môi giới lừa lên Bangkok. Hắn bỏ rơi Ing sau khi không tìm được chỗ bán cô bé.

Đói khát, không giấy tờ tùy thân và tiền bạc, may mà cuối cùng Ing cũng tìm được một người chủ tiệm mì thuê cô. Ing làm việc với đồng lương còm cõi 3.000 baht (100 USD) hằng tháng, mỗi ngày làm 12 giờ và được nghỉ ba ngày trong tháng.

Trong 14 năm liền, Ing được ông chủ chỉ dạy cách quản lý tiệm nhưng kèm theo đó là những lần roi vọt, cắt bớt lương và thậm chí là bỏ đói.

“Thậm chí nếu nhân viên của tôi làm sai việc gì đó thì tôi cũng là người phải chịu trách nhiệm về lỗi đó. Rồi ông ta sẽ nói: Cô muốn tôi phạt thế nào? Cô có muốn ăn tát? Hay cô muốn tôi lấy tiền lương của cô?” – Ing nay đã 31 tuổi nhớ lại.

Cách đây hai năm, Ing thu hết can đảm rời khỏi ông chủ bạo lực để bắt đầu lại. Lần này, Ing trở lại làm công việc của một người giúp việc nhà nhưng đã trang bị cho mình một lượng kiến thức khá hơn về quyền lợi cho bản thân. Ing làm việc với mức lương khá, có ngày nghỉ và giờ làm hợp lý.

Theo thời gian, Ing bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người giúp việc khác. Hiện tại Ing tư vấn về cách tìm kiếm một công việc tốt và an toàn thông qua Mạng lưới người giúp việc di cư.

“Tôi khuyên những người giúp việc nên hỏi về chế độ ngày nghỉ, về việc liệu họ có bị trừ tiền lương hay không khi họ về thăm nhà. Nếu người giúp việc đặt những câu hỏi này thì người chủ sẽ biết rằng họ không thể lợi dụng người giúp việc được” – Ing nói bằng một giọng quyết tâm không để những người khác phải chịu khó khăn như cô ngày xưa nữa.

Vấn đề chung của châu Á

Theo luật pháp Thái Lan, người giúp việc được hưởng tối thiểu một ngày nghỉ trong tuần. Người lao động tại Thái Lan có quyền làm ngày tám giờ và hưởng mức lương tối thiểu một ngày là 300 baht.

Tuy nhiên, những quy định này không áp dụng đối với việc nội trợ vốn không được xem là một công việc chính thức.

Tổ chức MAP Foundation về quyền của người nhập cư tại Chiang Mai cho biết theo khảo sát mới nhất của nhóm này thì hầu hết những người giúp việc được trả khoảng 4.300 – 5.000 baht (130 – 150 USD) mỗi tháng trong khi phải làm việc 14 giờ mỗi ngày.

“Xã hội Thái Lan không xem nội trợ là một nghề, do đó những người làm việc nhà không được xem là công nhân” – giám đốc Tổ chức lao động và xúc tiến việc làm Poonsap Tulaphan cho biết. Tổ chức này đã giúp thành lập Mạng lưới người giúp việc di cư mà Suay Ing đã tham gia.

Những mạng lưới có tổ chức như trên với sự tham gia của những người giúp việc có kinh nghiệm của Philippines, Indonesia và Thái Lan đã được thành lập tại Hong Kong để hỗ trợ và cung cấp thông tin nhằm giúp người giúp việc mới đến tự bảo vệ mình nơi xứ người. 

Nỗi đau khổ vì bị bóc lột và ngược đãi của người giúp việc Myanmar tại Thái Lan phản ánh một vấn đề rộng lớn hơn trên toàn châu Á. Hiện nay rất nhiều người giúp việc đến từ Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar đang làm việc cho những quốc gia láng giềng cũng như tại các nước Trung Đông.

Chính phủ Indonesia gần đây đã ban hành lệnh cấm người giúp việc làm việc tại 21 quốc gia trước tình trạng lạm dụng và bóc lột người lao động giúp việc nhà tại các nước Trung Đông.

Tuy nhiên các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng lệnh cấm đi lại chỉ khiến những người phụ nữ di cư thông qua những kênh bất hợp pháp, đẩy họ vào tình huống có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn.

Cần bàn tay của chính phủ

Tổng thư ký Liên đoàn Người giúp việc quốc tế, có trụ sở tại Hong Kong, bà Elizabeth Tang cho biết cách tốt nhất là chính phủ các nước nên bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình.

Bà Tang cho biết người châu Á có truyền thống thuê người giúp việc từ những nhóm dân tộc thiểu số hoặc người bản xứ, địa vị thấp hoặc nhà nghèo và tin rằng họ đang dang tay giúp đỡ những người này.

“Những người lao động có xu hướng nghĩ rằng “Bạn đang rất nghèo. Nếu tôi không cho bạn làm việc trong nhà tôi bạn có thể sẽ chết, bạn sẽ không có gì để ăn”. Những quan điểm như vậy đã bắt rễ rất sâu trong nhận thức của nhiều người” – bà Tang nhận định.

Ngoài ra bà Tang cũng cho rằng chính phủ các nước nên giải quyết những tổ chức môi giới vô đạo đức khi giới thiệu phụ nữ làm công việc giúp việc ở nước ngoài với mức phí cắt cổ lên đến sáu tháng tiền lương.

ANH THƯ