10/01/2025

Coi chừng ‘quấy rối tình dục’

Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành được rất nhiều người ủng hộ. Theo đó, rất nhiều hành vi, cử chỉ tưởng chừng như vui đùa hằng ngày lâu nay đều có thể bị coi là vi phạm.

 

Coi chừng ‘quấy rối tình dục’

 

 

Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành được rất nhiều người ủng hộ. Theo đó, rất nhiều hành vi, cử chỉ tưởng chừng như vui đùa hằng ngày lâu nay đều có thể bị coi là vi phạm.

 

 

Ảnh: Độc Lập

Ảnh: Độc Lập

Bao gồm 32 trang với 6 chương, 14 mục, Bộ quy tắc đặt mục tiêu nhằm hướng dẫn việc triển khai những quy định của bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan về việc phòng, chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động; tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn để giải quyết có hiệu quả tình trạng QRTD; đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong việc xây dựng, ban hành, thi hành và giám sát thực hiện tại nơi làm việc về QRTD và khích lệ thúc đẩy xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
Thế nào là quấy rối ?
 
 

Bộ quy tắc cũng quy định, tuỳ thuộc mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, doanh nghiệp có thể áp dụng quy định từ xin lỗi nạn nhân tới nhắc nhở, khiển trách hay sa thải. Doanh nghiệp cũng cần quy định rõ, bất kỳ ai trù dập hay trả thù người tố cáo hành vi QRTD phải xem xét xử lý, kỷ luật.

 
Nếu nạn nhân chịu tổn thương như hạ chức hay bị từ chối thăng chức do hậu quả của hành vi QRTD thì có thể xem xét phục hồi chức vụ, bổ nhiệm lại. Ngoài ra, họ còn có thể được bồi thường những tổn thất về mặt tài chính do bị từ chối các lợi ích liên quan. Đặc biệt, phải đưa ra các biện pháp bảo mật tối đa đối với tất cả các bên liên quan

.

 

Bộ quy tắc cũng đã đưa ra khái niệm như sau: “QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu”.

Tuy nhiên, cũng có những hành vi “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý, đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục. Hình thức tồi tệ nhất là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Bộ quy tắc cũng chỉ ra những hành vi không được coi là QRTD, đó là những lời khen tặng hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về mặt văn hoá, xã hội; hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên…) tiếp nhận hay đáp lại.
Những hành vi được “chỉ tên”
Đáng chú ý, lần đầu tiên các hình thức QRTD được “chỉ tên” trong Bộ quy tắc ứng xử. Cụ thể, Bộ quy tắc nêu rõ: “QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hoá và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
QRTD bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được như mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục”.
Có thể bị xử lý hình sự
Bộ quy tắc cũng nhấn mạnh, mọi hành vi QRTD đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải phòng, chống và lên án, phải được điều tra, xác minh và bị xử lý kịp thời.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi đến mức đáng kể được quy định trong bộ luật Hình sự (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự về các tội tương ứng như: tội cưỡng dâm, tội hiếp dâm…
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, có thể xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật lao động…
Trong trường hợp người sử dụng lao động không có quy định hay bất cứ quy chế, nội quy nào về QRTD tại nơi làm việc, người lao động nên liên hệ với người quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở, tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở hoặc đại diện người lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN để khuyến nghị xây dựng quy định. Bộ LĐ-TB-XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Tổng liên đoàn Lao động VN sẵn sàng hỗ trợ, khuyến khích người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định về phòng, chống QRTD.
 

Bỏ việc vì bị gạ gẫm đi chơi
Từng là nạn nhân, chị Đỗ Lan Phương, làm việc tại một doanh nghiệp may mặc Q.Thanh Xuân (Hà Nội), bày tỏ sự đồng tình đưa Bộ quy tắc ứng xử vào áp dụng tại các doanh nghiệp. Chị Phương tâm sự: “Khi còn làm việc tại công ty cũ, tôi thường xuyên bị trưởng phòng giao thêm việc bắt ở lại làm muộn. Mặc dù tôi đã có gia đình nhưng hắn ta thường xuyên nhắn tin vào buổi tối gạ gẫm đi chơi. Tôi đi làm trong tâm trạng bất an, lúc nào cũng lo sợ mà không dám chia sẻ với ai. Vì hạnh phúc gia đình, tôi đã phải bỏ việc dù mức lương ở công ty cũ khá cao”.
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nạn QRTD không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp mà còn xảy ra ở các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể, thậm chí còn phổ biến hơn. Đối tượng có thể là nam quấy rối nữ, cấp trên quấy rối cấp dưới mà ngược lại nữ cũng quấy rối nam và cấp dưới cũng quấy rối cấp trên, thậm chí có tình trạng nam quấy rối nam. “Một văn bản chỉ mang tính khuyến khích áp dụng không mang tính chất chính thức thì khó được phát huy trong thực tiễn. Thay vì ban hành Bộ quy tắc ứng xử, cần phải có hành lang pháp lý, quy định dưới luật”.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết Bộ LĐ-TB-XH phấn đấu cuối năm 2016 sẽ nghiên cứu để ban hành thông tư liên quan với các tiêu chí QRTD.  

Thu Hằng