10/01/2025

Nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc có dám lên tiếng?

Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục vừa được công bố, nhiều người tỏ ra đồng tình ủng hộ, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, không ít người đều băn khoăn về tính khả thi của bộ quy tắc ứng xử khi mức phạt và đền bù thiệt hại về danh dự, nhân phẩm chưa đủ lớn để nạn nhân mạnh dạn lên tiếng.

 

Nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc có dám lên tiếng?

 

 

 Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục vừa được công bố, nhiều người tỏ ra đồng tình ủng hộ, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, không ít người đều băn khoăn về tính khả thi của bộ quy tắc ứng xử khi mức phạt và đền bù thiệt hại về danh dự, nhân phẩm chưa đủ lớn để nạn nhân mạnh dạn lên tiếng.


 

 

Nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc có dám lên tiếng? - ảnh 1
Những tình huống “nhạy cảm” nơi công sở mà cả đàn ông và phụ nữ đều phải đối mặt hàng ngày – Ảnh: Đ.Lập
Ngày 25.5, Bộ Lao động -Thương binh -xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam vừa công bố bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bị quấy rối… sợ đến mức bỏ việc
Ở một số nước, khi nạn nhân bị quấy rối nơi làm việc lên tiếng, “kẻ gây án” sẽ phải đối mặt không chỉ với số phiền phạt lớn mà cả số tiền đền bù thiệt hại danh dự cho nạn nhân có khi là cả một gia sản.
Trong khi đó, ở Việt Nam, các nạn nhân bị quấy rối tình dục đa phần âm thầm chịu đựng hoặc để mọi chuyện qua rồi mới nói, chứ không dám đứng lên để tố cáo bởi sợ mất việc hoặc điều tiếng…
Chị Trần Thị Ngọc (ngụ quận 11, TP.HCM), nhân viên kế toán tại một phòng nha khoa tâm sự: “Trước đây, tôi từng nhiều lần bị sếp và một số đồng nghiệp nam quấy rối khiến tôi sợ hãi đến nỗi phải bỏ việc”.
Hầu hết, những đối tượng quấy rối sẽ lợi dụng lúc nơi làm việc vắng người, hoặc khu vực nhà vệ sinh để gạ gẫm, ôm chầm lấy “con mồi” hoặc có những hành động như sờ ngực, mông. Đôi khi bị sếp hù doạ đuổi việc nếu nạn nhân không “đáp ứng”.
Ngoài ra, những tin nhắn gạ tình, những cuộc điện thoại bất ngờ khiến chị em khó ăn nói với chồng, có người vì chồng ghen cuồng mà hạnh phúc gia đình rạn nứt.
“Điện thoại tôi từng nhận tin nhắn từ số lạ có nội dung khiêu gợi, gạ tình. Không may, chồng tôi đọc được. Gia đình một phen sóng gió. Tôi vừa tức, ấm ức phải nhiều lần giải thích thì chồng mới thông cảm”, chị Nguyễn Thị Hồng Ánh tâm sự.
Chị Ngọc Và chị Vân là hai câu chuyện điển hình về quấy rối tình dục nơi làm việc. Đôi khi các nạn nhân bị sếp, đồng nghiệp, đối tác quấy rối chỉ biết im lặng cho qua hoặc tránh né để không tiếp xúc riêng với đối tượng đó mà không biết cách nào lên tiếng.
Về các khái niệm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong bộ quy tắc, chị Kim Liên (ngụ phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM) cho rằng khá chi tiết; tuy nhiên, trên thực tế dễ bị quy chụp và dẫn đến không khí nơi làm việc dễ căng thẳng khi một ánh mắt nhìn cũng có thể bị cho là quấy rối hoặc một câu chuyện tiếu lâm cũng bị cho là ý này nọ.
Rồi sẽ bị lãng quên
Nhiều người cho rằng bộ nguyên tắc cũng chỉ là bộ nguyên tắc, nó vốn được yêu cầu thực hiện bằng nhận thức của cả nạn nhân và kẻ “gây án”.
Trước đó, Bộ luật Lao động mới có hiệu lực từ 1.5.2013, lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đề nghj mức xử phạt hành vi này từ 50 – 75 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt trên thiếu căn cứ và khó thực thi. Và cho đến nay, việc phát hiện, tố cáo và xử phạt hành vi quấy rối nơi làm việc vẫn rất hiếm thấy. Trong khi đó, hành vi quấy rối vẫn còn tồn tại mỗi ngày.
Nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc có dám lên tiếng? - ảnh 2
Minh hoạ: DAD
Chị Trần Thị Ngọc cho rằng bộ quy tắc ứng xử rồi sẽ bị lãng quên khi không có biện pháp giải quyết triệt để, nạn nhân khó lên tiếng khi chịu nhiều áp lực trong khi mức xử phạt hoặc đền bù thiệt hại về nhân phẩm và danh dự chưa đủ lớn để nạn nhân chấp nhận bị mất việc để đứng ra tố cáo.
“Đa phần chị em phụ nữ rất ngại nói ra vì sợ điều tiếng, hoặc mất việc, liệu có ai dám đứng ra tố cáo kẻ quấy rối tình dục không? Bộ ứng xử là một chuyện nhưng quan trọng hơn có bảo vệ được phụ nữ mà không làm ảnh hưởng đến công việc?”.
Về phía nam giới, anh Phan Thái Quân (quận 7, TP.HCM): “Đàn ông cũng bị quấy rối chứ không riêng gì chị em phụ nữ. Làm công việc của một huấn luận viên thể hình, tôi thường bị các học viên đồng tính sờ mó, gạ gẫm đôi khi cả những lời mời gọi “vui vẻ” rất thẳng thừng. Thực sự đàn ông thì chẳng thấy mất mát gì nhưng tôi cảm thấy phiền phức và khó chịu. Đôi khi tôi cũng khó ăn nói với người yêu. Còn lên tiếng tố giác thì thực sự tôi vẫn chưa nghĩ ra sẽ bằng cách nào, để vừa ngăn chặn được hành vi gây rồi, vừa đảm bảo được danh dự cá nhân cũng như công việc”.
Nhiều ý kiến đều cho rằng việc ban hành các quy tắc và luật nhằm chống quấy rối nơi làm việc là đúng đắn và cần thiết. Nhưng nhiều quan ngại khi chưa có biện pháp xử phạt hợp lý, và ai sẽ là người đứng ra bảo vệ để giúp những nạn nhân bị quấy rối khi dũng cảm tố giác.

Phan Giang –Hoài Nhơn