10/01/2025

“Chúng tôi cô đơn lắm”

Nhiều bạn trẻ đến khám ở các phòng khám tâm lý và chia sẻ 
họ cô đơn lắm.

 VÔ CẢM TỪ TRONG GIA ĐÌNH – KỲ 2:

“Chúng tôi cô đơn lắm”

 

Nhiều bạn trẻ đến khám ở các phòng khám tâm lý và chia sẻ 
họ cô đơn lắm.



 

Nhiều bạn trẻ thấy cô đơn ngay trong nhà mình - Ảnh: Quang Định
Nhiều bạn trẻ thấy cô đơn ngay trong nhà mình – Ảnh: Quang Định

Mỗi bạn trẻ một câu chuyện, nhưng tựu trung họ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Câu chuyện mặc cảm của chàng trai 25 tuổi

Trong một quán cà phê nhỏ trên đường Hoà Hưng (Q.10, TP.HCM), Thành (con bà Hương trong kỳ 1 – Tuổi Trẻ ngày 25-5-2015) nhả ra những vòng khói thuốc, kể chuyện mình với dáng điệu như nick name mà bạn bè đặt cho anh là “lãng tử”.

Thành là con trai duy nhất trong gia đình có năm chị em, có thể vì vậy mà lúc nào anh cũng cảm thấy bị áp lực từ gia đình.

Chàng trai tâm sự: “Khi ở tuổi mới lớn ăn chưa no lo chưa tới, tôi đã cảm thấy ức chế khi ba mẹ thường so sánh tôi với các chị và coi thường tôi sau này rồi sẽ không lo lắng được cho em gái út”.  

Ức chế đó càng ngày càng lớn hơn khi sự so sánh không còn ở góc độ gia đình mà lan ra so sánh với bạn bè hàng xóm và anh em họ hàng.

“Tôi không thể nào chấp nhận được khi suốt ngày mẹ cứ gào lên rằng nhìn con người ta phát ham, còn con mình nhìn mà thấy chán, biết bao giờ mới được hưởng phúc như nhà người ta” – Thành kể.

Theo Thành, ai cũng nghĩ con trai một sẽ được nuông chiều nhưng anh thì lúc nào cũng phải sống trong lo sợ.

“Sợ không bằng mọi người, sợ tôi sẽ nhu nhược như mọi người nói, sợ không đạt được như gia đình kỳ vọng. Mỗi lần gọi điện hỏi thăm tình hình gia đình, tôi chỉ nhận được sự gắt gỏng của mọi người, cứ như họ đang sợ tôi sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn hoặc sự xuất hiện của tôi sẽ làm họ bệnh nặng hơn. Lắm lúc chỉ muốn đập phá, hét toáng lên” – Thành tâm sự.

Dọn ra ở riêng khi 22 tuổi là cách Thành chọn để được tự lập và tự do hơn. “Lo cho bản thân trước, nếu thành đạt sẽ trở về… chứng minh cho mọi người sau” – Thành cho biết.

Nhưng anh không ngờ quyết định này càng khiến mọi người trong gia đình cảm thấy anh đang tiếp tục đối đầu với họ.

“Mỗi lần tôi gặp khó khăn, họ có giúp đỡ về mặt tiền bạc nhưng với thái độ thiếu tôn trọng làm tôi bị tổn thương vô cùng. Cũng từ đó tôi từ chối tất cả sự giúp đỡ tài chính của gia đình. Lắm lúc tôi đã nghĩ không biết mình có phải là con ruột của bố mẹ hay không” – Thành chia sẻ.

Không được tự quyết định mọi thứ

Nhiều người trẻ khác cô đơn vì họ chưa bao giờ được gia đình coi là đã trưởng thành.

Cho đến khi học năm 4 đại học, mỗi khi ra khỏi nhà, đi học Nam vẫn được bố mẹ đưa đi đón về. Khi ở nhà Nam lầm lũi trong phòng. Cha mẹ Nam tự hào vì con mình ngoan, không giao du bạn bè xấu, không chơi bời, chỉ đến khi người quen tới nhà chơi, tiếp xúc với Nam và khuyên bố mẹ Nam đưa cậu đi gặp bác sĩ tâm lý thì mọi chuyện mới vỡ ra.

Theo Nam, ngay từ nhỏ mọi việc từ ăn gì, mặc gì và chơi trò gì, chơi với ai đều do bố mẹ quyết. Mỗi khi Nam muốn bộc lộ ý kiến, sở thích đều bị bố mẹ dập tắt ngay.

Nam không muốn tham gia những buổi đi chơi, cà phê gặp gỡ bạn bè của bố mẹ vì lạc lõng giữa những người lớn và các câu chuyện của họ. Những lần gặp đó khi có người hỏi han, Nam chưa kịp trả lời thì ba mẹ đã trả lời thay và thường là kèm thêm vài câu “kể tội”.

Ban đầu Nam còn thấy thẹn, giận, muốn nói lại nhưng không được, dần dần cậu “vô cảm”. Những uẩn ức ấy chỉ bùng ra khi được bác sĩ khơi gợi. Sau vài buổi nói chuyện riêng với Nam, với cha mẹ Nam, vấn đề được tháo gỡ dần.

Đến gặp bác sĩ tâm lý, mẹ của Tuấn tuôn trào các câu hỏi tại sao ở ngoài đường con tôi hót như khướu, hoạt bát, năng động nói nhiều cười nhiều, nhưng khi bước chân vào nhà nó lại là một con người khác, lầm lì, khó chịu, chẳng quan tâm đến ai.

Tâm sự với bác sĩ, Tuấn cho biết khi đã lên cấp II ba mẹ vẫn xem Tuấn như một đứa trẻ, buổi sáng ngủ dậy mẹ lấy sẵn kem đánh răng, khăn, nấu sẵn đồ ăn sáng… Dù có phòng riêng nhưng đến tận bây giờ Tuấn vẫn không được phép đóng cửa phòng. Máy tính, bàn học, điện thoại mẹ có thể kiểm tra bất cứ khi nào muốn.

Bạn bè đến nhà, mẹ và ba “thẩm vấn” trước khi được gặp Tuấn. Ước mơ được làm nghệ sĩ khi còn nhỏ xíu của Tuấn bị dập tắt khi mẹ muốn Tuấn làm bác sĩ, ba muốn Tuấn học bách khoa. Tốt nghiệp đại học đi làm, trong chuyến đi chơi biển đầu tiên với công ty, mẹ đưa Tuấn ra tận bến xe và nhờ trưởng đoàn chăm sóc con trai bà cẩn thận cùng với một loạt dặn dò.

Mọi người trong đoàn biết chuyện, cười giễu, Tuấn bình thản vì đã quen với những chuyện như vậy bao nhiêu năm nay. Khi Tuấn vừa quen bạn gái dù chưa đi tới đâu nhưng bố mẹ phát hiện và “khủng bố” bạn Tuấn bằng việc yêu cầu bạn Tuấn phải chăm sóc Tuấn như thế nào, mỗi thứ bảy, chủ nhật phải đến nhà Tuấn nấu ăn cùng gia đình ra sao khiến cô bạn sợ quá… trốn luôn. Từ đó, Tuấn lại càng câm lặng nhiều hơn trong gia đình.

Khi người “vô cảm” khóc

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ cho biết không chỉ ở TP.HCM, rất nhiều phụ huynh các tỉnh cũng đưa con đến gặp bác sĩ để làm rõ vì sao “đứa trẻ” của mình “mà như không phải con mình”, lạnh lùng thờ ơ và gần như không tiếp xúc với người trong nhà.

Nhưng khi gặp riêng, được khơi gợi, lắng nghe thì những bạn trẻ lại nói rất nhiều. Có bạn khi cha mẹ vừa ra khỏi phòng là òa khóc và xin được “bác Huệ ôm con một tí” vì cảm thấy cô đơn và lạc lõng.

Theo thạc sĩ Huệ, tình trạng “vô cảm” trong gia đình đang khá phổ biến và có thể trở thành hiện tượng xã hội nếu không có những nhìn nhận đúng đắn và thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.

“Bọn trẻ nhìn lạnh lùng vậy bởi chúng không biết phải làm sao. Trong cái thể xác lớn lại là những đứa trẻ lúng túng vì không được trang bị kỹ năng sống. Chúng cô đơn lắm!” – thạc sĩ Huệ nói.

 

HỒNG NHUNG – DIỆU NGUYỄN