01/11/2024

Lấy ý dân để quyết định đại sự quốc gia

“Trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, các chuyên gia đã đề cập một tương lai có múi giờ chung, visa chung và đồng tiền chung, lúc đó việc trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết.

 

Lấy ý dân để quyết định đại sự quốc gia

 

“Trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, các chuyên gia đã đề cập một tương lai có múi giờ chung, visa chung và đồng tiền chung, lúc đó việc trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết.



 

 

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Việt Dũng
Ông Đinh Xuân Thảo – Ảnh: Việt Dũng
Hiện nay khâu lấy ý kiến nhân dân, nhất là trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, là việc quan trọng và cần làm thường xuyên. Với trưng cầu ý dân thì chúng ta sẽ thảo luận cơ chế cụ thể để thực hiện. Theo tôi, đã là trưng cầu ý dân thì phải liên quan đến vấn đề quốc gia nói chung, vấn đề lớn mà khi chưa có trưng cầu ý dân thì cơ quan đại diện chưa yên tâm, muốn có tiếng dân, lấy ý dân để làm chỗ dựa cho quyết định cuối cùng. Như vậy thì không nên thoáng đến mức đụng vấn đề gì cũng đưa ra trưng cầu
Ông Đinh Xuân Thảo

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy đã đến lúc chúng ta cần bắt tay vào xây dựng đạo luật về trưng cầu ý dân” – ông ĐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc xây dựng đạo luật trưng cầu ý dân.

Theo ông Đinh Xuân Thảo: “Các nền chính trị trên thế giới có hai cách thức vận hành và hình thức thực hiện quyền lực (chủ quyền) nhân dân là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Trong đó dân chủ đại diện là chủ yếu, còn dân chủ trực tiếp thường được thực hiện dưới các hình thức như bầu cử, bãi miễn các chức danh do dân bầu, sáng kiến của nhân dân trong hoạt động lập pháp, trưng cầu ý dân.

Với trưng cầu ý dân, nhiều nước tuân theo một quy trình chặt chẽ, nghĩa là không phải vấn đề nào cũng đưa ra trưng cầu. Ngược lại, có những nước thường xuyên tổ chức trưng cầu, điển hình như Thuỵ Sĩ, hay một số bang của Hoa Kỳ…

Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải xác định tư tưởng xuyên suốt của đạo luật này là theo mô hình nào, để việc trưng cầu ý dân được thực chất, phù hợp và đạt kết quả tốt nhất trong điều kiện nước ta”.

“Mở toang” ngay thì khó

* Ông ủng hộ theo hướng nào?

– Khi chúng tôi hỏi các chuyên gia Thuỵ Sĩ, họ nói rằng việc họ thường xuyên tổ chức trưng cầu ý dân xuất phát từ truyền thống chính trị và những đặc thù của Thuỵ Sĩ.

Ví dụ như Thuỵ Sĩ là quốc gia có nhiều sắc dân khác nhau trên thế giới di cư đến, cho nên trưng cầu ý dân là hình thức phù hợp để tìm kiếm sự đồng thuận.

Chính các chuyên gia này cũng nói rằng việc trưng cầu ý dân tuy về mặt nguyên lý có những ưu thế hơn so với dân chủ đại diện, nhưng nếu cứ tiến hành thường xuyên thì nhiều khi không đạt kết quả như mục đích đề ra, thậm chí cản trở đến hoạt động của nhà nước…

Cùng với việc hoan nghênh chúng ta quyết tâm xây dựng đạo luật về trưng cầu ý dân, các chuyên gia quốc tế mà chúng tôi tham vấn cũng nói rằng lâu nay chúng ta chưa có luật, nay mới bắt đầu mà “mở toang” ngay thì khó, phải có lộ trình.

Nói một cách hình ảnh thì trong nhà lâu nay đóng kín cửa, bây giờ anh mở cho gió vào thì phải mở từ từ, mở dần, nếu mở toang thì gió thành bão phản tác dụng. Ở đây cũng cần nói thêm rằng ngay với Thuỵ Sĩ, dân chủ đại diện vẫn là nền tảng trong quản trị và vận hành quốc gia.

* Đã “mở” thì nên mở cho thoáng, thưa ông?

– Xu thế phát triển chung của các nền chính trị dân chủ là thực hiện và mở rộng dân chủ trực tiếp, để người dân trực tiếp quyết định những vấn đề đại sự quốc gia. Nước ta cũng vậy.

Chúng ta sẽ thảo luận và đi đến một đạo luật về trưng cầu ý dân. Nhưng nếu nghiên cứu sâu về vấn đề này, ngay cả những nước phát triển ở châu Âu, Mỹ… sẽ thấy rằng trưng cầu ý dân không phải luôn là “chiếc đũa thần”, chạm vào đâu thì vấn đề ở đó được giải quyết.

Trong thực tiễn việc thực hiện trưng cầu ý dân có thể gặp rất nhiều phức tạp. Nhìn nhận vấn đề khách quan như thế là để chúng ta thực hiện quyết tâm một cách khoa học, để có thêm động lực tích cực cho đổi mới đất nước chứ không phải ngược lại.

Phải là vấn đề quan trọng của đất nước

* Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc nên quy định những nội dung gì cần trưng cầu ý dân?

– Việc xác định những vấn đề được trưng cầu chính là cốt lõi của đạo luật. Bước đầu đã có hai loại ý kiến về vấn đề này.

Một là chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Theo đó, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề quan trọng của đất nước.

Hai là, cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, và quy định theo cách trong những vấn đề đó thì tùy thuộc Quốc hội xem xét có thể đưa vấn đề nào ra trưng cầu. Chắc chắn đây sẽ là những nội dung được Quốc hội thảo luận sôi nổi trong thời gian tới.

* Trong trưng cầu ý dân thì khâu quan trọng cuối cùng là quy trình công nhận kết quả trưng cầu. Theo ông, trong dự thảo luật nên áp dụng quy trình nào?

– Đúng là hiện nay đang có những tranh luận chưa ngã ngũ xung quanh vấn đề công nhận kết quả trưng cầu ý dân dựa trên điều kiện nào, quá bán (trên 50% số người tham gia trưng cầu đồng ý), hai lần quá bán (trên 50% tổng dân số tham gia trưng cầu và trên 50% số người tham gia trưng cầu đồng ý) hay quá bán tuyệt đối (trên 50% tổng dân số đồng ý).

Kinh nghiệm một số nước cho thấy “hai lần quá bán” cũng chưa thật có cơ sở vững chắc. Cụ thể ở một nước có 106 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia trưng cầu, 59 triệu người tham gia, như vậy là quá bán lần một.

Kết quả trong 59 triệu người có 32 triệu người đồng ý thông qua, còn 27 triệu người không đồng ý. Coi như hai lần quá bán, cho dù thực tế chỉ có 32 triệu dân / 106 triệu dân đồng ý.

Vấn đề là có 47 triệu cử tri không tham gia trưng cầu, nếu 47 triệu người này đứng về phía 32 triệu người nêu trên thì tốt, nhưng nếu không phải thì sao?

Mà thông thường những người không đi bỏ phiếu là những người không đồng ý, như vậy trong trường hợp này không loại trừ khả năng kết quả trưng cầu không đại diện cho tuyệt đại đa số cử tri cả nước.

Một trường hợp khác cũng đã xảy ra trong thực tế, ở một nước có ba chủ thể được quyền trưng cầu ý dân là tổng thống, thượng viện và hạ viện.

Tổng thống đề nghị đưa ra ba nội dung trưng cầu: một là giảm tổng số đại biểu quốc hội từ 480 người xuống 360 người, hai là bỏ các đặc quyền đặc lợi của các nghị sĩ, ba là tổng thống có quyền giải tán quốc hội.

Ba nội dung đó đưa ra trưng cầu thì nhận được quá bán tuyệt đối, nhưng cuối cùng không được quốc hội phê chuẩn vì đụng chạm đến quyền lợi của nghị sĩ.

Từ các trường hợp nêu trên, tôi cho rằng cần quy định rõ vấn đề nào đã đưa ra trưng cầu ý dân thì phải theo dân. Nghĩa là dù kết quả trưng cầu như thế nào đều bắt buộc áp dụng, với điều kiện kết quả trưng cầu phải thể hiện được quá bán tuyệt đối.

Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội của ta quy định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức việc trưng cầu ý dân nhưng không quy định xử lý kết quả trưng cầu ý dân như thế nào.

Lần này trong dự thảo luật phải quy định rõ Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và Quốc hội ra nghị quyết công nhận kết quả trưng cầu đó.

Trong quá trình trưng cầu ý dân thì sẽ có người ủng hộ, có người không ủng hộ, việc Quốc hội ra nghị quyết về kết quả trưng cầu ý dân có thể được xem như một đạo luật, dù công dân ủng hộ hay không đều phải tuân thủ luật pháp.

Dự kiến ngày 28-5 Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về dự án Luật trưng cầu ý dân. Theo tài liệu tờ trình dự án luật này, đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện