Thần Khí hợp nhất

“Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Khi nói về Thánh Thần, Đức Giêsu đã cắt nghĩa cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, và Giáo Hội phải sống thế nào để là chính mình, để là nơi hợp nhất và hiệp thông trong Chân lý.

 Thần Khí hợp nhất

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Vương cung Thánh đường Vatican
Chúa Nhật, 27/5/2012

Anh chi em thân mến,

Tôi vui sướng được cử hành Thánh lễ này với anh chị em. Thánh lễ trọng kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay được thêm phần sinh động nhờ Ca đoàn Viện Hàn Lâm Thánh nữ Cêcilia và nhờ Dàn nhạc của các bạn trẻ. Tôi xin được gửi lời cảm ơn Ca đoàn và Dàn nhạc. Mầu nhiệm này cấu tạo nên Phép Rửa của Giáo Hội. Đây là một biến cố mang lại cho Giáo Hội, nếu ta có thể nói được như thế, hình thái đầu tiên của Giáo Hội và thôi thúc Giáo Hội làm việc truyền giáo. Và “hình thái” này và sự “thôi thúc” này luôn có giá trị, luôn mang tính thời sự, và được canh tân cách đặc biệt qua hành động phụng vụ.

Sáng nay, tôi muốn dừng lại suy nghĩ về một khía cạnh thiết yếu của Mầu Nhiệm Hiện Xuống, mà đối với chúng ta, vẫn giữ được tầm quan trọng đầy đủ. Hiện Xuống là ngày lễ của sự hợp nhất, của cảm thông và của hiệp thông giữa con người với nhau. Tất cả chúng ta đều có thể ghi nhận rằng, trong thế giới chúng ta đang sống, mặc dầu chúng ta ngày càng sống gần gũi nhau hơn, nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, và những khoảng cách địa lý dường như đã biến mất, sự cảm thông và hiệp thông giữa con người với nhau vẫn thường hời hợt và khó khăn.

Vẫn còn đó những mất thăng bằng lắm khi lại dẫn đến xung đột; đối thoại giữa các thế hệ trở nên khó khăn và đôi khi người ta chỉ biết đối chọi nhau; chúng ta chứng kiến những biến cố thường nhật cho thấy dường như con người trở nên gây hấn hơn và nghi ngờ nhau hơn; thông cảm nhau dường như quá đòi hỏi, do đó, người ta thích khép kín mình trong “cái tôi” của mình hơn, trong những tư lợi của mình. Trong bối cảnh này, liệu rằng chúng ta có thể thật sự tìm ra và sống sự hợp nhất mà chúng ta đang cần đến không?

Trình thuật về ngày Lễ Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I (x. Cv 2,1-11), chứa đựng trong bối cảnh của một trong những đại bích hoạ mà chúng ta có thể tìm thấy ở phần đầu Cựu Ước: câu chuyện cổ xưa kể lại việc xây dựng Tháp Babel (x. St 11,1-9). Nhưng Tháp Babel là gì? Đó là sự mô tả một vương quốc mà trong đó con người đã tập trung được quá nhiều quyền hành, đến nỗi họ nghĩ rằng mình không cần nương tựa vào một vị Thiên Chúa xa vời, và họ đã đủ mạnh để có thể tự mình xây dựng một con đường dẫn đến tận trời cao, để có thể mở cửa trời và chiếm chỗ của Thiên Chúa.

Nhưng chính vào lúc đó, một cái gì lạ lùng và bất thường đã xảy ra. Trong khi mọi người cùng nhau làm việc đế xây tháp, bỗng nhiên họ nhận thấy rằng mọi người đang chống lại nhau trong khi xây tháp. Trong khi họ cố gắng xem mình như thể thần linh, thì họ lại chuốc lấy nguy cơ không còn xem mình là những con người nữa, bởi vì họ đã đánh mất một yếu tố căn bản của hữu thể nhân văn: khả năng đồng ý với nhau, thông cảm nhau và làm việc chung với nhau.

Trình thuật Kinh Thánh này chứa đựng một chân lý ngàn đời; chúng ta thấy chân lý này trong lịch sử, nhưng cũng thấy trên thế giới hiện nay. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, chúng ta đã làm chủ được những sức mạnh của thiên nhiên, thao tác những yếu tố, sáng chế ra những hữu thể sống động, hầu như có thể sáng chế ra con người. Trong bối cảnh này, cầu nguyện với Chúa có vẻ là một cái gì đó đã lỗi thời, bởi vì chúng ta có thể xây dựng và chính chúng ta thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn. Nhưng chúng ta không ý thức rằng chúng ta đang sống lại kinh nhiệm của Tháp Babel. Đúng thế, chúng ta đã gia tăng khả năng tuyền thông, khả năng truyền tin, nhưng chúng ta có thể nói được rằng khả năng hiểu nhau của chúng ta có được gia tăng không? Hay có lẽ, ngược đời thay, lại càng ngày càng ít hiểu nhau hơn? Dường như chúng ta không thấy được một tình cảm bán tin, nghi ngờ, lo sợ đang luồn lách giữa con người với nhau, đến độ xem người anh em là mối nguy cho mình đó sao? Như thế, chúng ta hãy quay lại câu hỏi đầu tiên của chúng ta: hợp nhất và hoà hợp có thể thực sự hiện hữu không? Và như thế nào?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh: hợp nhất chỉ có thể hiện diện nhờ hồng ân của Thần Khí Chúa, Đấng sẽ ban cho chúng ta một quả tim mới và một ngôn ngữ mới, một khả năng mới để liên lạc với nhau. Và đó là điều đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sáng ngày hôm đó, 50 ngày sau Lễ Phục Sinh, một cơn gió mạnh đã thổi đến Giêrusalem, và ngọn lửa Thánh Thần đã hiện xuống trên các môn đệ đang tụ họp, đậu xuống trên đầu mỗi người, và thắp lên trong lòng họ ngọn lửa thần linh, một ngọn lửa tình yêu, có khả năng biến đổi. Các ngài không còn sợ hãi, các ngài cảm thấy tâm hồn mình tràn đầy sức mạnh mới, lưỡi các ngài mở ra và các ngài bắt đầu nói một cách tự do đến độ mọi người có thể hiểu được lời loan báo về Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, nơi đâu có chia rẽ và ghét bỏ, thì nơi đó phát sinh hợp nhất và cảm thông.

Nhưng chúng ta hãy quay lại bài Tin Mừng hôm nay. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu khẳng định: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Ở đây, Đức Giêsu, khi nói về Thánh Thần, đã cắt nghĩa cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, và Giáo Hội phải sống thế nào để là chính mình, để là nơi hợp nhất và hiệp thông trong Chân lý. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng, hành động, với tư cách là Kitô hữu, có nghĩa là không còn khép kín mình trong “cái tôi” riêng tư của chúng ta nữa, mà là mở lòng ra đón nhận mọi sự. Điều này có nghĩa là đón tiếp trong lòng mình toàn thể Giáo Hội, hay đúng hơn, là để cho Giáo Hội đón tiếp mình một cách nội tâm. Vì thế, khi tôi nói năng, khi tôi suy tư, khi tôi hành động với tư cách là Kitô hữu, tôi không thể làm thế, nếu tôi giam mình trong “cái tôi” của mình, nhưng tôi luôn làm thế trong mọi sự và bắt đầu với mọi sự: như thế, Thánh Thần, Thần Khi hợp nhất và chân lý mới có thể tiếp tục hành động trong tâm hồn chúng ta và trong tâm trí mọi người, thúc đẩy mọi người gặp gỡ nhau và đón tiếp nhau.

Khi hành động như thế, Thần Khí dẫn chúng ta vào trong chân lý toàn vẹn là Đức Giêsu, và hướng dẫn chúng ta đào sâu chân lý hơn và hiểu được chân lý: chúng ta không lớn lên trong hiểu biết, khi chúng ta giam mình trong “cái tôi” của mình, nhưng chỉ trong một thái độ khiêm nhường nội tâm sâu xa, chúng ta mới có khả năng lắng nghe và chia sẻ trong “cái chúng ta” của Giáo Hội. Như thế, chúng ta đã hiểu rõ ràng hơn tại sao Tháp Babel là Tháp Babel và Lễ Ngũ Tuần là Lễ Ngũ Tuần. Nơi nào con người muốn mình là Thiên Chúa, thì nơi đó con người không thể làm gì khác ngoài việc nổi lên chống đối nhau. Còn trái lại, nơi nào con người đặt mình trong chân lý của Chúa, thì nơi đó con người mở lòng ra đón nhận hành động của Thần Khí, Đấng nâng đỡ và hợp nhất mọi người.

Sự so sánh giữa Tháp Babel và Lễ Ngũ Tuần cũng được gợi lên trong bài đọc 2. Trong bài đọc này vị Tông đồ nói: “Anh em hãy để cho Thần Khí hướng dẫn và đừng thoả mãn đam mê xác thịt” (Gl 5,16). Thánh Phaolô cắt nghĩa cho chúng ta rằng cuộc đời của mỗi người trong chúng ta đều được đánh dấu bởi một cuộc xung đột nội tâm, bởi một sự chia rẽ giữa những xung lực của xác thịt và những xung lực của Thần Khí; và chúng ta không thể nghe theo tất cả những xung lực đó. Thật thế, chúng ta không thể sống ích kỷ, đồng thời lại sống quảng đại, chúng ta không thể vừa theo khuynh hướng thống trị người khác, lại vừa cảm thấy niềm vui phục vụ cách vô vị lợi. Chúng ta phải luôn chọn lựa đi theo xung lực nào, và chúng ta chỉ có thể làm thế một cách đích thực với sự giúp đỡ của Thần Khí Đức Kitô. Thánh Phalô liệt kê – như chúng ta vừa nghe – những công việc của xác thịt, đó là những tội ích kỷ và vũ lực, chẳng hạn như hận thù, bất hoà, ghen tuông, chia rẽ; đó là những tư tưởng và những hành động không làm cho chúng ta sống một cách nhân bản và Kitô giáo thực sự, trong tình yêu. Đó là định hướng làm cho chúng ta đánh mất sự sống của mình. Còn trái lại, Thánh Thần hướng chúng ta đến những điểm cao xa của Thiên Chúa, để cho chúng ta có thể sống, ngay trên trần gian này, mầm mống sự sống thần linh trong lòng chúng ta. Vì chưng, Thánh Phaolô khẳng định: “Hoa quả của Thần Khí là bác ái, niềm vui và bình an” (Gl 5,22). Và chúng ta hãy ghi nhận rằng vị Tông đồ sử dụng số nhiều để mô tả những công việc của xác thịt, những công việc làm cho hữu thể nhân văn phải phân tán, trong khi đó, thì ngài lại sử dụng số ít để định nghĩa hành động của Thần Khí, ngài nói về “hoa quả”, cũng giống như sự phân tán của Tháp Babel đối nghịch với sự hợp nhất của Lễ Ngũ Tuần.

Các bạn thân mến, chúng ta phải sống theo Thần Khí hợp nhất và chân lý, và để được thế, chúng ta hãy cầu xin Thần Khí soi sáng và hướng dẫn chúng ta, để nhờ thế, chúng ta có thể chiến thắng được quyến rũ đi theo những chân lý của chúng ta, và đón nhận được chân lý của Đức Kitô, được chuyển trao trong Giáo Hội. Trình thuật của Thánh Luca về Lễ Ngũ Tuần nói với chúng ta rằng, Đức Giêsu, trước khi về trời, đã yêu cầu các Tông đồ ở chung với nhau để chuẩn bị lãnh nhận hồng ân của Thánh Thần. Và các ngài đã tụ họp cầu nguyện, cùng với Đức Maria, trong phòng Tiệc Ly, để mong chờ biến cố Chúa đã hứa (x. Cv 1,14). Cùng quy tụ với Đức Maria, trong ngày Giáo Hội được khai sinh, ngày hôm nay Giáo Hội vẫn còn cầu nguyện: «Veni Sancte Spiritus! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến đổ đầy lòng các tín hữu Chúa và đốt lửa tình yêu Chúa trong lòng họ!” Amen.