10/01/2025

Sửa điều 60 Luật BHXH: Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội nhận lỗi

“Tôi cảm thấy mình xấu hổ, cảm thấy có lỗi” – đại biểu Võ Thị Dung, chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM, nói như vậy khi chứng kiến công nhân ngừng việc phản đối điều 60 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 (sửa đổi) vừa qua.

 

Sửa điều 60 Luật BHXH: Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội nhận lỗi

 

 “Tôi cảm thấy mình xấu hổ, cảm thấy có lỗi” – đại biểu Võ Thị Dung, chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM, nói như vậy khi chứng kiến công nhân ngừng việc phản đối điều 60 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 (sửa đổi) vừa qua.



 Tại nghị trường ngày 22-5, bà Dung không phải là đại biểu duy nhất nhận lỗi về điều này.

ĐBQH Nguyễn Thi Quyết Tâm – Ảnh – Việt Dũng
Công nhân đã biết phản ứng trước một chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Sự phản ứng đó đã được Chính phủ lắng nghe 
Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (TP.HCM)

Không chỉ tự nhận lỗi với tư cách đại biểu, bà Võ Thị Dung còn cho rằng bên cạnh việc xem xét sửa đổi điều này thì Quốc hội cũng phải nhận lỗi với người lao động. “Quốc hội phải cầu thị và thật tâm trong lần sửa đổi này. Chứ không phải chỉ sửa rồi nhận lỗi cho có” – bà Dung nói.

Tránh áp đặt không cần thiết

Tại phiên thảo luận tổ về điều 60 Luật BHXH năm 2014, tất cả ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đều thống nhất phải sửa điều 60 theo hướng linh hoạt là cho người lao động được nhận trợ cấp một lần.

Cũng trong tâm trạng “buồn”, “xấu hổ” và tự nhận rằng các đại biểu có một phần lỗi trong việc để thông qua điều 60 Luật BHXH, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng với quy trình biểu quyết “cả gói” chứ không riêng từng điều luật thì nhiều đại biểu cũng sẽ trong tâm trạng như ông vì đã biểu quyết thông qua cả một dự luật, cho dù trong đó còn những điều luật mà bản thân đại biểu chưa thông.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói ông không đồng tình với một số ý kiến cho rằng phản ứng của các công nhân tại TP.HCM và Bình Dương về điều 60 Luật BHXH vừa qua chỉ là phản ứng có tính địa phương và thiểu số: “Đừng coi đó là phản ứng của thiểu số mà gạt đi”.

Ông Nghĩa cho rằng trong nhiều trường hợp pháp luật cần đưa ra những quy định theo hướng lựa chọn để người dân chọn lựa phù hợp với điều kiện của mình, tránh áp đặt không cần thiết.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) – Ảnh: V.Dũng
Quốc hội phải cầu thị và thật tâm trong lần sửa đổi này. Chứ không phải chỉ sửa rồi nhận lỗi cho có
Bà VÕ THỊ DUNG (TP.HCM)

Đừng đổ lỗi cho người lao động

Đại biểu Trần Thanh Hải – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – phân tích hiện có nhiều doanh nghiệp sử dụng chính sách khắc nghiệt với người lao động, người lao động được sử dụng một cách tối đa và chủ sử dụng lao động thường không ký hợp đồng với người lao động quá hai lần.

Ông Hải cho biết theo báo cáo của Chính phủ, trong 80% người hưởng BHXH có đến 72% người hưởng trợ cấp một lần trong thời gian vừa qua là có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm. Điều đó chứng tỏ rất đông người lao động có mong muốn được làm việc lâu dài nhưng khả năng rất thấp.

Những tháng đầu năm 2015 số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,5% (6.300 doanh nghiệp) nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngưng làm việc cũng chiếm 4,5%, điều đáng nói là tăng lực lượng lao động chỉ 2%.

“Rõ ràng khả năng người lao động quay lại làm việc là không cao. Do đó, việc người lao động muốn nhận trợ cấp một lần là điều dễ hiểu” – ông Hải nói.

Đồng ý sửa đổi điều 60 Luật BHXH, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng khi xảy ra việc công nhân ngừng việc tập thể để phản ứng điều luật này ở địa phương thì “chúng ta phản ứng chậm”.

Để xử lý vấn đề, theo ông Tâm, Quốc hội cần có khẳng định về tính đúng đắn của cơ chế, chính sách cũng như quy trình ban hành Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi). Đồng thời, cần phải tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thông tin, vì khi phát sinh vấn đề ở cơ sở thì chính quyền địa phương giải thích, sau đó đến cấp bộ và cấp Chính phủ, nhưng cơ quan ban hành luật thì phản ứng chậm và không có khẳng định về tính đúng đắn của quy trình làm luật và ban hành chính sách. “Nếu có phản ứng nhanh hơn thì vấn đề sẽ được xử lý tốt hơn” – ông Tâm nói.

Ảnh: D.Tấn
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Ảnh: D.Tấn
Nếu có phản ứng nhanh hơn thì vấn đề sẽ được xử lý tốt hơn
Ông NGUYỄN THÀNH TÂM (Tây Ninh)

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) kể bà đã chứng kiến hoàn cảnh một nữ công nhân may túi xách làm việc suốt 18 năm, phải bỏ tiền đóng thêm 21 tháng BHXH nữa để nhận được lương hưu 943.000 đồng mỗi tháng.

“Với số tiền như vậy có sống được không? Ai trả lời được câu hỏi này? Làm sao tôi trả lời được câu hỏi đó” – bà Tâm đặt một loạt câu hỏi. Bà Tâm cho rằng nói công nhân không lắng nghe là phiến diện. Bởi lẽ trong hoàn cảnh như vậy, dù biết rằng nhận trợ cấp một lần là rủi ro nhưng họ không thể làm khác, họ không có lỗi.

Bà Tâm nói việc công nhân ngừng việc tập thể để phản đối một điều luật vừa ban hành là sự việc không vui, không ai khuyến khích, nhưng cá nhân bà đã tìm thấy được điều tích cực trong đó.

“Vì công nhân đã biết phản ứng trước một chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Và sự phản ứng đó đã được Chính phủ lắng nghe” – bà Tâm nói.

Quá trình thảo luận không có ý kiến khác

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH năm 2014 (ngày 20-11) với tỉ lệ đại biểu tán thành là 71,43%, không tán thành 11,87%, không biểu quyết 2,01%, không dự họp 14,69%.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi) nói chung và điều 60 nói riêng được tiến hành đảm bảo đúng trình tự, quy trình quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị định liên quan…

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành, địa phương và của hội đồng thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi); quá trình cơ quan thẩm tra dự án luật của Quốc hội tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và quá trình Quốc hội thảo luận cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết BHXH một lần.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số đại biểu Quốc hội cho biết họ có những băn khoăn về điều 60 khi thảo luận. Tuy nhiên, do việc biểu quyết thông qua không áp dụng cho riêng một điều luật mà cho cả dự luật, do đó dù chưa thật sự thông suốt nhưng nhiều đại biểu đã bấm nút thông qua.

V.V.THÀNH - V.SỰ

Cần sửa theo hướng có lợi cho người lao động

* Ông Nguyễn Tử Phương (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An):

Quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ hoàn toàn việc này, người lao động cần được tự chủ trong việc hưởng quyền lợi BHXH. Người lao động làm việc trong những ngành nghề khác nhau, có người có thể làm việc đến tuổi hưu nhưng có người thì không.

Vì vậy, những người làm việc thời hạn ngắn cần được tự chọn hưởng BHXH đã đóng góp từ đồng lương của mình, không thể bắt họ chờ đến khi tuổi hưu hưởng một lần.

Quy định theo Luật BHXH là bất lợi đối với những người lao động trong thời hạn ngắn, hoặc không theo được công việc dài hạn. Khuyến khích người lao động đóng BHXH thì phải hướng đến quyền lợi của họ, nếu không thì làm sao kêu gọi sự hưởng ứng trong việc đóng BHXH.

* Ông Lê Thành Nhơn (chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương):

Thời gian qua, khi triển khai Luật BHXH mới không cho nhận BHXH một lần, người lao động ở Bình Dương dù không ngưng việc tập thể, nhưng không có nghĩa là họ đồng ý với quy định này. Khi các cơ sở công đoàn của chúng tôi đi triển khai Luật BHXH mới đều nhận được sự không đồng tình của nhiều người lao động.

Theo chúng tôi, Quốc hội nên sửa điều 60 Luật BHXH trở về quy định cũ theo hướng để người lao động có quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc không. Tiền BHXH thật ra là của người lao động nên họ cần có quyền lựa chọn. Hơn nữa, cần sửa luật để phù hợp thực tiễn. Không phải ai cũng làm công nhân tới cuối đời mà bắt họ phải chờ đợi hàng chục năm mới được lãnh BHXH.

Trên thực tế, nhiều công nhân làm khoảng 10-15 năm, tới khoảng 35-40 tuổi họ không làm công nhân nữa. Ở tuổi 35-40, vì một lý do nào đó mà người công nhân phải nghỉ việc, sẽ rất ít công ty nhận họ lại làm vì tuổi họ đã lớn, hoặc cũng có thể họ không còn đủ sức để làm việc ở một số lĩnh vực. Điều này diễn ra rất phổ biến trong lĩnh vực dệt may, da giày, cạo mủ cao su…

Việc sửa luật còn cần thiết vì nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu lãnh BHXH một lần như bị bệnh, đóng tiền học hành cho con… nên cần cho họ có cơ hội lãnh tiền để lo cho gia đình là phù hợp với yếu tố nhân văn, nhân đạo.

Người lao động nào cũng mong khi về già có lương hưu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không phải ai cũng có thể chờ đợi hàng chục năm để lãnh tiền BHXH. Vì vậy cần phải xem xét tới nguyện vọng của công nhân, nhất là trong trường hợp tiền BHXH là tiền của họ đã đóng góp.

* Ông Lê Trọng Nguyên (chánh văn phòng Liên đoàn Lao động Đà Nẵng): 

Nhiều người lao động có nguyện vọng được hưởng BHXH luôn một lần. Liên đoàn Lao động Đà Nẵng cũng thống nhất cần sửa đổi điều 60 để phù hợp với nhu cầu của đại đa số công nhân ở các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân đặc thù của các ngành như dệt may, may mặc, da giày.

H.VĂN - B.SƠN – Đ.CƯỜNG ghi

Đề nghị rà soát lại các nghị định vi hiến

Thảo luận dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, đại biểu Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đặt vấn đề hiệu lực của các kiến nghị sau giám sát.

Ông Tiến nói sau các cuộc giám sát đều đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan liên quan, nhưng nhiều khi kiến nghị có được thực hiện, thực hiện đến đâu không thấy báo cáo.

Vì vậy cần có quy định về quy trình, thủ tục xem xét việc thực hiện kiến nghị và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện kiến nghị đó. Theo ông Tiến, việc giám sát của Quốc hội cần chú trọng đến giám sát các văn bản chứa nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật.

Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị tập trung xây dựng các luật liên quan đến quyền con người mà Hiến pháp 2013 đã quy định.

Ông Nghĩa cho rằng Luật biểu tình, Luật lập hội là hai luật cơ bản trong quyền của công dân, và ông nhất trí với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hai luật này ngay trong Quốc hội khóa XIII.

Ông cũng cho rằng từ sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, những nghị định quy định về quyền con người mang tính chất hạn chế đều là vi hiến. “Kể cả vấn đề thông tin, khám xét mà hạn chế bằng nghị định là vi hiến. Đề nghị Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phải rà soát lại điều này” – ông Nghĩa nói.

Về kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh luôn bị trễ tiến độ, ông Nghĩa cho rằng năng lực của gần 500 đại biểu Quốc hội không thể nào bằng năng lực của cả xã hội. Do đó cần mở rộng cho các chuyên gia, nhà khoa học, người dân cùng tham gia để việc xây dựng luật và pháp lệnh đúng tiến độ.

Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết đến nay vẫn có hai loại ý kiến về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ý kiến này cho rằng thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên…

Ngoài ra, một số ý kiến khác đề nghị không quy định cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết” – ông Lý nói.

Có 30 đại biểu đăng ký và 16 đại biểu đã nêu ý kiến trực tiếp trong phiên thảo luận, theo đó hầu hết đều đồng ý giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã. Đại biểu Hồ Thị Thuỷ (Vĩnh Phúc) nói việc cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp với quy định Hiến pháp và chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.

“Vấn đề là thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã cần được quy định phù hợp và khả thi” – bà Tuỷ lưu ý.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết cùng với việc giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã, cần có các điều kiện như quy định rõ nội dung gì ở cấp này được ban hành để đảm bảo tính chặt chẽ và không trùng lặp với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. 

V.V.THÀNH

V.SỰ – V.V.THÀNH