11/01/2025

Sống chung với sự khác biệt

Nhiều người nhìn nhận các sự kiện xã hội một cách thông thường và rất đỗi bình thường, nhưng cũng có người nhìn nhận một sự kiện theo những khuôn mẫu nào đó và chính những khuôn mẫu này có thể làm cho nhận thức của họ trở thành những định kiến để dẫn vấn đề trở nên phức tạp hơn.

 

Muôn kiểu định kiến – Kỳ 4: Sống chung với sự khác biệt

 

Nhiều người nhìn nhận các sự kiện xã hội một cách thông thường và rất đỗi bình thường, nhưng cũng có người nhìn nhận một sự kiện theo những khuôn mẫu nào đó và chính những khuôn mẫu này có thể làm cho nhận thức của họ trở thành những định kiến để dẫn vấn đề trở nên phức tạp hơn.


 

 

Muôn kiểu định kiến - Kỳ 4: Sống chung với sự khác biệt - ảnh 1
Khi bị định kiến chi phối, nhận xét về một vấn đề, người ta thường có thái độ tiêu cực nảy sinh trên cơ sở những cảm nhận không có cơ sở chắc chắn và cường điệu hóa quá mức về những đặc điểm bề ngoài, về những kiểu ứng xử không giống bình thường và về những hành vi không theo khuôn mẫu.
Nhiều bạn trẻ đã có màn tỏ tình đầy bất ngờ với cách thức chẳng giống ai nhưng lại được người ta trầm trồ thán phục về sức mạnh của tình yêu đôi lứa. Có thể điều đó làm một số người khó chịu nhưng quan trọng là bạn cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc vì điều mình làm cho mình và cho người mình yêu quý.
Những mái tóc nhuộm màu có thể ai đó nhìn chưa quen nhưng phải chăng màu tóc có thể làm người ta có hành vi xấu xí? Vài bạn trẻ đã cười sảng khoái khi so sánh rằng, tại sao các bác lớn tuổi khi tóc bạc thì có thể nhuộm đen còn người trẻ không được nhuộm màu… tóc trắng…! Tóc đen hay tóc trắng, tóc màu hay tóc nhuộm thì cũng chỉ là tóc, mỗi người có thể có cách làm đẹp riêng cho mình trong muôn hình vạn trạng kiểu tóc.
Trong cuộc đời, mọi người đều có những nhu cầu như nhau. Giá trị của con người không phải là họ có nhu cầu gì mà là cách thức để họ thoả mãn các nhu cầu ấy ra sao. Thích tiền và thích có nhiều tiền không phải là điều gì xấu xa mà quan trọng là họ kiếm được tiền bằng cách nào. Nghề nào cũng quý và nghề nào cũng được tôn vinh nếu chúng ta làm nghề với sự trân trọng và sống trọn vẹn niềm tin với nghề. Người sang hoặc hèn không phải chỉ căn cứ trên khối tài sản của họ đang có mà còn tuỳ thuộc vào cách thức làm người của họ như thế nào. Người giàu nhưng thiếu tâm có khi sẽ chẳng bao giờ so sánh được với người nghèo nhưng đầy lòng nhân ái…
Phần lớn định kiến có thể làm con người thiếu khách quan. Tuy vậy, định kiến cũng là một “liều thuốc” giúp mỗi chúng ta tự soi chiếu mình để không có những hành vi quá khác thường đến mức khác người, không có những ứng xử quá bất thường đến mức tầm thường, không có những kiểu sống quá lạ đến mức lố bịch, không có những suy nghĩ quá lãng mạn đến mức lãng xẹt, không có những màn thể hiện trời ơi để người ta ném đá.
Sự khác biệt đa dạng về giá trị sẽ làm cho cuộc sống thêm phần biến hoá và cũng là điều kiện để làm tăng thêm phần giao thoa lành mạnh. Biết mình là ai, mình như thế nào và mình nên làm gì, sẽ giúp chúng ta có những ứng xử phù hợp mà không làm mất đi bản sắc riêng. Sống chung với sự khác biệt là một cách sống có thể làm chúng ta cảm thấy bình an, nhẹ lòng và có nhiều hứng thú trong việc tìm kiếm sự dung hoà và hợp tác… Sự suy diễn và gán ghép có thể làm chúng ta mệt mỏi vì cứ phải băn khoăn tự hỏi là điều đó có đúng như vậy không và cũng sẽ làm chính mình mệt đầu nhức óc.
Nội dung box
Hãy nghi ngờ suy đoán của mình
“Định kiến không đồng nghĩa với kiến thức đúng. Chỉ khi nào bạn tập cách nghi ngờ suy đoán của mình, khắt khe chọn lọc với những thông tin thu thập được, rồi tự kiểm chứng, tìm hiểu những nguồn thông tin đúng đắn, tìm hiểu với chính người trong cuộc (chứ không phải qua tin đồn)… thì định kiến mới có thể thay đổi được. Định kiến từ mỗi cá nhân thay đổi, có thể góp phần thay đổi cách nhìn với cả cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, giúp họ có một cuộc sống dễ chịu hơn”.
Trần Khắc Tùng
(Giám đốc Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại VN)
Thực hiện “bốn cùng” sẽ hiểu được ai đó phần nào
“Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội, thế nên ở mỗi ngữ cảnh sống khác nhau họ sẽ thể hiện những sắc thái khác nhau. Do đó, để đánh giá tổng thể một ai đó là điều rất khó, chúng ta chỉ có thể đánh giá những nét tính cách của người đó trong phạm vi mối quan hệ mà họ tương tác với chúng ta: quan hệ bạn bè, tình nhân, vợ chồng, họ hàng, đối tác. Ngoài ra, như ông bà đã nói, muốn biết một người ra sao, hãy cùng đi, cùng làm, cùng ăn, cùng ở với người ấy. Thực hiện được “bốn cùng” này, chúng ta sẽ hiểu được ai đó phần nào”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung
 (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt)
Chớ vội phán xét
“Giống như muốn đánh giá một quyển sách là hay hoặc dở, ta không nên chỉ nhìn trang bìa đã vội kết luận, phán xét. Ta còn phải lắng nghe nhận xét của mọi người về nó và nhất là phải đọc nội dung một cách kỹ lưỡng thì mới biết một quyển sách có hay không giá trị. Một khu vườn tốt cũng có thể có cỏ dại, ngược lại, không phải tất cả vàng đều là những thứ lấp lánh ánh vàng. Thế nên để hiểu một con người, đừng chỉ tìm hiểu họ mặc gì, hãy tìm hiểu họ là ai”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TS Đinh Phương Duy 
(Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM)