Liên kết truyền hình: Đừng đánh mất khán giả

Qua theo dõi loạt bài Liên kết truyền hình: Trong nhờ đục chịu, ông Lê Quốc Vinh đã có những nhận định dưới góc độ chuyên môn về “đấu trường liên kết khắc nghiệt” này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Liên kết truyền hình: Đừng đánh mất khán giả

 

 Qua theo dõi loạt bài Liên kết truyền hình: Trong nhờ đục chịu, ông Lê Quốc Vinh đã có những nhận định dưới góc độ chuyên môn về “đấu trường liên kết khắc nghiệt” này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 


Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, từng sở hữu một kênh truyền hình ở VN, hiện ông Lê Quốc Vinh là giảng viên của nhiều khoá đào tạo về truyền thông, marketing, PR… và là chủ Tập đoàn truyền thông Le Group.

Giai điệu tự hào - một trong những chương trình liên kết có đầu tư chiều sâu, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như khán giả, đoạt giải chuỗi chương trình của năm tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2015 - Ảnh: Gia Tiến
Giai điệu tự hào – một trong những chương trình liên kết có đầu tư chiều sâu, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như khán giả, đoạt giải chuỗi chương trình của năm tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2015 – Ảnh: Gia Tiến
Mặc dù về thương mại, các kênh truyền hình vẫn có thể đạt doanh thu khủng do số lượng quảng cáo vẫn gia tăng, đơn giá quảng cáo tăng chóng mặt, nhưng sự đơn điệu của chương trình truyền hình đã đến lúc báo động. Rất nhiều khán giả đã quay lưng với truyền hình truyền thống

Trong chuỗi cung ứng dịch vụ truyền hình, trên thế giới có công ty chuyên làm dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, có công ty chuyên làm nội dung. Các kênh truyền hình, ngoài một số chương trình đặc biệt, chủ yếu là tin tức, thì phần lớn mua bản quyền từ các nhà sản xuất nội dung để phát sóng.

Chương trình The Oprah Winfrey Show của nữ hoàng talk show Oprah Winfrey, trong suốt lịch sử 25 mùa với hơn 4.500 tập, đều do công ty của bà là Harpo Production sản xuất và được phát sóng trên các kênh của Đài ABC, Hoa Kỳ.

Điều quan trọng là Harpo Production và cá nhân Oprah Winfrey kiếm tiền từ chính việc sản xuất chương trình được rất nhiều kênh truyền hình khắp thế giới mua bản quyền phát sóng thông qua hệ thống phân phối của CBS Television Distribution và bán bản quyền các sản phẩm phái sinh của họ.

Việc kinh doanh trên các kênh truyền hình, bán quảng cáo để có tiền mua bản quyền và kinh doanh là việc của tự thân các kênh truyền hình đó. Chương trình càng ăn khách thì tiền bản quyền càng cao, phần chia cho nhà sản xuất nội dung càng lớn.

Đó là mô hình hợp tác bình thường và thông dụng đối với tất cả đối tác sản xuất nội dung, không riêng gì các chương trình nổi tiếng. Nhưng ở Việt Nam thì khác.

Nhà sản xuất chấp nhận nhiều rủi ro

Cho dù các đài truyền hình chấp nhận trả tiền bản quyền và chi phí sản xuất, nhưng họ sẽ không phải trả bằng tiền mặt mà bằng quyền quảng cáo được đổi tương đương.

Các doanh nghiệp muốn làm ăn với nhà đài thì phải tự lo kinh phí sản xuất bằng cách tìm kiếm nhà tài trợ hoặc bán số lượng quảng cáo trong phần quyền lợi họ được hưởng. Nghĩa là nhà cung cấp nội dung vừa làm sản xuất, lại vừa phải kiếm tiền giúp nhà đài trang trải chi phí.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi sân chơi này chỉ dành cho một số doanh nghiệp nhất định mà Tuổi Trẻ gọi là “con cưng” của nhà đài. Chỉ có các doanh nghiệp đủ mạnh, vừa có quan hệ kiếm sóng, vừa có năng lực bán tài trợ và quảng cáo trên kênh mới có khả năng trụ vững trên đấu trường liên kết truyền hình khắc nghiệt này.

Nếu không hội đủ các yếu tố trên, doanh nghiệp tay mơ sẽ không có đất sống. Hay nói cách khác, nhà sản xuất nội dung là người chấp nhận rủi ro nhất.

Muốn giảm thiểu rủi ro, họ buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất, đồng nghĩa với việc hi sinh chất lượng chương trình phần nào. Nếu không, phải tìm mọi cách thương mại hóa chương trình để thu lợi nhuận. Ở cả hai cách, người xem truyền hình sẽ là bên chịu thiệt thòi.

Không thể phủ nhận rằng liên kết trong sản xuất truyền hình đã tạo ra được bộ mặt mới về nội dung. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn, có mối quan hệ mua format (định dạng) bản quyền các chương trình hấp dẫn từ nước ngoài đang làm phong phú thêm nội dung các kênh truyền hình Việt Nam.

Nhưng phương pháp hợp tác hiện nay đang hạn chế số lượng các công ty có thể tham gia cuộc chơi, đồng thời không khuyến khích các đối tác đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản xuất, đổi mới hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng chương trình.

Chỉ khi nào các nhà sản xuất chương trình truyền hình chỉ chuyên tâm vào chất lượng chương trình, được trả công xứng đáng với sản phẩm trí tuệ của họ, được trả về đúng vị trí là nhà sáng tạo sản phẩm thuần túy, thì lúc đó chúng ta mới hi vọng có những sản phẩm chất lượng đúng nghĩa.

Sự đơn điệu đã đến lúc báo động

Do phải đảm bảo về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp giành được quyền liên kết với nhà đài chỉ chăm chăm đầu tư các chương trình đang hút khách. Không có gì ngạc nhiên khi cùng thời điểm, người xem chuyển kênh sẽ thấy đài nào cũng phát một chương trình game show thực tế về âm nhạc tương tự nhau, hoặc một chương trình giải trí na ná, quen quen.

Thậm chí có thể trong cùng một buổi tối, cùng một kênh sẽ có đến hai chương trình liên tiếp cùng là truyền hình thực tế thi ca hát.

Mặc dù về thương mại, các kênh truyền hình vẫn có thể đạt doanh thu khủng do số lượng quảng cáo vẫn gia tăng, với đơn giá quảng cáo tăng chóng mặt, nhưng sự đơn điệu của chương trình truyền hình đã đến lúc báo động.

Rất nhiều khán giả đã quay lưng với truyền hình truyền thống. Cùng với sự phát triển của công nghệ kết nối, công nghệ di động, sự nghèo nàn về chủng loại chương trình truyền hình là nguyên nhân khiến một bộ phận lớn khán giả đến với các loại hình dịch vụ truyền hình Internet, video theo yêu cầu.

Rõ ràng là khi chính mình phải tìm kế trang trải cho hoạt động sản xuất, không ai dại gì đầu tư vào các chương trình mang tính mới lạ, mang tính đột phá về ý nghĩa xã hội và giáo dục. Đó là lý do các kênh truyền hình Việt Nam tràn ngập các game show thực tế về âm nhạc, nhảy múa… với việc lặp đi lặp lại những gương mặt người nổi tiếng nhưng cũ kỹ.

Đã đến lúc các đài phải lập lại quy hoạch khung sóng, với một nghiên cứu sâu sắc về định vị người xem truyền hình vào từng thời điểm trong ngày, từ đó sẽ đặt hàng những chương trình phù hợp với từng đối tượng mục tiêu.

Nếu không, chính các nhà đài sẽ đánh mất một lượng lớn khán giả khó tính, chất lượng cao, là đối tượng nhắm đến của chính các khách hàng quảng cáo đang bỏ tiền nuôi dưỡng các kênh truyền hình của họ. Những đối tượng này sẽ tìm kiếm các nền tảng truyền thông kỹ thuật số khác phù hợp hơn. 

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Xã hội hóa truyền hình, hay nói cách khác là hoạt động liên kết giữa các đài với đối tác là những công ty tư nhân để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình, đã diễn ra hơn 10 năm qua, được bàn khá nhiều trong các hội thảo, diễn đàn hay trên báo chí.

Thực tế cho thấy quá trình xã hội hoá truyền hình cũng góp phần làm khởi sắc đời sống truyền hình, góp phần thỏa mãn nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí ngày càng phong phú của người dân, góp phần tăng cường nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, nhân lực…) cho ngành truyền hình.

Bên cạnh những đóng góp lớn, hoạt động liên kết lâu nay cũng còn nhiều bất cập: từ xu thế thương mại hoá, câu chuyện “bán sóng”, cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu sản phẩm truyền hình… đến những sơ sót, sai sót về nội dung, sai phạm những quy định (quảng cáo dư thời lượng, quảng cáo không phù hợp…), bội thực các chương trình truyền hình thực tế dạng giải trí…

Những bất cập này xuất phát từ một “mâu thuẫn” trong quản lý:

Truyền hình là một loại hình báo chí nhưng đồng thời cũng là một ngành dịch vụ. Chúng ta thừa nhận kinh tế thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thật sự thừa nhận tính đa sở hữu trong hoạt động kinh tế truyền hình.

Đành rằng Luật báo chí hiện hành không cho phép thực hiện hoạt động “mua kênh”, “bán sóng”, “tư nhân hoá báo chí” (việc liên kết sản xuất chương trình truyền hình vẫn dựa trên nguyên tắc đài chịu trách nhiệm về nội dung chương trình), nhưng trong thực tế dịch vụ truyền hình đã chạy trong quỹ đạo của cơ chế thị trường.

Cũng cần nói thêm, hầu hết nội dung liên kết sản xuất đều ở mảng giải trí. Hiếm có đơn vị tư nhân nào tham gia sản xuất các nội dung thông tấn báo chí (tin tức, chính luận…). Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình truyền hình công và truyền hình thương mại tồn tại song song.

Hai mô hình này khác nhau không chỉ ở nội dung mà quan trọng là ở phương diện kinh tế. Truyền hình thương mại cố thu hút khách hàng để tăng lợi nhuận, truyền hình công cộng ra sức phục vụ cộng đồng như một thiên chức.

Ở VN, dù không thừa nhận truyền hình tư nhân nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nếu cứ nhập nhèm quản lý (nhà nước – tư nhân), nhập nhèm kênh (quảng bá, công cộng và kênh thương mại), nhập nhèm giữa thị trường và bao cấp thì tình trạng “lách”, “con cưng” còn dài dài.

“Sở hữu tư nhân” trong dịch vụ truyền hình – nhất là truyền hình giải trí – là xu thế. Vấn đề là “truyền hình nhà nước” phải giữ vai trò chủ đạo như thế nào trong hoạt động kinh tế này và cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp quản lý hữu hiệu để hạn chế những bất cập mà công luận lên tiếng lâu nay.

Quá trình phát triển của ngành truyền hình cả nước đang dần hoàn thiện, tuy nhiên đôi nơi đôi chỗ, tư duy quản lý hệ thống truyền hình theo cơ chế xin – cho, mệnh lệnh hành chính, nửa bao cấp – nửa thị trường hiện vẫn tồn tại.

ThS PHAN VĂN TÚ (Khoa báo chí – truyền thông Đại học KHXH&NV TP.HCM)

 

LÊ QUỐC VINH