13/11/2024

Thư ký = bồ nhí của sếp ?!

Có những người hay nhìn vẻ bề ngoài và những loại công việc để vội phán xét người khác. Những kiểu thành kiến như vậy nhiều khi làm thui chột những ước mơ trong sáng.

 

Muôn kiểu định kiến – Kỳ 2: Thư ký = bồ nhí của sếp ?!

 

 

Có những người hay nhìn vẻ bề ngoài và những loại công việc để vội phán xét người khác. Những kiểu thành kiến như vậy nhiều khi làm thui chột những ước mơ trong sáng.


 

 

Muôn kiểu định kiến: Thư ký = bồ nhí của sếp ?!Thư ký văn phòng là một nghề chân chính, nhưng lại bị định kiến không hay – Ảnh: shutterstock
Làm dâu trăm họ
Phan Thị Mỹ Duyên, sinh viên Trường CĐ Bách Việt TP.HCM, ấm ức: “Từ khi vào học ngành thư ký văn phòng, em rất buồn khi nhận thấy xã hội định kiến nặng nề về nghề này. Có những người hỏi em nghề này học những gì? Đến khi em kể ra các môn học thì người ta bảo nghề này cần gì phải học lắm thế! Có lẽ do ấn tượng không hay từ phim ảnh nên họ cứ nghĩ thư ký là bồ nhí của sếp, chỉ cần tận dụng vốn tự có của mình để chiều lòng sếp thì tất cả mọi thứ đều ngon lành cả. Tụi em rất bức xúc với những định kiến thiếu căn cứ đó!”.
Học cùng ngành thư ký văn phòng với Mỹ Duyên, Hồ Tài Liên Vy (quê Long An) cũng mang tâm trạng tương tự. Liên Vy khẳng định đây là ngành ba Vy chọn cho “con gái rượu” bởi những lý do: không muốn con mình cực khổ, sau này chủ yếu được ngồi làm việc trong phòng máy lạnh chứ không phải dang nắng dang mưa… Cô sinh viên này chia sẻ: “Từ thế học bị động, dần dần em thấy thích ngành nghề này. Nhưng càng đi sâu tìm hiểu, em càng nhận ra thư ký văn phòng cũng rất vất vả, có nhiều áp lực chứ không phải nhàn hạ như nhiều người tưởng”.
Học hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đi trước, Liên Vy và Mỹ Duyên có cùng quan niệm: Thư ký văn phòng chẳng khác gì làm dâu trăm họ, thậm chí có khi còn như “Ô sin cao cấp”. Họ phải khéo léo xử lý các mối quan hệ đan xen, không kém phần phức tạp giữa cấp trên cấp dưới, đồng nghiệp, đối tác… “Tiếc là có một số thư ký đã tạo nên hình ảnh không mấy thiện cảm trong mắt thiên hạ, khiến người ta cứ vơ đũa cả nắm khi đánh giá về nghề này. Thực ra, đó chỉ là tình trạng vài con sâu làm rầu nồi canh mà thôi”, Liên Vy tự an ủi.
Nghề sang – không sang
“Học tâm lý ra mà sao không chọn làm truyền thông, lên nói chuyện trên truyền hình cho dễ nổi tiếng và có thu nhập cao? Sao lại chọn làm giáo viên ở cơ sở xã hội vừa không sang, vừa cực nhọc mà không có nhiều tiền?”. Lâm Thị Ngọc Diệu, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thường gặp những câu hỏi như vậy từ bạn bè và những người thân quen, từ khi cô về dạy tại Trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè khoảng 1 năm nay.
Cô giáo trẻ Ngọc Diệu bộc bạch: “Tôi thấy quan niệm trên là rất phiến diện. Tôi chọn công việc này là do tôi yêu thích và đó còn là cái duyên. Với tôi, nghề nào cũng cao quý. Vì vậy, tôi sẽ vượt qua những định kiến của số đông để đi theo con đường mình đã chọn”.
Khi quyết định bỏ nghề cơ khí sang nghề làm tóc, anh Nguyễn Tiến Dũng (quê Thanh Hoá, hiện là chủ Salon Dũng T&D tại H.Nhà Bè, TP.HCM) bị bố mẹ phản đối quyết liệt, vì cho rằng nghề này không “sang”. Thời gian đầu mới ra mở tiệm, ngay bản thân anh cũng bị ảnh hưởng bởi định kiến. Anh thổ lộ: “Bạn bè tôi làm kỹ sư, công an, viên chức này nọ, nên tôi cũng thấy phần nào mắc cỡ. Những buổi họp mặt đồng hương lúc đó, tôi rất ít tham gia vì ngại. Sau này khi đã nổi tiếng, đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc thì mình mới cảm thấy tự tin hơn”.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM, cho biết: “Nhiều phụ huynh hãnh diện khi con học ĐH, CĐ. Họ không quan tâm đến sở trường, sở đoản của con cái cũng như nhu cầu của thị trường lao động. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều người học xong ra làm trái nghề, hoặc không biết làm gì, gây nên sự lãng phí rất lớn cho bản thân người học, cho gia đình và xã hội”, ông Sang lưu ý.
Ý kiến
Không thể thiếu họ dù chỉ một ngày
Khá nhiều bạn trẻ và phụ huynh hiện vẫn còn phân biệt ngành nghề sang – hèn. Chính những nhìn nhận định kiến đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của bạn trẻ trong việc chọn nghề chưa đúng với sức học, năng lực, hoàn cảnh của mình. Trên thực tế, có rất nhiều nghề mà người ta cho là chưa sang nhưng lại vô cùng hữu ích.
Tiến sĩ giáo dục học Thạc Ngọc Yến
Thấy bác sĩ giàu sang nên định hướng theo
Ngày trước, gia đình tôi thấy nghề bác sĩ giàu sang nên định hướng cho tôi theo. Thời gian đầu vào học, tôi cũng thấy bị áp lực nhiều lắm. May mà càng học, tôi càng thấy mình phù hợp nghề y.
Hoàng Thị Thảo Yến (Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Thất học là phải làm thợ hồ ?
Những phụ huynh có con em thi vào trường y thì hay khoe, còn thi vào các khối ngành nông lâm, thuỷ sản thì không thèm kể đến. Tôi thấy rằng, thợ hồ cũng cần phải có tay nghề, không có gì xấu, nhưng lại bị mọi người hay đem ra so sánh với việc thất học của con cái.
Đinh Ngọc Minh (Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)

Như Lịch