11/01/2025

“Vào trường áp giải học sinh lớp 12”: Hãy cho em một cơ hội

TAND tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận tạm đình chỉ thi hành án cho Đ.Q.T. (học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.

 

“Vào trường áp giải học sinh lớp 12”: Hãy cho em một cơ hội

 

Sáng 15-5, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk – cho biết TAND tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận tạm đình chỉ thi hành án cho Đ.Q.T. (học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.




 

 

Ảnh minh hoạ.

Theo ông Rơi, sáng 14-5 công an tỉnh đã mời liên ngành toà án, viện kiểm sát và các ngành liên quan họp xét cho bị án T. được tại ngoại để thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới. Tuy nhiên, đại diện TAND tỉnh có mặt trong cuộc họp đã không chấp nhận đề nghị này.

“Lãnh đạo TAND tỉnh nói bị án T. không thuộc đối tượng được tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Bộ luật hình sự. Hơn nữa, toà án cho rằng hiện thời gian đăng ký dự thi không còn nên không cần thiết phải tạm đình chỉ, cứ để T. tiếp tục chấp hành án. Công an tỉnh thấy có thể cho em này về để thi tốt nghiệp THPT nên đã đề xuất nhưng toà không chấp nhận. Thẩm quyền quyết định là ở toà án” – ông Rơi thông tin.

Như đã thông tin trong bài “Vào trường áp giải học sinh lớp 12” (Tuổi Trẻ ngày 19-4), Đ.Q.T. bị công an đến áp giải khi đang học ở trường. Ngày 22-4, ông Nguyễn Minh Hoàng – chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột – hướng dẫn trênTuổi Trẻ rằng gia đình T. làm đơn gửi ông xem xét, giải quyết ngay để thi tốt nghiệp THPT.

Ông Hoàng cũng nói nếu một trong hai ngành công an, viện kiểm sát có đề xuất, toà án sẽ chấp nhận ngay. Gia đình ông Đỗ Quang Thanh (cha của T.) đã làm đơn gửi đến nhiều nơi xin cho con được tạm đình chỉ thi hành án để về đi thi. Thế nhưng 23 ngày sau hướng dẫn của ông Hoàng, mọi việc không hề thay đổi.

Bị án trong vụ án này đáng được tạm hoãn thi hành án để thi tốt nghiệp bởi đó là 12 năm phấn đấu không ngừng của em ấy. Tuột khỏi cơ hội thi tốt nghiệp lần này, có thể cuộc đời em sẽ rẽ sang hướng khác. Khi người áp dụng pháp luật không thể làm tốt hơn cho tương lai bị án thì cũng không nên làm tăm tối tương lai của em
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG

Tòa không chấp nhận hoãn thi hành án

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Hữu – chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk – khẳng định “không thể làm trái pháp luật” trong trường hợp này. Ông Hữu nói bị án T. không thuộc đối tượng được tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án nên tòa án tỉnh không thể chấp nhận đề xuất của ngành công an. “Nếu chúng tôi làm trái quy định thì cấp trên sẽ kỷ luật chúng tôi” – ông Hữu lý giải.

Về việc ông Nguyễn Minh Hoàng thông tin trên Tuổi Trẻ rằng khi một trong hai ngành công an, viện kiểm sát có đề xuất tạm đình chỉ thi hành án cho T. thì toà sẽ chấp nhận, ông Hữu trả lời: “Anh Hoàng nói là việc của anh ấy, sao có thể làm trái pháp luật được”.

“Các ngành, dư luận cũng nói có thể “vận dụng” để T. được về thi cử nhưng chúng tôi không thể làm khác. Bản thân toà án tỉnh không thể chấp nhận một việc không quy định trong pháp luật” – ông Hữu khẳng định.

Cùng ngày, ông Đỗ Quang Thanh cho biết nhà trường có gọi điện hỏi gia đình T. đã được tạm tha chưa để lên trường thi bù học kỳ II, lấy điểm thi tốt nghiệp. Vợ chồng ông Thanh đã đến cảm ơn nhà trường và thông báo T. không thể dự thi.

“Chúng tôi rất hi vọng cháu được về thi tốt nghiệp THPT nên đã đến nhiều cơ quan gửi đơn theo hướng dẫn. Thế nhưng toà án không chấp nhận, gia đình chúng tôi chẳng biết phải làm sao cả” – ông Thanh buồn bã.

Cũng theo ông Thanh, gia đình ông đã có đơn gửi tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giám đốc thẩm bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk.

Ông Thanh cho rằng hai cấp tòa tại Đắk Lắk áp dụng bản giám định pháp y quá hạn, không khám trực tiếp bị hại mà tuyên phạt con ông là không hợp lý. Ngoài ra trong vụ tai nạn, T. không phải là người có lỗi hoàn toàn mà do bị hại chuyển hướng đột ngột không báo trước.

Áp dụng pháp luật không thể giống cái máy!

Thẩm phán Phạm Công Hùng, toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, cho rằng trước khi ra một quyết định cần xem xét hành vi của bị án này có thuộc loại đặc biệt nguy hiểm cho xã hội không, việc bị án được hoãn thi hành án có thể gây ra điều gì đặc biệt nghiêm trọng làm tổn hại đến cá nhân ai hoặc cộng đồng và xã hội không?

Thực tế lý do T. xin hoãn thi hành án để thi tốt nghiệp và việc thi tốt nghiệp này không thể làm tổn hại đến ai, không gây nguy hiểm gì cho cộng đồng và xã hội.

Thứ hai, về người áp dụng pháp luật, kinh nghiệm mấy chục năm làm thẩm phán cho thấy học luật không khó, thậm chí chỉ cần thuộc các điều luật, các quy định có sẵn là được.

Nhưng việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống rất khó, đòi hỏi người áp dụng pháp luật, thay mặt Nhà nước ra những quyết định liên quan đến tài sản, quyền lợi của chính các cá nhân trong xã hội nên cần phải vận dụng sao cho pháp luật vừa nghiêm minh để răn đe, vừa nhân văn để mang tính giáo dục.

Trong trường hợp bị án T., đúng là không có quy định nào cụ thể về việc cho bị án hoãn thi hành án để thi tốt nghiệp hoặc thi đại học, bởi luật được đội ngũ chuyên gia làm ra và thông thường không thể nào theo kịp được sự phát triển của xã hội.

Luật cũng không thể nào quy định hết mọi tình tiết trong cuộc sống vì xã hội luôn luôn vận động và thay đổi, chính bởi vậy, tất cả dự án luật đều được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu thế chung.

“Công chức làm công việc tại tòa án là người được Nhà nước giao thẩm quyền quyết định pháp luật cần có cái nhìn tổng quan về pháp luật cũng như điều kiện, nhân thân, tình trạng của từng con người cụ thể trước khi đưa ra một quyết định có thể làm tàn lụi cuộc đời họ hoặc tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt hơn. Đó chính là điều cần ở một người xử án. Còn nếu áp dụng pháp luật một cách máy móc, cứng nhắc thì chỉ cần một lập trình xét xử chứ không cần đến sự hiện diện của con người” – thẩm phán Hùng nói.

Ông Hùng khẳng định bị án trong vụ án này rất đáng được tạm hoãn thi hành án để thi tốt nghiệp bởi đó là 12 năm phấn đấu không ngừng của em ấy. Tuột khỏi cơ hội thi tốt nghiệp lần này, có thể cuộc đời em sẽ rẽ sang hướng khác. Khi người áp dụng pháp luật không thể làm tốt hơn cho tương lai bị án thì cũng không nên làm tăm tối tương lai của em.

Trường tạo mọi điều kiện để T. thi tốt nghiệp THPT

Sáng 16-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Trường THPT Buôn Ma Thuột khẳng định trường sẽ làm hết khả năng để T. dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay nếu T. được hoãn thi hành án phạt tù.

Lãnh đạo trường dẫn quy định của Bộ GD-ĐT “chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi”.

Do đó, trong tuần tới trường sẽ gửi thông báo cho gia đình T. và Sở GD-ĐT (riêng trường hợp của T.). Tuy nhiên, nếu T. được hoãn thi hành án, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để em được dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.

Khi ấy, trường sẽ làm công văn xin ý kiến của Sở GD-ĐT. Nếu Sở GD-ĐT đồng ý, trường sẽ giúp em ổn định tâm lý, tổ chức ôn tập, kiểm tra bù để lấy điểm thi học kỳ, tổng kết năm học.

Lãnh đạo trường cũng nhắn nhủ: “Trường vẫn đợi và sẽ tạo mọi điều kiện để em dự thi. Nhưng cần lưu ý việc em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay hay không phụ thuộc vào năng lực của em nữa…”.

Dưới góc độ nhà giáo, lãnh đạo này tâm sự việc T. dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho tương lai của em. “Đó cũng là dịp để em nhìn nhận thiếu sót của mình, cảm nhận được những giá trị nhân văn của xã hội, những người xung quanh để sống tốt hơn”.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Thức – chánh văn phòng, người phát ngôn Sở GD-ĐT Đắk Lắk – cho biết về điểm số, nhà trường sẽ tạo điều kiện để T. ôn tập và thi lại.

“Nhưng về mặt hạnh kiểm theo thông tư 58, nếu trường xin ý kiến của sở thì sở cũng phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Tinh thần của sở là luôn vì học sinh thân yêu, tạo mọi điều kiện cho học sinh trong khả năng của mình. Nhưng trong những vấn đề thuộc quy định của luật pháp, quy định của Bộ GD-ĐT thì sở cũng không tự vượt qua được” – ông Thức phân tích.

Bên cạnh đó, ông Thức cũng cho biết hiện đã quá thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, nhưng đến ngày 30-5 mới duyệt danh sách dự thi chính thức.

* Ông NGUYỄN SƠN (phó chánh án TAND tối cao): 

Sẽ rút hồ sơ xem xét lại

Tôi đã xem hai bản án của các cấp tòa tỉnh Đắk Lắk và thấy rằng bị án cũng có lỗi trong vụ việc dù phía bị hại có lỗi. Hậu quả của vụ việc là bị hại bị tổn hại sức khoẻ rất nhiều nhưng đến nay, bị án và gia đình bị án chưa bồi thường tiền cho bị hại.

Tuy nhiên, TAND tối cao sẽ quyết định cho rút hồ sơ vụ việc và giao toà hình sự TAND tối cao xem xét lại toàn bộ để đánh giá những tình tiết trong hồ sơ vụ việc, cũng như những nội dung được nêu trong đơn khiếu nại của gia đình  bị án đã gửi.

H.BÌNH – TR.TÂN – H.ĐIỆP