28/11/2024

Học chữ ở trại giam

Họ là những phạm nhân đang thụ án ở Trại giam Gia Trung thuộc Bộ Công an, đóng tại xã Đăk Ta Ley, H.Mang Yang (Gia Lai). Kẻ đôi mươi, người tóc ngả bạc cùng bập bẹ từng con chữ và giáo viên không ai khác là những quản giáo.

 

Học chữ ở trại giam

 

 

Họ là những phạm nhân đang thụ án ở Trại giam Gia Trung thuộc Bộ Công an, đóng tại xã Đăk Ta Ley, H.Mang Yang (Gia Lai). Kẻ đôi mươi, người tóc ngả bạc cùng bập bẹ từng con chữ và giáo viên không ai khác là những quản giáo.

 

 

Phạm nhân Đinh Thị Hòa (54) tuổi là “học sinh” lớn tuổi nhất

Phạm nhân Đinh Thị Hòa (54) tuổi là “học sinh” lớn tuổi nhất

Nếu không có bảng hiệu và chốt bảo vệ, hàng rào kiên cố trước cổng, hẳn ít ai nghĩ một vùng hàng trăm ha đất mướt màu xanh cây trái lại là nơi thụ án của hàng ngàn phạm nhân, đa số là trọng án.
Học tiểu học tuổi… 54
Nhìn Nguyễn Cao Thành (29 tuổi) nắn nót từng con chữ, nếu không mặc bộ áo quần phạm nhân, khó ai có thể biết rằng Thành đang chịu án 19 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Thành chia sẻ: “Nhà em có 6 anh em, em là con đầu. Mới học lớp 2 em đã nghỉ học vì gia cảnh khó khăn. Em biết em sai nhiều rồi. Em sẽ chịu khó cải tạo để được giảm án, mong ngày về. Còn thời gian làm lại phải không anh?”. Vào trại từ 8.1.2013, vốn chữ nghĩa bập bẹ như có cánh bay đâu mất từ lâu, Thành được học lớp xoá mù rồi học tiếp lên nữa để lấy chứng chỉ bậc tiểu học. Thành khoe đã viết, đọc được tương đối. Vừa rồi Thành viết thư về nhà xin mọi người lượng thứ cho sự nông nổi của mình, hứa cải tạo tốt.
Riêng Nguyễn Văn Khoẻ (37 tuổi) ở xã An Phú, TP.Pleiku (Gia Lai) thì chịu án 19 năm 6 tháng, tội đánh bạc và trộm cắp tiêu thụ tài sản. Còn nhớ người dân xã An Phú và các khu vực lân cận luôn bất an khi nói đến Khoẻ. Chỉ một chút sơ hở, tài sản đã bị Khoẻ nẫng mất. Khoẻ học đến lớp 4 thì nghỉ học vì “chữ không vào đầu được”. Hiện Khoẻ đang được học xen giữa những buổi đi lao động. Lúc chúng tôi đến, Khoẻ đang ê a với bài thơ thuộc lòng:
Tối mẹ về xuýt xoa
Bé oà lên nức nở
Vết ngã giờ mới nhớ
Mẹ thương thì mới đau
Khỏe kể mình có hai con trai, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ đang học lớp 5 và hứa “sẽ cố gắng cải tạo để có ngày được trở về với vợ con, người thân”.
Còn phạm nhân Phyai (29 tuổi) ở xã Đăk Roong, H.Đăk Đoa (Gia Lai) đã có vợ và hai đứa con, đứa lớn năm nay đã lên lớp 4. Trong một lần không kiềm chế bản thân, Phyai gây thương tích cho người khác, bị kết án 5 năm 6 tháng tù. “Em vào đây từ tháng 7.2012. Em không biết chữ nên đi làm giấy tờ toàn phải điểm chỉ thôi. Giờ em đã viết, đọc được rồi. Em sẽ cố gắng cải tạo để tu sửa và chuộc lại lỗi lầm của mình. Nghĩ lại thấy ân hận nhiều rồi. Án tù này là xứng đáng thôi. Mình gây ra tội thì mình phải chịu”, Phyai trải lòng
“Học sinh” già nhất là Đinh Thị Hoà (54 tuổi) quê ở Thái Nguyên. Vì vận chuyển trái phép chất ma túy, năm 2013, bà Hoà bị kết án 20 năm. Phạm nhân đang hoàn thành chương trình lớp 5 này nói: “Hai con gái của tôi vào thăm, nghe mẹ đang được học chữ cũng vui lây. Sai thì cũng đã sai rồi. Học chữ, xem được báo, sách giúp mình hiểu ra nhiều điều và muốn làm người lương thiện…”.
Gieo lòng hướng thiện
Những lớp học xóa mù như thế này được Trại giam Gia Trung tổ chức từ hơn mười năm nay. Đã có hàng ngàn phạm nhân được học văn hoá, học các nghề như thêu ren, mộc dân dụng… giúp họ tự tin hoà nhập cộng đồng khi mãn hạn tù. Đại úy Phạm Sỹ Phong, Đội trưởng Đội Giáo dục – hồ sơ của trại, cho biết: “Hiện chúng tôi có 5 lớp xoá mù với 70 phạm nhân, 5 lớp phổ cập tiểu học với 55 phạm nhân. Những phạm nhân mù chữ hoặc chưa hoàn thành bậc tiểu học trong độ tuổi từ 16-55 sẽ được chúng tôi tổ chức dạy. Chúng tôi kết hợp với Trường tiểu học Đăk Ta Ley và Phòng Giáo dục H.Mang Yang. Chương trình dạy học do chúng tôi đảm nhiệm, giống chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành. Cứ đến kỳ kiểm tra, các thầy cô của trường tiểu học vào ra đề, chấm bài. Giấy chứng nhận tốt nghiệp do phòng giáo dục cấp”.
Phạm nhân Nguyễn Văn Khỏe tập đọc sách ở thư viện của trại giam

Phạm nhân Nguyễn Văn Khoẻ tập đọc sách ở thư viện của trại giam

Nhiều năm nay, phạm nhân của các lớp học như thế này đã quá quen với những cái tên như quản giáo Long, Phong, Kiên… Đến mỗi lớp học của từng phân trại, thấy đại uý Phong không cầm theo hồ sơ nhưng vẫn nhớ vanh vách từng trường hợp phạm nhân, mới hiểu rằng phải có tâm mới cảm hoá được những phạm nhân trọng án này. Những phạm nhân tham gia các lớp học cũng đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trình độ hạn chế, nhiều người chỉ nói rặt tiếng địa phương, chưa hiểu nhiều tiếng phổ thông nên việc dạy chữ của những quản giáo ở đây càng khó khăn.
Vừa chỉ cho phạm nhân Nay H’lut, xã Chư Mố, H.Ia Pa (Gia Lai) làm toán, thiếu uý Nguyễn Trung Kiên, cán bộ quản giáo của trại giam nói với chúng tôi: “Độ tuổi của phạm nhân không đồng đều, với lại họ cũng lớn tuổi nên quá trình tiếp thu bài vở có khó khăn hơn. Chúng tôi phải có phương pháp riêng để truyền đạt cho phạm nhân dễ hiểu. Qua nhiều kỳ kiểm tra, đa số phạm nhân đạt kết quả. Họ đọc, hiểu tương đối, cộng với quá trình đọc sách ở thư viện nữa nên chúng tôi cũng tạm yên tâm”.
Nhiều quản giáo của trại kể nhiều khi đi lao động, có phạm nhân quên bài, tới thưa hỏi. Quy định của trại là giờ nào việc đấy, nhưng gặp những lúc như vậy, cũng đành “mở” cơ chế!
Phạm nhân Nay H’lut (29 tuổi) bị kết án 13 năm tù về tội giết người, đã thụ án gần 7 năm, tâm sự: “Cán bộ quản giáo dạy nhiều, mình cũng hiểu rồi. Mình vừa được giảm án 4 tháng đấy. Ngày trước do theo bạn đi chơi, uống rượu rồi phạm tội. Tỉnh rượu thì đã muộn rồi. Mình ân hận lắm rồi, muốn cải tạo tốt để về nhà thôi. Mình đọc rõ rồi, chỉ viết chưa đẹp lắm thôi”.
Lớp học xóa mù chữ được tổ chức thường xuyên - Ảnh: Trần HiếuLớp học xoá mù chữ được tổ chức thường xuyên – Ảnh: Trần Hiếu
“Giáo dục người phạm tội hướng thiện là việc làm rất khó khăn. Ngoài sự cố gắng của chúng tôi thì sự chung tay của chính quyền, người thân của phạm nhân, dư luận xã hội, các đoàn thể… là rất quan trọng. Những phạm nhân được học chữ, học nghề là hành trang mà chúng tôi muốn trang bị cho họ để họ hoà nhập cộng đồng khi mãn hạn tù; hối cải việc mình đã gây ra, hướng đến cái thiện, khơi dậy lòng nhân…”, đại tá Phạm Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung, đúc kết.
Hơn 2.700 lá thư xin lỗi
Mới đây, phong trào “Viết thư xin lỗi” được Ban giám thị của trại giam phát động. Hầu hết những phạm nhân của các lớp học xoá mù và phổ cập tiểu học cũng như những phạm nhân khác đã viết thư xin lỗi gia đình, người thân, người bị hại.
Đại úy Phạm Sỹ Phong chia sẻ: “Tổ chức cho phạm nhân viết thư nói lên những suy nghĩ, cảm nhận thật của mình, đó là sự ăn năn, hối cải, nhận thức thật sự về việc làm sai trái của bản thân đối với người bị hại, thân nhân người bị hại; thân nhân của mình hoặc các cơ quan tổ chức xã hội là một việc làm rất cần thiết và mang tính nhân văn, nhưng không hề đơn giản. Đây là hoạt động khơi dậy lòng hướng thiện, sự ăn năn hối lỗi của phạm nhân, giúp họ gạt bỏ phần nào cảm giác giày vò, day dứt lương tâm đối với những tội lỗi họ đã gây ra”.
Sau hơn 4 tháng triển khai, đã có hơn 2.700 bức thư của phạm nhân, trong đó có hơn 700 thư gửi cho gia đình bị hại, 614 thư gửi cho thân nhân người bị hại. Phạm nhân mang trọng án Nguyễn Ngọc Huy đã viết thư cho gia đình người bị hại sau 7 năm thụ án: “…
Đã bảy năm trôi qua nhưng chưa giây phút nào cháu quên được tội lỗi của mình đã gây ra. Sự day dứt, dằn vặt đè nặng trong lòng, ám ảnh vì mình đã gây ra nỗi đau cho người khác. Cháu xin gửi đến cô lời xin lỗi từ tận sâu trong tâm hồn…”. Còn Lê Quốc Tuấn gửi thư cho mẹ: “Con thật sự ân hận, con muốn xin lỗi mẹ nhưng không thốt nên lời. Con đã khóc rất nhiều vì mẹ luôn nghiêm khắc, mong cho con trở thành người tốt nhưng con chẳng bao giờ hay biết điều đó…”. Rất nhiều thư phản hồi đã thông cảm và tha thứ cho phạm nhân.

Trần Hiếu