Hãy biết huyết áp của bạn

Tăng huyết áp là bệnh dễ chẩn đoán, đa số điều trị sẽ đạt mức huyết áp bình thường, duy trì điều trị sẽ giúp hạn chế những biến chứng của bệnh này. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan sẽ dẫn đến rủi ro.

 

Hãy biết huyết áp của bạn

 

Tăng huyết áp là bệnh dễ chẩn đoán, đa số điều trị sẽ đạt mức huyết áp bình thường, duy trì điều trị sẽ giúp hạn chế những biến chứng của bệnh này. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan sẽ dẫn đến rủi ro.




 

 

Tự đo huyết áp tại nhà - Ảnh: T.T.D.
Tự đo huyết áp tại nhà – Ảnh: T.T.D.

Ngày 17-5 hằng năm, Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới tổ chức Ngày tăng huyết áp thế giới. Trong giai đoạn năm năm 2013-2018, chủ đề của Ngày tăng huyết áp thế giới là “Biết số huyết áp của bạn” với mục tiêu nâng cao nhận thức về tăng huyết áp ở tất cả người dân trên thế giới. Biết huyết áp của mình để làm gì?

Cách đo đúng huyết áp

Hiện nay có nhiều cách để chẩn đoán tăng huyết áp: đi khám bệnh được đo huyết áp hoặc đo bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ, tự đo tại nhà. Khi đo huyết áp tại nhà mà trị số huyết áp ≥ 135 / 85 mmHg: xác định tăng huyết áp.

Nếu đo tại phòng khám, trị số huyết áp phải ≥ 140 / 90 mmHg mới xác định là tăng huyết áp. Khi chúng ta lo lắng huyết áp sẽ tăng lên, mà chúng ta đến phòng khám thường tâm trạng không thoải mái, có nhiều thứ tác động như chờ đợi, đông đúc, lo lắng… Các yếu tố này tác động làm trị số huyết áp ở phòng khám thường cao hơn ở nhà.

Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau. Sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay là phổ biến. Thông thường huyết áp tay phải cao hơn tay trái do xuất phát của động mạch tay phải gần tim hơn nên nhận áp lực máu cao.

Bình thường sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay ít hơn 10 mmHg. Nếu chênh lệch huyết áp giữa hai tay cao hơn, có thể có tình trạng bệnh lý làm hẹp một bên mạch máu đến tay có huyết áp thấp: viêm mạch máu, xơ vữa động mạch, hẹp eo động mạch chủ… nên phải được khám và tìm lý do có sự chênh lệch huyết áp.

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất hai phút. Nếu số huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10 mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên năm phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

Để tăng sự chính xác của giá trị huyết áp đo được bằng máy điện tử, sử dụng máy đo có bao hơi ở cánh tay. Các khuyến cáo khuyên nên đo ba lần, lần đầu có thể có nhiều yếu tố tác động, nên bỏ qua trị số này và lấy trung bình của trị số đo được hai lần sau.

Khi đo huyết áp, mạch máu bị thắt lại, cơ thể phóng thích yếu tố làm giãn mạch, nên nếu đo huyết áp lại ngay thì lần đo này trị số huyết áp có thể thấp hơn lần đầu. Do đó cần thời gian để mạch máu phục hồi trạng thái ban đầu.

Tiếp tục dùng thuốc

Theo một khảo sát của Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) năm  2010, khi điều trị sáu tháng số người có huyết áp bình thường trở lại chiếm 97,9%. Tuy nhiên, những người tăng huyết áp được theo dõi liên tục sáu tháng, không tiếp tục đến bệnh viện khám chiếm 79%, hiện nay tỉ lệ không đến tiếp tục điều trị đã thấp hơn nhiều.

Một số người tăng huyết áp sau khi được bác sĩ thông báo huyết áp đã ổn định liền đòi ngưng thuốc vì cho rằng bệnh đã hết, hoặc nếu sử dụng thuốc tiếp tục sẽ làm cho huyết áp hạ hơn nữa. Trong khi đó, việc điều trị huyết áp phải tiếp tục duy trì cả việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

Tiếp tục sử dụng thuốc để mức huyết áp ổn định, nếu ngưng thuốc huyết áp sẽ tăng trở lại nếu lối sống không đủ để duy trì mức huyết áp. Thay đổi lối sống bao gồm giảm ăn muối, rượu bia vừa phải, tập luyện vận động… phối hợp nhiều yếu tố làm giảm trung bình 5,5 mmHg.

Khi ngưng thuốc, ban đầu thuốc vẫn còn trong máu và tại các mô của cơ thể nên có thể vẫn duy trì huyết áp trong một thời gian, khi thuốc hết tác dụng, huyết áp sẽ tăng cao trở lại.

Huyết áp tăng một số có nguyên nhân, nhưng đa số 93 – 95% không có nguyên nhân, do nhiều yếu tố phối hợp như: tuổi cao, giới tính (nữ ở độ tuổi sinh đẻ ít mắc bệnh tim mạch hơn nam giới), di truyền (cha mẹ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ có một tỉ lệ con bị tăng huyết áp), béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động, stress, thói quen ăn mặn…

Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát) thì chữa triệt để được, ví dụ tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch hẹp, huyết áp bình thường trở lại, không phải uống thuốc lâu dài.

Do đó ở người tăng huyết áp không có nguyên nhân, khi huyết áp bình thường vẫn tiếp tục sử dụng thuốc ổn định huyết áp và đi tái khám để được bác sĩ đánh giá tác động của huyết áp cao lên các bộ phận trong cơ thể nhằm điều chỉnh thuốc, hạn chế các biến chứng của tăng huyết áp.

Hơn 50% số người tăng huyết áp không biết mình bệnh

Theo số liệu toàn thế giới, có đến 51,6% số người tăng huyết áp không biết mình tăng huyết áp; 33,9% số người tăng huyết áp chưa được điều trị; 63,7% người được điều trị tăng huyết áp nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu.

Khi điều trị huyết áp tốt sẽ giúp giảm 30 – 40% nguy cơ đột quỵ, giảm 20 – 30% nguy cơ bị những sự kiện mạch vành lớn, giảm 30 – 40% nguy cơ chết do bệnh mạch vành.

BS LÝ HUY KHANH