12/01/2025

Tước đoạt mạng sống người khác vì coi thường tính mạng chính mình?

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ án mạng ở thanh niên dường như càng cao hơn, với những nguyên nhân ngày càng đơn giản hơn và điều đó làm cả xã hội khiếp sợ!

Tước đoạt mạng sống người khác vì coi thường tính mạng chính mình?

 

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ án mạng ở thanh niên dường như càng cao hơn, với những nguyên nhân ngày càng đơn giản hơn và điều đó làm cả xã hội khiếp sợ! 


 

 

Hiện trường vụ nam thanh niên 18 tuổi dùng dao đoạt mạng 2 người khác chỉ vì bênh vực bạn gái ở ngã tư Hàng Xanh

Đơn cử như vụ án ngày 15-5-2015 tại Bình Thạnh, TP.HCM: nam thanh niên 18 tuổi dùng dao đoạt mạng 2 người khác chỉ vì bênh vực bạn gái. Nếu trước đây đa số nguyên nhân gây ra án mạng là thù hằn mâu thuẫn tích tụ lâu ngày thì giờ đây án mạng xảy ra nhiều khi chỉ vì một câu nói khích, một sự thách thức, một sĩ diện bị xâm phạm chỉ trong chốc lát.

Nếu trước đây đối tượng phạm tội đa số là thanh niên ít học, hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thì giờ đây có cả sinh viên trí thức có xuất thân gia đình khá giả, nề nếp… Người ta có thể bắt gặp tính côn đồ nhan nhản quanh ta không có “màng lọc” về nhóm xã hội như mặc định trước đây nữa.

Câu hỏi cũ: Vì sao?

Câu hỏi đặt ra là vì đâu tính côn đồ càng ngày càng tràn lan, tính hung hãn càng ngày càng leo thang vô hạn định như thế?

Từ phía cá nhân, tôi cho rằng nền giáo dục (cả của nhà trường và gia đình lẫn xã hội) đã không cung cấp đủ những định hướng và phương tiện để xây dựng nền tảng đạo đức cũng như kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên để các em biết phân biệt phải trái, đúng sai, giới hạn của hành vi cũng như nghĩa vụ phải tuân thủ luật pháp.

Việc dạy và học đạo đức trong nhà trường được duy trì từ cấp tiểu học nhưng mang tính hình thức chứ không thực sự “cấy rễ” vào quá trình hình thành nhân cách của các em. Gia đình thì gần như phó thác hết nhiệm vụ dạy con nên người cho nhà trường và xã hội cũng còn ít tác động đến quá trình hình thành tính cách cá nhân. 

Người ta không thể biết trân trọng mạng sống của người khác khi không được dạy yêu quý và trân trọng mạng sống của chính mình. Người ta không thể đắn đo thêm một giây trước khi đoạt mạng người khác khi không ai dạy cho người ta yêu thương sự sống của những sinh vật quanh ta, từ ngọn cỏ nụ hoa cho đến con chim trên trời, con cá dưới nước.

Người ta không thể kìm chế tự ái của mình hay cơn giận khi sĩ diện bị xúc phạm khi chưa một ngày nào được dạy về việc phải biết lắng nghe ý kiến của người khác và luôn tôn trọng sự khác biệt giữa người khác và mình.

Người ta không thể bỏ qua lỗi lầm của người khác hoặc hành vi xúc phạm của người khác đối với mình khi hàng ngày không được chứng kiến xã hội quanh mình vị tha với lỗi lầm của nhau. Những gì một đứa trẻ được tiếp nhận từ xung quanh luôn là những thứ mang tính tiêu cực: người lớn không tôn trọng nhau, sẵn sàng mạt sát nhau kể cả trên mạng ảo, những sai lầm của người nổi tiếng (dù cố ý hay vô ý) cũng bị đem ra mổ xẻ đầy soi mói, ác ý, sự vô cảm của cả xã hội trước những hành vi man rợ, tàn bạo, tính bốc đồng và bầy đàn của đám đông…

Một môi trường còn thiếu màng lọc

Với một môi trường chưa được trong lành như vậy, cộng với việc tiếp cận internet, game… không chọn lọc rất dễ khiến các em nghiêng về việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Chúng ta, những người lớn, đã rất lơi lỏng trong việc kiểm soát những gì được cho là sản phẩm văn minh tiếp cận con cái chúng ta.

Có những trò chơi mà khi chứng kiến, tôi không khỏi rùng mình vì tính máu lạnh của nó, đơn cử trò Assassin chơi trên ibox: con bạn sẽ nhập vai một tên giết người chuyên nghiệp và đồ sát tất cả những ai hắn gặp trên đường đi, việc giết một người trong game nhẹ như một cái phẩy tay (chính xác là một cái phẩy tay ngoài đời vì game trên ibox là game tương tác với màn hình), người bị giết máu me đầy và ngã lăn ra không một tiếng động, sát thủ lại bình thản bền bỉ chạy tiếp, nhảy qua mái nhà, leo trèo vượt chướng ngại vật và ra tay giết những người hắn gặp trên đường đi…

Và có rất nhiều rất nhiều game tương tự như thế ở các quán net dọc đường. Việc giết người trong thế giới ảo được tính là thành tích để nâng hạng người chơi, vì thế càng giết nhiều càng tốt, càng là game thủ giỏi. Khoảng cách giết người giữa game và đời thật rất mong manh khi ngoài đời người trẻ có hung khí trong tay.

Khi cái ác trong trò chơi được thả lỏng và thẩm thấu vào đầu óc người trẻ mỗi ngày, thì người trẻ càng dễ dàng phạm tội khi bản thân không được trang bị những kỹ năng cơ bản để sống, tồn tại một cách bình an và tích cực trong cuộc đời.

Những kỹ năng này không hề có mặt trong chương trình giáo dục của chúng ta, cũng hiếm hoi có trong danh sách những việc cần làm cho con mình của các bậc phụ huynh: kỹ năng thấu hiểu bản thân, kỹ năng giải toả cảm xúc tiêu cực, kỹ năng thương lượng, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng xử lý khủng hoảng/ xung đột cảm xúc.

Những kỹ năng này được xem như là những kỹ năng cơ bản để một đứa trẻ (và sau này là người trưởng thành) hiểu được mình là ai, điểm mạnh điểm yếu của mình là gì và cách tiết chế cũng như phát triển bản thân, cách chung sống hoà bình và cùng nhau xây dựng các mối quan hệ với người khác.

Nếu được trang bị tốt những kỹ năng này, tôi tin mỗi người trong xã hội sẽ có nhiều yêu thương trong tim hơn, có nhiều sự tôn trọng và vị tha đối với người khác hơn, và vũ lực sẽ không phải là cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề.

Việc giáo dục về nghĩa vụ tuân thủ pháp luật cũng như các hình phạt cho các hành vi phạm tội cũng mang tính hình thức và không có tính liên tục trong các cấp học.

Không có nghĩa năm nào các em cũng phải học đi học lại những điều luật khô cứng, mà việc giáo dục về tuân thủ luật pháp hoàn toàn có thể lồng ghép vào các môn học khác, ví dụ như khi dạy về giới tính và quan hệ tình dục an toàn, các nội dung về hình phạt đối với hành vi giao cấu với trẻ chưa vị thành niên, hoặc hành vi cưỡng hiếp… được thầy cô giảng kỹ thì các em sẽ dễ tiếp nhận thông tin và ý thức rõ về việc tại sao phải tuân thủ luật pháp trong vấn đề này hơn.

Khi các kiến thức về tuân thủ luật pháp được truyền đạt sinh động, hấp dẫn, nó sẽ trở thành kiến thức và vốn sống của các em hơn là chỉ là những con chữ cần phải học thuộc lòng để trả bài cho thầy cô.

Chúng ta cứ đi từ hoảng hốt này đến kinh hoàng nọ khi đọc báo về các tội ác ở người trẻ xảy ra mỗi ngày, nhưng dường như chưa có một cái nhìn rành mạch về nguyên nhân sâu xa của hiện tượng và cách hoá giải nó như thế nào từ phía những người có trách nhiệm.

Để giải quyết được tận gốc rễ, phải là sự xem xét lại việc xây dựng nền tảng chuẩn mực đạo đức của xã hội và trong từng gia đình, phải tự mình cùng con làm giàu kỹ năng sống của con và quan trọng nhất là phải đặt câu YÊU THƯƠNG và THA THỨ lên trên hết khi có xung đột cần phải giải quyết.

Đừng để khi sự việc xảy ra thì mọi người vẫn chao đảo không phân định được đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và luôn lo sợ không biết con mình rồi có là nạn nhân hay tội phạm trong cái mớ hỗn loạn này hay không.

Nếu chưa có ai giúp chúng ta một cách chính thức, xin hãy tự vận động trong phạm vi gia đình mình, bạn bè mình… để cuộc sống ngày càng bình yên hơn, bớt những âu lo về bạo lực bạo phát như tin trên báo những ngày này!

ĐINH THANH PHƯƠNG