11/01/2025

Chết dở với ‘ông’ đo vẽ

Rất nhiều trường hợp công ty đo vẽ nhà đất cứ chủ nhà – đất “chỉ đâu đo đó”, là nguồn cơn dẫn đến tình trạng người mất đất, kẻ thừa cơ hưởng lợi và tranh chấp nhà đất gia tăng.

 

Chết dở với ‘ông’ đo vẽ

 

 

Rất nhiều trường hợp công ty đo vẽ nhà đất cứ chủ nhà – đất “chỉ đâu đo đó”, là nguồn cơn dẫn đến tình trạng người mất đất, kẻ thừa cơ hưởng lợi và tranh chấp nhà đất gia tăng.


 

Phần đất làm cống thoát nước chung cho một số hộ dân trên đường Đinh Công Tráng đã được cấp cho chủ nhà số 62 Đinh Công Tráng Phần đất làm cống thoát nước chung cho một số hộ dân trên đường Đinh Công Tráng đã được cấp cho chủ nhà số 62 Đinh Công Tráng – Ảnh: Đình Sơn

Theo quy định, khi người dân làm “sổ hồng”, “sổ đỏ” hay khi toà án giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà đất thường phải thuê các công ty đo vẽ nhà, đất trước khi trình cơ quan chức năng. Rất nhiều trường hợp chủ đất câu kết với các công ty đo vẽ để lấn chiếm, ăn gian diện tích dẫn đến các tranh chấp sau đó.

Bứng cả cột điện… vào sổ đỏ

Mới đây, một số hộ dân trên đường Đinh Công Tráng, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM phát sinh tranh chấp với bà Hương, chủ căn nhà số 62 đường Đinh Công Tráng, vì sổ đỏ Phòng TN-MT Q.1 cấp cho đất nhà 62 có phần đất chung của các hộ dân làm đường cống thoát nước chung.

 
 
Chết dở với ‘ông’ đo vẽ - ảnh 2

Thực tế, các công ty thì đo vẽ theo ý muốn của chủ đất. Còn các quận, huyện cũng thường cấp theo bản vẽ của công ty đo vẽ mà không thẩm định lại. Đó là nguyên nhân dẫn đến những tình cảnh trớ trêu, người bỗng dưng mất đất, kẻ lợi dụng ăn gian

Chết dở với ‘ông’ đo vẽ - ảnh 3
 

Chủ tịch một quận ở TP.HCM

 

Theo ông Bùi Thanh Tùng, nhà số 58 Đinh Công Tráng, từ trước giải phóng nơi đây là một căn biệt thự sân vườn. Ranh giới giữa nhà và sân vườn có một cống thoát nước diện tích ngang 70 cm, dài 19,5 cm. Sau đó, chủ biệt thự sang nhượng phần nhà, bao gồm cả phần diện tích cống thoát nước. Khi các hộ dân xây tách phần nhà thành 3 căn nhà 56, 58, 60 Đinh Công Tráng vẫn giữ nguyên cống thoát nước dùng chung. Phần vườn được chủ biệt thự sang cho hộ ông C. Trong thời gian sử dụng, hộ ông C. xảy ra tranh chấp và được tòa giải quyết phân chia đất cho các thành viên trong gia đình. Sở Nhà đất khi đo vẽ khu đất để phân chia đã vẽ luôn phần đất làm đường cống thoát nước chung vào thửa đất này. Căn cứ vào bản vẽ, Phòng TN-MT Q.1 đã cấp sổ đỏ cho cả phần diện tích cống chung vào nhà số 62. Sau khi sang nhượng lại mảnh đất số 62, bà Hương xin giấy phép xây dựng và dựa vào sổ đỏ nên UBND Q.1 cấp giấy phép xây dựng cho bà Hương lên đường cống thoát nước chung. “Chúng tôi chẳng hay biết gì, chỉ đến khi bà Hương đào phần cống này lên xây nhà chúng tôi mới biết. Hiện đường cống đã bị đập bỏ để xây nhà nên các hộ dân tại đây không có đường thoát nước sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Hơn 5 tháng nay các hộ dân phải chạy đi nhiều nơi xin phép đấu nối và làm hệ thống thoát nước mới, bây giờ vẫn chưa xong”, ông Tùng bức xúc.

Trường hợp nhà anh Long ở P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân bỗng dưng bị mất đất cũng chỉ vì các công ty đo vẽ. Khi anh Long làm thủ tục hợp thức hóa căn nhà trong một con hẻm trên đường Đất Mới, P.Bình Trị Đông A, công ty đo vẽ đã “quy hoạch” lộ giới cho nhà anh lùi vào hơn 1 m so với các hộ dân khác trên cùng con hẻm. “Lúc đo vẽ, không biết họ làm sao mà khi ra sổ đỏ nhà tôi bị trừ lộ giới 4 m thay vì chỉ 3 m như các hộ khác. Khi gia đình phát hiện sự sai lệch trên thì sổ đỏ đã làm xong. Hiện tôi phải đi đổi lại sổ đỏ cho đúng, chứ nếu không mai mốt khó bán vì căn nhà đã bị chặt mất gần một nửa”, anh Long mệt mỏi nói.

Còn ông Trung, nhà ở Q.1, thì khốn khổ vì được “khuyến mãi thêm đất”. Khi điều chỉnh sổ đỏ căn nhà trên đường Nguyễn Cư Trinh, ông thuê đơn vị đo vẽ của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đến đo nhà mình, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì diện tích căn nhà đã được công ty đo vẽ “khuyến mãi” thêm 12 m2, tăng từ 50 lên 62 m2, khiến ông phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để sửa lại diện tích thực trên sổ đỏ. “Không biết họ đo vẽ kiểu gì mà diện tích nhà đẻ thêm nhiều như vậy”, ông Trung bực bội.

 
 

 

 

“Muốn đòi lại thì phải ra toà”

Liên quan đến trường hợp cấp giấy chứng nhận cho căn nhà số 62 đường Đinh Công Tráng, P.Tân Định, Q.1, chồng lấn lên đất của các hộ dân khác, ông Bùi Thanh Tùng cho biết các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị Phòng TN-MT Q.1 thu hồi lại. Nhưng thay vì thu hồi sổ đỏ của bà Hương để điều chỉnh, Phòng TN-MT Q.1 lại ra thông báo thu hồi sổ đỏ của ông Tùng để điều chỉnh cho… phù hợp hiện trạng sổ đỏ đất hộ 62 đã cấp lấn luôn phần cống thoát nước.

Còn ông Lưu Trung Hoà, Phó chủ tịch UBND Q.1, nói căn cứ vào phán quyết của tòa và bản vẽ của Sở Nhà đất, UBND Q.1 đã cấp giấy chứng nhận cho khu đất số 62. Ông Hoà nhìn nhận có sự chồng lấn, không đúng thực tế khi cấp giấy chứng nhận cho nhà số 62, nhưng lại cho rằng người dân đòi lại phần đất chung này (đường cống thoát nước – PV) thì không có cơ sở để giải quyết vì “không thuộc chủ quyền của ai cả”. “Muốn đòi lại phần đất này thì phải ra tòa”, ông Hoà nói.

 

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, cho biết qua kiểm tra, cơ quan quản lý phát hiện nhiều sai phạm về đo vẽ. Như ở Q.10, có trường hợp công ty đo vẽ theo yêu cầu của người dân, chỉ đâu đo đó nên khi cấp giấy phần đất của dân bao luôn… cây cột điện ngoài hẻm!

Chỉ đến đâu, đo đến đó

Theo ông Phạm Ngọc Liên, nguyên nhân dẫn đến việc các công ty đo vẽ “tự tung tự tác” là do khâu quản lý, hậu kiểm yếu. Đặc biệt, không xử lý được sai phạm của các công ty đo vẽ do nhiều nơi cấp phép như Sở Xây dựng, Bộ TN-MT.

Chủ tịch một quận tại TP.HCM nhận xét, về nguyên tắc công ty đo vẽ sau khi đo vẽ xong thì các đơn vị quản lý nhà nước phải thông qua đơn vị chuyên môn là Phòng TN-MT, Phòng Quản lý đô thị thẩm định lại. Đơn vị này có quyền bác bản vẽ nếu thấy không chính xác. “Nhưng thực tế, các công ty thì đo vẽ theo ý muốn của chủ đất. Còn các quận, huyện cũng thường cấp theo bản vẽ của công ty đo vẽ mà không thẩm định lại. Đó là nguyên nhân dẫn đến những tình cảnh trớ trêu, người bỗng dưng mất đất, kẻ lợi dụng ăn gian. Rắc rối nhất là trường hợp nhà, đất chuyển nhượng qua nhiều chủ nên khi phát hiện sai phạm thì người dân thường viện cớ sổ đỏ do nhà nước cấp cho người bán từ trước, dẫn đến tranh chấp kéo dài không có hồi kết”, vị chủ tịch này nói.

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng các công ty thường đo theo hướng dẫn của chủ đất, “chỉ đến đâu đo đến đó”, còn nhà hiện hữu thì đo theo hiện trạng hiện hữu nên họ không chịu trách nhiệm nếu có xảy ra sai sót. Khi phát sinh tranh chấp, các công ty đo vẽ thường đổ lỗi cho chủ nhà. Những vụ án tại tòa, để “chắc ăn” thường sử dụng công ty đo vẽ của Sở TN-MT. “Có một thực tế, ở mỗi quận huyện thường có các công ty đo vẽ để đo vẽ nhà đất cho quận đó. Những công ty này thường là “sân sau” của quận đó. Có trường hợp tôi đi làm giấy tờ nhà ở một quận, khi đem bản vẽ của một công ty ở quận khác đến họ không nhận hồ sơ, trả về bắt đo vẽ lại. Khi thuê một công ty đo vẽ ở quận đó thì hồ sơ được nhận ngay và làm rất nhanh. Từ đó, để chắc ăn, khi làm hồ sơ ở quận nào tôi thường nhờ công ty đo vẽ ở quận đó”, luật sư Trường kể.

Để các công ty đo vẽ không còn đo bậy bạ, sai lệch, ông Liên cho rằng cần có những phương thức công khai, thông báo sai phạm của họ cho các quận huyện hay các cơ quan liên quan như: công chứng, cấp giấy… dè chừng. Khi các sai phạm được công khai, xử lý, đảm bảo các công ty này sẽ đo vẽ nghiêm túc hơn. Còn theo các chuyên gia, phải xiết lại việc thẩm định bản vẽ của các công ty đo chứ không thể để tình trạng đo vẽ thế nào cũng đồng ý như hiện nay.

Đình Sơn