Tăng tỷ giá, hạ nhiệt thị trường

Sáng 7.5, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 từ đầu năm tới nay và tỷ giá ngoài thị trường đang căng cứng đã hạ nhiệt.

 

Tăng tỷ giá, hạ nhiệt thị trường

 

 

Sáng 7.5, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 từ đầu năm tới nay và tỷ giá ngoài thị trường đang căng cứng đã hạ nhiệt.



 

Tăng tỷ giá, hạ nhiệt thị trườngGiá USD tại ngân hàng dự báo biến động trong vài ngày tới – Ảnh: Ngọc Thạch
Ngay sau công bố của NHNN, các ngân hàng (NH) lập tức điều chỉnh tỷ giá. Đầu giờ chiều, tại Vietcombank cả giá mua và giá bán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản đều tăng. Trong đó, giá mua vào tăng 90 đồng lên 21.670 đồng/USD và bán ra tăng 30 đồng lên 21.673 đồng/USD. Đến 18 giờ 15, giá mua giảm 10 đồng nhưng giá bán tiếp tục tăng thêm 90 đồng, lên mốc 21.720 đồng/USD. Tương tự, tại BIDV, giá buổi trưa là 21.660 đồng/USD và 21.673 đồng/USD, tăng 60 đồng, đến cuối giờ chiều qua được điều chỉnh lại là 21.645 đồng/USD và 21.715 đồng/USD.
Một ngày điều chỉnh 31 lần
Tại ACB, giá USD trong ngày 7.5 được điều chỉnh 31 lần. Nếu như sáng 6.5 giá bán tăng kịch trần 21.673 đồng/USD, thì đến 10 giờ 30 sáng qua giá bán lại được điều chỉnh lên 21.750 đồng/USD. Trong khi đó, giá mua vào tăng từ 21.623 lên 21.660 đồng/USD. Cũng như Vietcombank, BIDV, chiều tối qua giá của ACB được chốt lại là 21.640 đồng/USD mua vào bằng tiền mặt và bán ra là 21.720 đồng/USD.
Đặc biệt, ngoài thị trường tự do, giá bán USD giảm 50 – 70 đồng. Một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) chiều qua báo giá ở mức 21.670 đồng/USD và 21.673 đồng/USD. Còn tại một cửa hàng vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), trong buổi sáng qua tỷ giá USD niêm yết mua vào 21.667 đồng/USD và bán ra 21.673 đồng/USD.
Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự, các NH lập tức tăng giá USD từ 20 – 70 đồng/USD so với ngày 6.5. Giá mua USD tiền mặt – mua USD chuyển khoản và giá bán USD tại Eximbank lên 21.630 – 21.650 – 21.750 đồng/USD; Vietcombank lên 21.660 – 21.660 – 21.740 đồng/USD; ACB lên 21.660 – 21.680 – 21.740 đồng/USD… Đến trưa, giá USD giảm nhiệt, giá mua còn 21.620 đồng/USD, giá bán còn 21.700 đồng/USD, giảm 40 – 50 đồng/USD so với đầu giờ sáng. Đến cuối ngày, giá USD tăng nhẹ 20 đồng/USD. Giá USD tự do tại thị trường TP.HCM tăng giảm trong ngày 7.5 nhưng không có hiện tượng tăng nhanh mà bám sát theo giá NH. Sau khi bị đẩy lên 21.750 đồng/USD vào đầu giờ sáng, giá USD tự do còn 21.700 đồng/USD vào chiều cùng ngày, giảm 50 đồng/USD.
Lý giải động thái điều chỉnh được xem là bất ngờ này, theo NHNN tỷ giá trên thị trường trong những ngày qua tăng chủ yếu do tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH thêm 1%.
Nhận xét về tình trạng này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH, cho rằng: “Việc điều chỉnh của NHNN đã có tác dụng tức thời, làm hạ nhiệt giá USD trên thị trường tự do đã bị đẩy lên quá cao trước đó. Việc điều chỉnh đã lấy đi yếu tố đầu cơ tích trữ. Còn ở các NHTM, trước đây tỷ giá bị “chèn ép” ở mức giá thấp nên khi NHNN điều chỉnh lập tức tăng lên. Giá thị trường tự do và thị trường chính thức không có sự chênh lệch quá lớn. Đây là động thái nhằm ổn định thị trường”.
Đã hết quota điều chỉnh
 
 
Diễn biến tỷ giá đang giảm dần
Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngay sau khi NHNN thông báo điều chỉnh tăng 1% tỷ giá vào sáng 7.5, tỷ giá trên thị trường cũng đã có những diễn biến giảm dần. Đến 2 giờ chiều qua, tỷ giá giảm về mức 21.660 đồng/USD và 21.670 đồng/USD, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tổng giá trị giao dịch từ sáng đến 2 giờ chiều vào khoảng 700 triệu USD. Đây là mức giao dịch rất bình thường của thị trường trong thời gian vừa qua.
 

Việc điều chỉnh tỷ giá có tác dụng kịp thời, nhưng chỉ trong 5 tháng đã sử dụng hết room điều chỉnh tỷ giá 2% đề ra của năm nay lại đang gây áp lực cho chính NHNN trong việc giữ vững kế hoạch này. Dự đoán về khả năng giữ biên độ tỷ giá ở mức 2% trong năm 2015 của NHNN, ông Hiếu cho rằng: “Trong 5 tháng đầu năm, NHNN đã sử dụng hết 2% hạn mức, còn hơn nửa năm và sống trong áp lực từ nhiều yếu tố tác động đến kinh tế vĩ mô như: nợ công, nhập siêu, hỗ trợ xuất khẩu… sẽ gây áp lực cho thị trường ngoại hối. Vì vậy, cần nới thêm “room” để điều chỉnh tỷ giá lên mức 3%”.

Ngược lại, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN lại cho rằng NHNN sẽ vẫn giữ được ở biên độ 2% như đã cam kết. “Thông thường vào cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng mạnh. Nhập khẩu được kiểm soát tích cực. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá lần này không chỉ giải quyết được vấn đề tâm lý găm giữ, mua USD đầu cơ mà còn tạo tâm lý ổn định cho các DN không còn phải lo giá USD biến động. Nếu còn có biến động, rất có thể NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm 1% vào tháng 1 năm sau”, ông Kiêm nói.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn thì phân tích, để ổn định sản xuất trong nước không hẳn chỉ điều chỉnh tỷ giá là được mà còn phụ thuộc nhiều chính sách khác như thuế suất nội địa, lãi suất phù hợp với lãi suất trong khu vực, chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính… Những chính sách này phải đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc NHNN có điều chỉnh thêm tỷ giá lần nữa hay không vào những tháng cuối năm vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung cầu ngoại tệ (nguồn vốn FDI, FII, kiều hối…), dự trữ ngoại hối…

Thu Hằng – Thanh Xuân