10/01/2025

Nỗi lòng mẹ cha

Nhìn vào đôi mắt anh, tôi biết lòng người lính không quân ấy đang dậy sóng. Anh sợ mình không chịu được khi nhìn con đau đớn.

 

Nỗi lòng mẹ cha

 

 Nhìn vào đôi mắt anh, tôi biết lòng người lính không quân ấy đang dậy sóng. Anh sợ mình không chịu được khi nhìn con đau đớn.


 

 

Chị Mịn chăm sóc bé Cò trong giờ thăm nuôi tại phòng cách ly – Ảnh: My Lăng

Bởi con trai anh, bé Đàm Tiến Phát, 21 tháng tuổi, bị bỏng và đang điều trị tại phòng cách ly, khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). 

“Bây giờ bé không bị phù như trước nữa nhưng không ăn được. Thứ ba tuần vừa rồi bé mới được lóc tế bào chết”- chị Đặng Thị Mịn, mẹ bé, rớm nước mắt kể.

Anh ít nói vậy chứ sống tình cảm nên mọi người quý lắm. Mình còn cố cười, bình tĩnh để động viên nhau đừng suy sụp… 
Chị ĐẶNG THỊ MỊN miệng cố cười mà nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen

Con đau 1, cha mẹ đau 10

Bé Đàm Tiến Phát, con trai thượng úy chuyên nghiệp Đàm Văn Khuyến – nhân viên phân đội vũ khí (tiểu đoàn kỹ thuật hàng không Trung đoàn không quân tiêm kích 935 – Đồng Nai) và chị Đặng Thị Mịn, lúc mới nhập viện toàn thân bị phồng lên, gương mặt bị phù, loang lổ vết bỏng.

Sau gáy và gần như toàn bộ phần ngực, lưng, mông, một phần chân phải đều bỏng nặng. Riêng chân trái bị nặng nhất phải quấn băng trắng kín mít. Dù rất đau đớn nhưng cậu nhóc 21 tháng tuổi môi mím chặt, hai bàn tay nắm lại, khẽ rên đau.

Có lúc bé khóc nhưng giọt nước mắt bị chặn lại bởi đôi mắt sưng húp. Người mẹ trẻ lặng đi khi cảm nhận cả cơ thể non nớt của con trai nhỏ đang gồng lên chống chịu đau đớn.

“Với một đứa trẻ mới 21 tháng tuổi bị bỏng 40% diện tích cơ thể cấp độ 2 và 3 được coi là nặng. Cu cậu ngoan lắm, ít khóc. Những lúc đau quá bé khóc gọi bố mẹ mình tới dỗ: Thôi con ngủ đi”- một y tá chăm sóc bé Phát kể.

“Bé còn nhỏ nhưng mạnh mẽ lắm. Thấy mẹ vào chỉ khóc tí thôi rồi mím môi chịu. Mình cứ trêu bé: con bộ đội phải dũng cảm con nhỉ, không sợ đau”- chị Mịn nghẹn ngào nói. Nhắc đến chồng, chị Mịn bảo: “Mỗi lần vô rồi trở ra anh đều khóc. Nhìn con bị đau đớn như vậy tụi mình không chịu nổi nhưng cứ động viên nhau, động viên con”.

Mọi chuyện bắt nguồn từ trò nghịch ngợm hồn nhiên của trẻ con gần bếp dầu trong một chiều tối gần giữa tháng 4. Lúc đó anh Khuyến đang trong nhà tắm và không biết hai con nhỏ (bé Tiến Phát và chị gái Khánh Băng, 8 tuổi) chơi trò đẩy ghế nhựa.

Hai chị em nghịch đẩy quá đà khiến cái ghế xô vào bếp, bé Phát ngã theo. Bếp dầu đổ ra, cả dầu, cả nước, cả lửa cũng đổ theo. Bé Khánh Băng bị lửa chạm vào chân, rụt lại nên chỉ bỏng bàn chân trái. Dầu, nước, lửa đuổi theo bé em. Bé Phát chạy về phía cổng cách bếp 1m nhưng không kịp.

Anh Khuyến lao ra khi nghe con gái hét gọi: “Bố ơi, em cháy!”. Anh Khuyến cuống cuồng ẵm con dìm vô thau nước rồi tức tốc đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai ngay.

“Trên đường đưa con vào bệnh viện cháu bấn loạn, cứ cắn chặt tay bố. Con đau một, người làm cha làm mẹ như mình đau mười… Sơ cấp cứu xong, bác sĩ bảo cháu bị nặng quá phải chuyển lên Sài Gòn ngay”- anh Khuyến nhớ lại khoảnh khắc 9g tối 8-4. Trước khi vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé Phát đã hôn mê.

“Con phải chiến đấu…”

Chị Mịn nói: “Bác sĩ nói diện tích bỏng ít nhưng nguy hiểm. Vì bỏng xăng dầu có chất chì, sợ ảnh hưởng tới máu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi lần vào thăm con kêu đau mình lại nói với con: Cò (tên ở nhà của bé – NV) muốn về nhà sớm, muốn hết đau thì phải chiến đấu với nó. Thế là bé dạ”.

Đôi mắt đỏ hoe, chị Mịn bảo ở nhà cu cậu rất quấn ba và chị gái. Mẹ đi làm công nhân. Bố vào đơn vị. Chiều tối ở nhà chỉ có hai chị em chơi với nhau nên chị đi một bước, cu cậu theo một bước. Có nhiều lúc em ôm tô cháo ngồi trong lòng chị tự xúc ăn. Bé rất thích đi học, ai hỏi Cò đi đâu, cứ bảo đi học hoài.

Thấy chị ngồi học bài bé cũng kéo ghế ngồi cùng chị, lấy bút chì vẽ nguệch ngoạc trong tập. Chị đọc bài, bé cũng tập đọc theo dù chưa nói rành. “Lần nào vào bé cũng hỏi chị đâu. Hôm nào không thấy bố thì hỏi bố đâu, mình lại nhường để chồng vào thăm con. Nhưng lần nào ra anh ấy cũng khóc…”- chị Mịn kể.

Gần sáu năm trời anh chị mới có bé Cò. Khi chuyển dạ chị Mịn lại sinh khó. Cậu em đã vậy. Hồi sinh bé chị Khánh Băng cũng chẳng dễ dàng. Khánh Băng ra đời thiếu tháng không khóc được. Chưa được bú sữa mẹ, cô bé phải nằm trong lồng ấp gần hai tháng.

Khi Cò 2 tháng tuổi thì bố Khuyến đi học xa. Suốt một năm anh Khuyến ra Nha Trang học chuyển loại từ sơ cấp lên trung cấp, chị Mịn đánh vật với công việc, đưa đón con, nấu nướng… Sáng đi sớm đưa hai chị em một đứa đi học, một đứa đến nhà trẻ, chiều lại đón về.

Tháng 7-2014, thượng úy chuyên nghiệp Đàm Văn Khuyến mới hoàn thành khoá học. Khi về bé Cò không nhận ra bố. Anh phải dành mấy ngày chơi với con, cu cậu mới chịu theo.

Mấy bữa nay đơn vị tạo điều kiện cho anh nghỉ để chăm con. Chị cũng xin công ty cho nghỉ dài ngày. Biết gia đình vợ chồng anh khó khăn, một số bạn bè thân thiết và đồng đội trong đơn vị đã quyên góp được ít tiền mang lên tận bệnh viện.

Những khó khăn không thể lường còn đầy rẫy trước mắt. “Anh ít nói vậy chứ sống tình cảm nên mọi người quý lắm. Mình còn cố cười, bình tĩnh để động viên nhau đừng suy sụp…” – chị Mịn miệng cố cười mà nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen.

Còn với anh Khuyến, có lúc giữa cuộc nói chuyện anh ngồi như hoá đá. Anh bảo sợ mình không chịu được khi nhìn con đau đớn và sợ con sẽ nhõng nhẽo thêm, không đủ cứng rắn vượt qua “cuộc chiến” này.

MY LĂNG