09/01/2025

Những bóng ma của dòng sông

Ngoài Địa Trung Hải, người nhập cư lậu có thể chọn vượt sông Evros – biên giới tự nhiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp – để gõ cửa “thiên đường” châu Âu.

 

Những bóng ma của dòng sông

 

 

Ngoài Địa Trung Hải, người nhập cư lậu có thể chọn vượt sông Evros – biên giới tự nhiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp – để gõ cửa “thiên đường” châu Âu.

 

 

Sóng gió trước cửa 'thiên đường' - Kỳ 3: Những bóng ma của dòng sông - ảnh 1

Những người nhập cư lậu trôi dạt vào một cù lao của sông Evros đang đợi cảnh sát Hy Lạp
đến cứu Ảnh: Le Nouvel Observateur

Với phóng sự Những bóng ma của dòng sông viết về đề tài này, nhà báo gốc Việt Doan Bui của tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) đã được trao giải Albert Londres vào năm 2013. Đây là giải thưởng báo chí danh giá nhất của cộng đồng Pháp ngữ, được sáng lập vào năm 1932. Tuy ít được biết so với các chuyến hải trình “địa ngục” ở Địa Trung Hải nhưng những chuyến vượt sông Evros cũng đầy sóng gió và hiểm nguy. Mỗi năm có từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn người liều mình thử vận may trên tuyến sông này với hy vọng chạm vào giấc mơ châu Âu.
Con thuyền phao ọp ẹp, mong manh này chở một lúc từ 15 - 20 người vượt sông - Ảnh: Doan Bui - Le Nouvel Observateur

Con thuyền phao ọp ẹp, mong manh này chở một lúc từ 15 – 20 người vượt sông
– Ảnh: Doan Bui – Le Nouvel Observateur

Những gì Doan Bui chứng kiến tại bờ Hy Lạp của sông Evros thật ảm đạm: “Suốt dọc chiều dài 180 km của sông Evros ngăn cách 2 nước, mỗi đêm có cả trăm người từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách cập bến Hy Lạp. Họ bị các băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức vượt sông nhồi nhét 15 – 20 người trên thuyền phao bằng nhựa, loại mà bạn thường thấy ở các bãi biển du lịch vào mùa hè. Giấy tờ, quần áo, túi xách vương vãi trên bờ sông, đôi khi lẫn vào đó là thi thể của những người xấu số bị chìm thuyền”. Tuần nào ở phía bờ Hy Lạp cũng có vài xác người trôi vào, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì không như ở Địa Trung Hải, khu vực sông Evros không có lực lượng an ninh và cứu hộ đông đảo, những người nhập cư lậu cũng sử dụng phương tiện vận chuyển thô sơ hơn và chủ yếu vượt sông vào ban đêm. Họ âm thầm đến, âm thầm đi và rất nhiều người đã âm thầm bỏ mạng.
Số hiệu 300561a
Ngay cả khi xác của những người nhập cư lậu được tìm thấy thì hầu hết cũng đều là những người vô danh vì không có giấy tờ tùy thân, nếu có mang theo cũng đã bị nước cuốn trôi. Những gì còn sót trên thi thể của họ thường khó giúp truy ra nhân thân. Hiếm hoi lắm, chị Doan Bui kể trong bài viết, mới có trường hợp như một gia đình nhập cư người Bangladesh thiệt mạng cả nhà do chìm thuyền cách đây vài năm, giày của họ đều có khắc một số điện thoại. Nhờ đó, cảnh sát có thể liên lạc để thân nhân ở quê nhà đến nhận xác. Với các thi thể vô danh mà nhà báo Doan Bui gọi là “những bóng ma ở dòng sông”, để phân biệt, giới chức Hy Lạp cấp cho mỗi người một số hiệu: “Một phận người đáng giá bao nhiêu? Với “300561a, vô danh, giới tính nữ, 20 – 30 tuổi” thì có lẽ chẳng đáng là bao. Cô gái xấu số được ông Pavlos Pavlivis, người quản lý nhà xác của thị trấn Alexandroupoli, lập một hồ sơ gồm số hiệu, 4 tờ giấy điền thông tin hành chính theo đúng thủ tục và vài món đồ cá nhân nhỏ gọn”.
Từ những món đồ cá nhân của 300561a, ông Pavlivis biết thêm được cô này theo đạo Hồi và có thể là người Somalia hoặc Nigeria… Thi thể của cô được tìm thấy vào ngày 1.2.2013 trong khu rừng thuộc vùng Thrace của Hy Lạp. Cô đã vượt qua sông Evros nhưng vẫn không chiến thắng được tử thần. Như nhiều người nhập cư lậu khác, 300561a bị bọn tội phạm tổ chức vượt sông bắt bỏ lại hết hành lý để tiện nhồi nhét trên thuyền phao. Cô và những người đồng cảnh ngộ không biết làm gì hơn ngoài việc mặc thêm càng nhiều quần áo càng tốt. Qua đến bờ bên kia, 3 chiếc quần jeans, 4 cái áo thun và 1 áo khoác ướt sũng nước đã trở nên quá nặng nề, 300561a kiệt sức, phải nghỉ lại trong rừng. Tiết trời mùa đông lạnh giá đã làm cô không bao giờ thức giấc nữa.
Theo nhà báo Doan Bui, có nhiều lý do để sông Evros ngày càng thu hút người nhập cư lậu: chi phí thấp (trung bình khoảng 500 euro/người cho mỗi lần vượt sông); các nước EU ven Địa Trung Hải đang siết chặt vấn đề nhập cư trong khi họ có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ dàng bằng chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ; Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn hỗ trợ ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp cho đến khi EU chấp nhận miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của nước này…
Phóng sự của Doan Bui cho thấy tuy có nhiều khác biệt nhưng giữa 2 tuyến Evros và Địa Trung Hải có điểm chung rõ rệt là bọn tổ chức nhập cư lậu luôn xem rẻ sinh mạng con người để đạt lợi nhuận tối đa. Ở Evros, do khoảng cách 2 bờ sông không quá lớn, chúng bắt người nhập cư nhồi nhét trên những thuyền phao có thể bị xì, bị lật bất cứ lúc nào và để mặc họ tự xoay xở để chèo qua sông giữa đêm khuya.
Chết cũng không có chỗ dung thân !
Trong một lần gặp gỡ tại Paris (Pháp), PV Thanh Niên đã được nhà báo Doan Bui chia sẻ về chuyến đi đến các địa phương ven sông Evros của Hy Lạp để thực hiện phóng sự Những bóng ma của dòng sông.
Phóng viên Doan Bui cùng giải thưởng Albert Londres - Ảnh: Prix Albert Londres

       Phóng viên Doan Bui cùng giải thưởng Albert Londres – Ảnh: Prix Albert Londres

300561a, thoạt nghe có vẻ khó nhớ nhưng với chị là những chữ số không thể quên được?
Sau thời gian thu thập thông tin, dữ liệu, tìm kiếm các mối liên lạc tại địa phương, tôi đã trải qua 10 ngày tại Hy Lạp. Những nơi tôi đến là các thành phố, thị trấn nhỏ ven sông Evros và người nhập cư lậu có mặt ở khắp nơi. Cũng không khó để bắt gặp những người vừa vượt sông thành công bằng thuyền phao, hầu hết họ đều ướt sũng và gần như kiệt sức. Thời điểm tôi có mặt là mùa hè, thời tiết ít khắc nghiệt hơn so với mùa đông nhưng có thể thấy chuyến vượt sông đã “tàn phá” họ thế nào.
Nhưng điều ám ảnh tôi nhất chính là những xác người vô danh trôi dạt ven bờ Evros. Họ từ giã cõi đời trong đơn độc và như một giọt nước bốc hơi, không còn chút dấu vết. Khó có thể truy ra thân thế của họ vì phần lớn không mang theo giấy tờ hoặc bị các nhóm tội phạm tổ chức nhập cư lậu bắt dùng giấy tờ giả, chẳng hạn nhận là công dân những nước đang bất ổn chính trị để dễ xin tị nạn. Và điều còn lại duy nhất của họ là những mã số khô khốc. Thân nhân sẽ không thể biết họ còn sống hay đã chết để có thể tiếc thương, tưởng nhớ.
Hy Lạp chỉ là cửa ngõ vào châu Âu đối với người nhập cư lậu?
Phần lớn những người từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt sông Evros để đến Hy Lạp sẽ tìm cách đến những nước ít bị khủng hoảng kinh tế hơn ở EU như Pháp, Anh, Đức… Họ có thể tự tìm cách đến Istanbul rồi mới liên lạc với các băng nhóm chuyên tổ chức vượt sông. Cũng có rất nhiều người chi tiền cho cả “gói” nhập cư lậu để đi từ quê nhà đến các nước “sáng giá” ở châu Âu. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, ngay cả khi đã vượt sông thành công và được đưa vào các trại tiếp nhận ở Hy Lạp thì cũng chẳng có nước nào muốn đón nhận những người này.
Kinh tế khó khăn đã làm tất cả các thành viên EU siết chặt chính sách nhập cư. Nhiều sinh viên nước ngoài học hành đàng hoàng, có bằng cấp tại một nước EU và thậm chí đã được các công ty ở khu vực này nhận vào làm mà còn không được cấp giấy cư trú, phải bỏ việc để hồi hương. Huống gì những người nhập cư lậu, không giấy tờ, không thạo tiếng bản xứ, không có trình độ học vấn… Hầu hết sẽ bị trả về nước và họ lại tiếp tục tìm cách quay lại “thiên đường” lần thứ hai, lần thứ ba…
Điều xót xa là khi họ chẳng may thiệt mạng, các nghĩa trang ở khu vực ven sông Evros của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng muốn nhận thi thể của họ vì đều đã quá tải. Dù là sống hay chết họ cũng không chốn dung thân.
Hình như nhập cư là đề tài luôn được chị quan tâm?
Tôi là phóng viên ban Xã hội của báo Le Nouvel Observateur và đúng là tôi luôn quan tâm đến người nhập cư. Cũng dễ hiểu thôi, vì ba mẹ của tôi là người VN và định cư ở Pháp từ đầu thập niên 1970 nên tôi luôn muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người phải ly hương. Có thể thấy rõ, so với thời của ba mẹ tôi, điều kiện dành cho người nhập cư ở Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung đã khó khăn hơn rất nhiều. Khi ba tôi đến Pháp, ông không thật sự thông thạo tiếng Pháp nhưng vẫn được tạo điều kiện để học hành đàng hoàng cho đến lúc tốt nghiệp y khoa, trở thành bác sĩ và có cuộc sống sung túc.

Nguyễn Ngọc Lan Chi