09/01/2025

Cặp đôi khập khiễng

Nhìn “hắn” ngứa mắt quá… Xin thưa, “hắn” đây là chồng của chị, nhưng khi “hắn” đi thì chị hết ngứa mắt mà chuyển sang… đỏ mắt vì khóc quá nhiều.

 

Cặp đôi khập khiễng

 

 

Nhìn “hắn” ngứa mắt quá… Xin thưa, “hắn” đây là chồng của chị, nhưng khi “hắn” đi thì chị hết ngứa mắt mà chuyển sang… đỏ mắt vì khóc quá nhiều.


 

Cặp đôi khập khiễngMinh hoạ: DAD
Căn nhà một trệt, hai lầu đang dần vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà ngay “công trường” ngày nào cũng chỉ thấy mình chị Hạnh. Tả xung hữu đột, đưa tay góc này, vung tay góc kia: “Thế này, thế này. Không phải. Lột ra làm lại. Không thẩm mỹ gì cả. Quê quá trời quê…”. Đó là chị đang “chỉ đạo nghệ thuật” cho đám thợ. Hỏi anh đâu, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm sao chị lo hết vậy? Chị xùy một tiếng: “Ra đây làm gì? Nhìn ngứa mắt thêm. Lão đang lai rai và đọc thơ ở nhà đó”.
Mỗi người một cực
Ai từng biết chị Hạnh đều khen chị quá giỏi. Có công việc ổn định ở một công ty nước ngoài, chị dành dụm số vốn kha khá rồi làm ăn một cách âm thầm, lặng lẽ mà chắc chắn. Chị đi mua “giấy bốc thăm nền đất” tại các khu tái định cư. Nhiều hộ bị giải toả được bồi thường 2 – 3 nền nhà nên họ bán bớt để có tiền xây nhà mới. Chị mua những miếng giấy có ghi ô số mấy, đường 1, đường 2 gì là xong. Mọi thủ tục chị lo hết. Lại dành dụm xây lên căn nhà cho chuyên gia nước ngoài thuê. Khi có người hỏi mua với giá có lãi, chị Hạnh bán rồi đi mua “giấy bốc thăm” ở khu tái định cư khác. Cứ túc tắc vậy mà khấm khá dần lên. Kiểu làm ăn chắc mặc bền của chị khá an toàn vì chị lấy tiền tiết kiệm của mình, cần thiết vay mượn thêm người thân nên không bị áp lực vì tiền lãi suất này nọ.
Thế nhưng, chồng chị lại khác. Anh an phận với đồng lương công chức của mình. Anh kiệm lời đến mức lù đù, hay đi chùa, làm từ thiện. Dưới góc nhìn của anh, việc làm của chị là không nên, là “lừa dối” người ta bởi có những căn nhà chị làm vật liệu là cửa sắt cũ, vật liệu mua loại thường nhưng chị có tài, có khiếu thẩm mỹ nên “mông má” thành nhà đẹp, khách tới coi nhà đều hài lòng…
Đường ai nấy đi
Khác nhau như thế nên việc gì chồng làm chị cũng thấy “ngứa mắt”. Đó là xa quê mà cứ lo chuyện họ hàng ngoài quê. Rồi hội này, nhóm nọ tưng bừng. Anh còn lặn lội đi cùng nhóm từ thiện này đến nhóm từ thiện khác. Khi chị nhờ anh trông coi căn nhà đang xây dở dang thì anh không coi ngó gì hoặc có đến cũng… mắc võng nằm đọc sách. Có khi nhậu “từa lưa” với đám thợ hồ. Chị sắc sảo bao nhiêu thì anh lại hiền lành, chậm chạp bấy nhiêu. Chuyện anh bị người ta lừa hết lần này đến lần khác là bình thường.
Có khi anh cũng cố lăng xăng giúp vợ trang trí ngôi nhà kịp ngày giao cho khách. Thế là anh đóng đinh lên tường để treo tranh. Chưa đóng xong một cái đinh, chị Hạnh la toáng lên: “Anh muốn khách bị tranh rơi bể đầu rồi mang tiếng suốt đời à? Cái này phải lấy khoan tường mà khoan anh hiểu không?”. Đến khi treo tranh, anh đem bức đôi thiên nga đang lội hồ rất tình tứ treo ở phòng khách, chị Hạnh lại la lên: “Ngứa mắt quá đi! Đó là tranh treo phòng ngủ ông thần ơi!”.
Cặp đôi khập khiễng này chính thức chia tay khi con gái anh chị du học. Anh chuyển về sống với mẹ như hồi còn độc thân. Trong ngôi nhà rộng thênh thang, chị Hạnh bỗng thấy cơ ngơi trống hoác vì không có ai để nhìn! Ngày tôi đến thăm, chị nói: “Chắc cũng kiếm khách để bán căn nhà này, làm cái nhà nhỏ hơn chứ ở một mình làm gì tới 6 phòng, lạnh lẽo quá! Con gái học xong có khi theo chồng luôn, chẳng về…”.

Hương Cần