Khen và chê

Con tôi đang học lớp 6 tại một trường bán trú trong tỉnh. Lớp con tôi học gọi là lớp chọn vì căn cứ điểm thi đầu vào đầu năm học.

 

Khen và chê

 

 Con tôi đang học lớp 6 tại một trường bán trú trong tỉnh. Lớp con tôi học gọi là lớp chọn vì căn cứ điểm thi đầu vào đầu năm học.


 

 

Đây là lớp tập trung những học sinh xuất sắc nhất của khối. Tôi rất yên tâm vì con mình được học trong lớp này, nhất là khi nghe nói cô giáo chủ nhiệm là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền.

Nhưng gần đây đi học về cháu hay than phiền với mẹ rằng: “Con và các bạn thấy mệt mỏi, áp lực quá mẹ ơi. Tối ngày cô con luôn bảo: “Tôi thấy ân hận vì đã nhận chủ nhiệm lớp này!”. Đúng là cũng có lúc các bạn làm cô bực mình, nhưng đâu phải vì vậy mà lúc nào cô cũng cho rằng chúng con tệ! Lớp con luôn dẫn đầu khối về học tập mà chẳng bao giờ thấy cô khen một câu động viên. Hễ có gì không vừa ý là cô mắng nhiếc, “giảng” gần hết cả tiết học, chỉ còn ít phút cuối cô mới vội vàng cho cả lớp chép bài về học, làm tụi con mất hết khoảng thời gian đáng lẽ phải được nghe giảng để hiểu bài hơn…”.

Theo như lời con tôi thì cháu và các bạn trong lớp rất chán nản và rất sợ giờ học của cô vì biết thế nào cũng phải học “đạo đức” thay cho môn học chính, bởi chắc chắn không tránh khỏi chuyện mắc lỗi gì đó.

Không chỉ la rầy bình thường, có khi cô còn xúc phạm học trò bằng những lời lẽ rất khó nghe, làm tổn thương các cháu như: “Mang tiếng lớp chọn mà vậy hả? Không biết nhục với các lớp khác sao?”…

Sợ con mình có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc về thầy cô, tôi đã phải tìm cách này cách khác xoa dịu con và “biện minh” cho cô, nhưng con tôi không chịu tâm phục khẩu phục và đã lý sự rằng: “Nếu cô thấy hối hận vì nhận lớp con thì cô cũng có thể xin thôi để thầy cô khác chủ nhiệm mà? Chúng con cũng biết cô muốn học trò tốt hơn, nhưng đâu phải vì vậy mà cô cứ mắng chửi, xúc phạm chúng con? Bao nhiêu cái tốt của chúng con sao cô không khen?”.

Hôm rồi, con trai tôi xin mẹ cho đi học thêm môn toán buổi tối với bạn Hoà ở cạnh nhà. Hòa cũng học lớp 6 cùng trường nhưng khác lớp với con trai tôi. Nghe Hoà khen cô dạy lớp học thêm giảng bài dễ hiểu, cặn kẽ nên con tôi rất hào hứng.

Hết giờ học, đi rước con, tôi bất ngờ vì mặt cu cậu chù ụ một đống, chẳng nói năng gì. Trên đường về, gặng hỏi mãi con mới uất ức kể: “Con vừa bước vô lớp học liền bị các bạn liếc háy, xì xầm gì đó. Có bạn còn nói: “Học lớp chọn vô đây chi? Tìm lớp giỏi mà học!”. Rồi các bạn tẩy chay con, không chơi với con…”.

Về nhà, tôi sang gặp Hòa để hỏi thăm thì được biết các bạn trong lớp học thêm đó bị cô giáo chủ nhiệm chê học dốt, rồi bị đem so bì với các bạn lớp chọn. Cô bảo: “Ráng học mà theo cho kịp con người ta! Cũng cha mẹ cho ăn học mà con người ta học giỏi thấy ham, còn mình thì dốt như… Không biết mắc cỡ sao?”. Chính vì vậy mà học sinh các lớp khác nhìn học sinh lớp chọn như “cái gai” trong mắt!

Tôi đã tìm mọi cách thuyết phục con tiếp tục đi học thêm với bạn Hoà, nhưng con tôi kiên quyết không đi. Cháu nói không chịu nổi ánh mắt ghét bỏ của các bạn. Rồi con tôi đã hỏi mẹ rằng: “Sao kỳ vậy mẹ? Cô chủ nhiệm thì chê lớp con thậm tệ, trong khi cô lớp khác lại khen lớp con đến mức làm chúng con bị ganh ghét?”…

Tôi thấy thương con và các bạn của nó quá. Tôi nghĩ người lớn chúng ta không có ai hoàn toàn tốt đẹp, giỏi giang cũng như không có ai hoàn toàn xấu và dở tệ thì các cháu cũng vậy. Biết nhìn ra cái hay, cái dở của học trò để có lời khen, chê một cách khéo léo, công bằng và đúng lúc, đúng chỗ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng với các thầy cô để giúp các cháu phát triển theo hướng tích cực.

HOÀNG MAI